Trình độ, bản lĩnh của đại biểu HĐND

Yếu tố tạo ra quyết sách trúng, đúng

- Thứ Sáu, 15/10/2021, 21:25 - Chia sẻ
“Tham gia xây dựng, ban hành nghị quyết, thẩm tra báo cáo, đề án là một trong những nhiệm vụ cốt yếu của đại biểu HĐND. Một quyết định, đề án có tạo ra đột phá, có sát dân và phù hợp với thực tế hay không, phụ thuộc rất nhiều vào trình độ, bản lĩnh của đại biểu - người trực tiếp bỏ lá phiếu thông qua các chính sách này” - PGS.TS Hoàng Văn Tú, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp chia sẻ.

- Thực tế, nhiều đại biểu HĐND làm rất tốt công tác giám sát, tiếp xúc cử tri nhưng lại khá rụt rè trong tham gia xây dựng, ban hành nghị quyết. Ông lý giải vấn đề ra sao, thưa PGS.TS Hoàng Văn Tú?

- Đúng là có hiện tượng như vậy mặc dù đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của đại biểu dân cử đã được pháp luật quy định. Nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng này, theo tôi có thể do đại biểu chưa đủ kỹ năng về xây dựng, ban hành văn bản dẫn đến không biết nên bắt đầu từ đâu. Hơn nữa, theo quy định pháp luật, dự thảo nghị quyết của HĐND phải có cơ quan trình là UBND, ngoài ra còn các ban tổ chức như ban thuộc HĐND, MTTQ cùng cấp… vì vậy không ít đại biểu còn có tư duy ỷ lại. Bên cạnh đó, yếu tố khách quan tác động từ bên ngoài và yếu tố chủ quan từ bản thân đại biểu cũng tác động không nhỏ tới các đại biểu.

PGS.TS Hoàng Văn Tú, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp
Ảnh: Tùng Dương

Có một thực tế, không phải bất cứ đại biểu nào cũng tốt nghiệp đại học luật mà xuất phát từ rất nhiều lĩnh vực tham gia; cũng không phải đại biểu nào cũng nắm hết mọi lĩnh vực của đời sống. Kiến thức của đại biểu chỉ là hữu hạn nhưng các văn bản luật, quyết định, nghị quyết mà họ phải bỏ phiếu quyết định lại trải rộng trên mọi khía cạnh của đời sống xã hội. Cùng với đó, cũng phải đề cập đến việc các sở, ngành địa phương không phải lúc nào cũng cung cấp thông tin đầy đủ tới đại biểu. Thậm chí, có những nơi còn bưng bít thông tin gây khó khăn cho đại biểu khi thực hiện những nhiệm vụ giám sát và thu thập thông  tin.

Ở khía cạnh chủ quan, nhiều người tuy chưa hiểu sâu nhưng cũng chưa tích cực tìm tài liệu hoặc tham vấn các chuyên gia ở vấn đề mình cần bỏ phiếu và ra quyết định dẫn đến thiếu tự tin khi đưa ra quyết định. Tôi cho rằng, đây là tình trang rất nguy hiểm bởi nó dẫn đến việc ra quyết định theo số đông hoặc theo cảm tính chứ không đưa ra được chính kiến. Hệ lụy kéo theo là nhiều quyết định, nghị quyết được thông qua xa rời thực tế, không hài hòa giữa việc thực thi pháp luật với lợi ích của người dân và khó đi vào cuộc sống.

- Vậy theo ông, để giải quyết tình trạng này cần những giải pháp gì?

- Theo tôi để giải quyết được vấn đề này không khó.

Về mặt chính quyền địa phương, chúng ta nên công khai minh bạch các vấn đề nhất là các vấn đề gây bức xúc trong cử tri, nhân dân, để đại biểu dễ dàng nắm bắt thông tin từ đó đưa ra những quyết định, bỏ những lá phiếu thật chất lượng.

Về phía đại biểu, cũng nên nghiên cứu các vấn đề thật sâu. Vì kiến thức của mỗi đại biểu có hạn nên cần khai thác và tham vấn các chuyên gia thuộc lĩnh vực mà mình được đưa ra quyết định.

- Đối với việc nâng cao kiến thức về luật pháp, ông có lời khuyên gì cho các đại biểu không?

- Đúng như nhiều đại biểu nhận định, việc tiếp xúc thông tin và các văn bản pháp luật của chúng ta chưa thực sự đồng đều giữa các đại biểu thuộc các cấp khác nhau. Để khắc phục, cần có quy định nhằm tạo điều kiện tối đa cho đại biểu HĐND. Tránh tình trạng những đại biểu cấp cao thì rất nhiều kênh thông tin, tư liệu nhưng một số đại biểu ở phường, quận lại thiếu thông tin dẫn đến sự không công bằng.

Pháp luật cần có cơ chế cụ thể để trang bị, cung cấp thông tin nhiều hơn nữa cho các đại biểu ở tầm thấp hơn. Cùng với đó, nên đào tạo, bồi dưỡng cho họ một lớp về pháp luật đại cương, tập huấn về kỹ năng xây dựng văn bản cùng kỹ thuật lập pháp. Đồng thời, phải tạo ra quỹ vật chất và thời gian, cung cấp trang thiết bị để đại biểu có thể truy cập. Đơn cử như ĐBQH, Ban Công tác đại biểu làm rất hay, trang bị cho mỗi người một ipad lưu tất cả thông tin. Tôi hy vọng HĐND cấp tỉnh có thể xây dựng được quỹ ngân sách cấp trang thiết bị cho đại biểu trong nhiệm kỳ 5 năm.

Về bản thân đại biểu cần phải năng động, không ỷ lại. Đại biểu chuyên trách phải dành 100% thời gian, tâm huyết cho công việc. Đại biểu kiêm nhiệm phải dành lượng thời gian nhất định theo quy định pháp luật cho công việc của đại biểu. Đại biểu phải chịu khó tìm tòi, tự học bằng cách đọc nhiều văn bản pháp luật, ứng dụng thông tin truyền thông, tự khắc phục những thiếu sót. Luôn giữ tinh thần, thái độ, trách nhiệm cao, hài hoà nội lực và ngoại lực, cả khách quan lẫn chủ quan, cả cơ quan nhà nước và bản thân đại biểu phải vào cuộc cùng nhau. Nhà nước cũng cần tạo điều kiện giúp đại biểu có cơ sở hoàn thành nhiệm vụ. Như vậy mới có thể khắc phục được nhược điểm, phát huy khả năng, tiềm năng, cũng như khẳng định bản lĩnh của một đại biểu dân cử.

Trân trọng cảm ơn ông!

Tùng Dương - Hải Yến