“Vaccine” cho doanh nghiệp

- Thứ Tư, 20/10/2021, 20:44 - Chia sẻ
Việc tháo gỡ nhanh thủ tục tốt cho doanh nghiệp cũng tạo ra sức mạnh to lớn, chứ không chỉ là việc bơm vốn. PGS.TS Trần Đình Thiên, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Kinh tế - Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã nhấn mạnh điều này tại Tọa đàm “Phát huy vai trò doanh nghiệp và người dân trong phục hồi kinh tế, thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Hơn 70 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường

Nhìn nhận về “sức khỏe” của doanh nghiệp khi bị tác động của dịch Covid-19, Tiến sỹ khoa học Võ Đại Lược, Ủy viên Hội đồng Tư vấn về Kinh tế - Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam dẫn số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Trong 8 tháng năm 2021 đã có 70.209 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường; 85.500 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động. Ông Lược cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, bao gồm cả các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và tư nhân đều chịu tác động mạnh, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhóm này chiếm 10% GDP và chịu tác động nặng nề nhất từ đợt dịch lần thứ tư này.

Cần có chính sách hỗ trợ kịp thời để giúp doanh nghiệp hồi phục và phát triển sau dịch Covid-19. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, ông Võ Đại Lược cũng cho rằng, đợt dịch lần này xem như là một cuộc khủng hoảng có tác dụng sàng lọc các doanh nghiệp, loại bỏ các doanh nghiệp ốm yếu, giúp cho nền kinh tế Việt Nam sẽ phát triển lành mạnh hơn sau đại dịch.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng cho biết, theo khảo sát gần đây của VCCI, xấp xỉ 94% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch, khoảng 71% doanh nghiệp tiếp tục giảm doanh thu so với năm trước đó, 96% doanh nghiệp gặp các vấn đề liên quan đến tiếp cận khách hàng, mất cân đối dòng tiền, quản lý nhân công hoặc đứt gãy chuỗi cung ứng. Các số liệu từ điều tra toàn quốc của VCCI cũng cho thấy 91% doanh nghiệp đã phải chấp nhận giảm quy mô lao động trong thời kỳ dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Đề cập đến khó khăn mà các doanh nghiệp đang phải đối diện, ông Trần Đình Thiên cho rằng, dòng tiền ở nhiều doanh nghiệp đã cạn kiệt, điều kiện vay vốn ngân hàng của họ rất “kém”, rất khó đáp ứng các tiêu chuẩn vay của ngân hàng trong khi nhu cầu vốn mới để phục hồi sản xuất kinh doanh lại đặt ra bức bách, thậm chí là “sinh tử”

“Trong tình thế kinh tế khó khăn, các ngân hàng rất khó chấp nhận rủi ro để cho các doanh nghiệp này vay vốn. Nguy cơ doanh nghiệp không gượng dậy được vì thiếu vốn đồng nghĩa với sự phục hồi chậm và nhiều rủi ro của nền kinh tế”, ông Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Không chỉ là “bơm vốn”

Việc các tổ chức tín dụng thận trọng khi doanh nghiệp muốn tiếp cận nguồn vốn là một thực tế, bởi các tổ chức này muốn hạn chế rủi ro khi xuất vốn. Tuy nhiên, theo ông Trần Đình Thiên, thận trọng là cần thiết, nhưng bây giờ là lúc chúng ta cần có cách tiếp cận mạnh dạn và can đảm để giải quyết vấn đề này. Do đó, cần thành lập sớm Quỹ bảo lãnh tín dụng từ phía nhà nước, tức là nhà nước bảo lãnh cho doanh nghiệp vay ngân hàng khi họ thiếu điều kiện được vay, ông Trần Đình Thiên kiến nghị.

Cho rằng tọa độ “phục hồi” đặc biệt của nền kinh tế là đẩy mạnh hơn nữa đầu tư công, nhưng ông Thiên cho rằng, hiện lĩnh vực này đang bị rối bởi nhiều thủ tục, quy trình của cơ chế “xin – cho” và điều này không thể dễ dàng gỡ bỏ ngay được trong một sớm, một chiều. 

