“Nới” giờ làm thêm

- Thứ Sáu, 24/12/2021, 10:33 - Chia sẻ
Kể từ ngày 1.2.2022, lao động thời vụ được làm thêm 40 giờ mỗi tháng. Đây là thông tin không chỉ được doanh nghiệp mà cả người lao động mong chờ, nhất là trong bối cảnh ảnh hưởng bởi đại dịch Covid - 19, nhiều người lao động bị mất việc làm, giảm thu nhập.

Giảm tải áp lực tìm nhân lực

Theo Thông tư số 18/2021/TT-BLĐTBXH quy định về thời giờ làm việc, nghỉ ngơi với người lao động làm công việc sản xuất thời vụ, gia công theo đơn đặt hàng, tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm trong một ngày không quá 12 giờ; Tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm trong một tuần không quá 72 giờ; Tổng số giờ làm thêm trong một tháng không quá 40 giờ; Tổng số giờ làm thêm trong một năm đối với mỗi người lao động không quá 300 giờ.

Trong khi đó, nếu áp dụng theo Thông tư số 54/2015/TT-BLĐTBXH thì, tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm trong một tuần không quá 64 giờ, trong 1 tháng không quá 32 giờ. Như vậy, với quy định mới này, tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm trong một tuần của lao động thời vụ, lao động gia công theo đơn đặt hàng sẽ được tăng thêm đến 8 giờ/tuần; Tổng số giờ làm thêm trong một tháng tăng thêm đến 8 giờ/tháng.

Từ 1.2.2022, tổng số giờ làm thêm của người lao động không quá 40 giờ trong 1 tháng. ITN
Từ 1.2.2022, tổng số giờ làm thêm của người lao động không quá 40 giờ trong 1 tháng
Nguồn: ITN

Có mặt tại sàn giao dịch việc làm trực tuyến do Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức, bà Hoàng Thị Vân Anh, chuyên viên nhân sự hệ thống siêu thị “Mẹ và bé con cưng” cho biết, thông thường cuối năm, hệ thống rất cần nhiều lao động thời vụ nhưng năm nay việc tuyển dụng khá chật vật vì ảnh hưởng dịch, phần lớn người lao động về quê tránh dịch. Chính vì vậy, với quy định cho phép làm thêm giờ lên tới 40h/tháng sẽ giúp công ty giảm tải áp lực tìm nhân sự. Hơn nữa, việc thỏa thuận làm thêm giờ với người lao động sẽ góp phần hạn chế chi phí đào tạo hơn so với tuyển lao động mới.

Thực tế, không chỉ doanh nghiệp mà người lao động đón nhận quy định khá tích cực. Chị Nguyễn Thị May, công nhân may khu công nghiệp Sài đồng, Hà Nội cho biết, từ đầu tuần chúng tôi được Công đoàn cơ sở thông báo quy định mới về thời gian làm thêm giờ. Đây là tin vui với người lao động, bởi trong năm qua hầu như ai cũng bị giảm thu nhập.

Cần giải pháp căn cơ

Chia sẻ về những tác động của dịch Covid - 19 đối với cuộc sống, bà Ngô Minh Hương, giảng viên khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, theo báo cáo Tác động của Covid-19 tới người lao động nữ trong ngành dệt may trong dịch được thực hiện tại 3 tỉnh: Hải Dương, Đà Nẵng, Đồng Nai bằng phương pháp nghiên cứu định tính cho thấy, có tới 40% lao động bị ảnh hưởng do doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động hay không ký tiếp; cắt giảm hầu hết giờ làm thêm của người lao động ở cả 3 địa phương được khảo sát. Tình trạng mất việc, giảm giờ làm dẫn đến người lao động bị giảm thu nhập. Trên 50% đối tượng khảo sát cho biết họ phải nghỉ không lương, thu nhập giảm tới 40 - 50%. Thu nhập trung bình năm 2019 là 7 - 8 triệu đồng/tháng nhưng tới tháng 7.2020, con số này giảm chỉ còn 4,2 - 5 triệu đồng.

Cần giải pháp căn cơ trong việc bảo đảm thu nhập của người lao động
Nguồn: ITN

Tổng liên đoàn lao động Việt Nam tiến hành khảo sát trực tuyến ý kiến của người lao động về nhu cầu làm thêm giờ. Kết quả khảo sát cho thấy, trong tổng số 17.876 người lao động cho ý kiến, có tới 82,1% người đồng ý.

Chính vì vậy, với quy định nới thời gian làm thêm sẽ tạo điều kiện để người lao động có thêm thu nhập đồng thời giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất mà không lo đứt gãy chuỗi sản xuất do thiếu nguồn nhân lực cục bộ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc tăng giờ làm thêm chỉ là giải pháp trước mắt, về lâu dài vẫn còn có các giải pháp căn cơ để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động vượt qua thách thức do dịch.

Theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, quá trình bị tác động bởi đại dịch Covid-19 từ năm 2020-2021 cho thấy chúng ta còn nhiều hạn chế, chưa có một quỹ an sinh xã hội ổn định để chăm lo đời sống cho người dân và giải quyết các vấn đề bất trắc khi xảy ra. Do đó, về lâu dài, chúng ta cần những giải pháp để phát triển sản xuất, duy trì việc làm bền vững, tạo việc làm mới cho người lao động. Đặc biệt, rất cần đào tạo, đào tạo lại lao động, việc này chúng ta chưa làm tốt, trong khi đây là giải pháp quan trọng, là chính sách phòng ngừa nguy cơ mất việc cho người lao động

Thái Yến