“Việc tháo gỡ nhanh, thủ tục tốt cho doanh nghiệp cũng tạo ra sức mạnh to lớn, chứ không chỉ là việc bơm vốn”, ông Thiên đặc biệt nhấn mạnh.

Để có hiệu quả tác động mạnh hơn, trong điều kiện sức khỏe của doanh nghiệp đang bị suy giảm mạnh, để các doanh nghiệp có thể đứng thẳng dậy được và “xốc tới” chứ không phải “lom khom hồi phục”, ông Thiên cho rằng, các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ và ngân hàng cần mạnh hơn nữa. Đây là lúc “đúng lúc” nhất ngân sách nhà nước mạnh dạn chi hỗ trợ doanh nghiệp, để “cứu” nền kinh tế, thực chất cũng là cứu mình. Nếu không, nền kinh tế vẫn sẽ khó phục hồi, có thể bỏ mất thời cơ.

Hiện nay, cách tiếp cận phát triển nền kinh tế trên nền tảng kinh tế số nhờ quá trình số hóa đang được đẩy mạnh. Quá trình này giúp doanh nghiệp giảm đáng kể chi phí hoạt động, thúc đẩy tiếp cận một hệ thống quản trị hiện đại và hiệu quả. Chính sách khuyến khích của Chính phủ đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp “kinh doanh số” được tăng cường hơn sẽ làm cho nền kinh tế chuyển hướng tích cực hơn.

Cần lưu ý rằng, ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp là quan trọng nhất trong lúc này, song phải tính đến yêu cầu giữ cho được “sức khỏe ngân sách tối thiểu”, không được gây tổn hại quá mức đến sức mạnh ngân sách. Bộ Tài chính phải tính toán được cân đối này để đề xuất giải pháp phù hợp cho Chính phủ.

PGS.TS. Trần Đình Thiên, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Kinh tế Khóa IX của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

Cùng với đó, những chính sách, biện pháp giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, giảm áp lực tài chính - miễn giảm, giãn thuế, phí, lãi suất, nợ... mà Chính phủ và hệ thống ngân hàng áp dụng khá hiệu quả lâu nay nên tiếp tục được duy trì; thậm chí, cần kéo dài thời gian và tăng mức độ hỗ trợ.

Theo ông Hoàng Quang Phòng, việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì sản xuất, phục hồi kinh tế được xác định như một nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và cần quyết liệt thực hiện. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chỉ có thể bình thường trở lại nếu như các tuyến giao thông vận tải giữa các địa phương được thông suốt, không còn tình trạng “chống dịch cực đoan” hay “cát cứ địa phương” như đã từng xảy ra ở một số nơi thời gian qua.

Cùng với đó, chủ động rà soát, kịp thời điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp lý và các quy định, chính sách cho phù hợp với điều kiện “bình thường mới”, mạnh dạn phá bỏ ngay những quy định cũ không còn phù hợp, xem xét ban hành các quy định pháp lý đặc biệt. Các cơ quan Nhà nước cần chủ động rà soát, sửa đổi bổ sung ngay những quy định pháp luật, chính sách về kinh doanh đang là rào cản, gây cản trở đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; đặc biệt là các quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa thống nhất, chưa phù hợp thực tiễn, chưa vì lợi ích chung của nền kinh tế… Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Phá sản… để chủ động tránh nguy cơ chính sách lạc hậu trở thành điểm nghẽn cho hoạt động của doanh nghiệp trong điều kiện “bình thường mới”.

Ở thời điểm này sức lực của các doanh nghiệp hiện đã suy yếu hơn nhiều so với cách đây 1 năm. Để vực doanh nghiệp dậy, rõ ràng cần sự hỗ trợ mạnh hơn gấp bội và phải thật nhanh chóng để bảo đảm tính kịp thời. Những chính sách hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, những thủ tục hành chính là rào cản được cắt bỏ chính là những liều vaccine hiệu quả nhất để giúp doanh nghiệp duy trì, phát triển hồi phục sau Covid-19.

Song Hà