Tái định cư thủy điện - bao giờ hết khắc khoải?

Bài 1: Sứ mệnh mới trên những dòng sông

- Thứ Tư, 25/12/2019, 08:21 - Chia sẻ
Thanh Hóa, Nghệ An - vùng trọng yếu trong chiến lược phát triển chung của đất nước và được ví như một “Việt Nam thu nhỏ” với địa hình đa dạng phong phú. Trong lát cắt địa hình ấy, có một miền Tây của hai tỉnh đều gắn liền với biên giới của nước bạn Lào và đều có những dòng sông gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển của dân tộc. Những dòng sông ấy giờ đây không chỉ gánh trên mình sứ mệnh giữ hồn cốt đất và người nơi nó chảy qua, mà còn gánh trên mình “sứ mệnh” tạo ra nguồn năng lượng và giữ những giấc mơ chưa trọn vẹn…

 Phát triển thủy điện, bảo đảm an ninh năng lượng phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội là chủ trương đúng của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, phía sau những ánh hào quang lấp lánh của dòng điện vẫn hiện hữu những câu chuyện, ánh mắt len lét đầy ám ảnh của hàng nghìn hộ dân các khu tái định cư và trong họ vẫn luôn ấm ủ giấc mơ về một cuộc sống tươi sáng hơn ở vùng đất mới… Thực tế này đã và đang diễn ra ở hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An. Đến bao giờ các hộ dân tái định cư các nhà máy thủy điện mới hết khắc khoải, chờ mong?

Xuôi dòng sông Mã

Từ bao đời nay, sông Mã luôn được xem là hồn cốt của người xứ Thanh. Sông Mã chảy qua địa phận tỉnh Thanh Hóa có chiều dài 242km, tạo nên một lưu vực rộng lớn gần 9.000km2 và nhiều phụ lưu chính như sông Luồng (102km), sông Lò (74,5km), sông Bưởi (130km), sông Chu (325km). Các dòng sông này có độ dốc cao, lưu vực và lưu lượng tốt, có tiềm năng để phát triển thủy điện.

Nhận thấy tiềm năng về thủy điện, từ những năm 2004, tỉnh Thanh Hóa đã đưa việc quy hoạch, đầu tư phát triển các công trình thủy điện là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 1.7.2004 của Bộ Chính trị Khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; Quyết định số 253/2005/QĐ-TTg ngày 12.10.2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh miền tây tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020.


Thủy điện Bản Vẽ ở Tương Dương, Nghệ An - Công trình thủy điện lớn nhất Bắc miền Trung

Định hướng rõ nét đó, cùng với những kết quả khảo sát, đánh giá của các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia và từ thực tiễn, từ năm 2005 đến nay, Thanh Hóa đã được Bộ Công thương Quy hoạch 22 dự án thủy điện với tổng công suất 832MW. Trong đó, có 9 dự án thủy điện thuộc Quy hoạch thủy điện bậc thang sông Mã là: Trung Sơn, Thành Sơn, Hồi Xuân, Bá Thước 1, Bá Thước 2, Cẩm Thủy 1, Cẩm Thủy 2, Cửa Đạt, Xuân Minh và 13 dự án còn lại thuộc Quy hoạch thủy điện nhỏ toàn quốc…

Theo Báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa, hiện đã có 10 dự án được đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành phát điện, gồm: Thủy điện Cửa Đạt, công suất 97MW; Thủy điện Trung Sơn, công suất 260MW; Thủy điện Bá Thước 2, công suất 80MW; Thủy điện Bá Thước 1, công suất 60MW; Thủy điện Dốc Cáy, công suất 15MW; Thủy điện Bái Thượng, công suất 6MW; Thủy điện Xuân Minh, công suất 15MW; Thủy điện Thành Sơn, công suất 30MW; Thủy điện Cẩm Thủy 1, công suất 28,8MW; Thủy điện Trí Nang, công suất 5,4MW.

Các nhà máy thủy điện đi vào hoạt động trung bình hàng năm cung cấp vào lưới điện quốc gia khoảng 3 tỷ kwh. Đồng thời, đóng góp cho ngân sách nhà nước khoảng 500 tỷ đồng/năm; tạo thêm việc làm và thu nhập cho người lao động. Theo dự tính, các hồ chứa nước khi hình thành sẽ tạo không gian phát triển du lịch, phát triển nghề nuôi trồng thủy sản và đặc biệt đóng vai trò như “kho” giữ nước góp phần cắt lũ và cấp nước do hạ du vào mùa khô.

Thực tế đã chứng minh, các dự án thủy điện đã góp phần thu hút vốn đầu tư đáng kể của tỉnh. Lũy kế tính từ 2007 đến nay, có khoảng 23.000 tỷ đồng (không tính phần thủy lợi, dự án hồ chứa nước Cứa Đạt) đầu tư vào các dự án thủy điện trên địa bàn. Các nhà máy thủy điện hàng năm cung cấp lên lưới điện quốc gia trung bình khoảng 3 tỷ kwh (hơn 70% tổng tiêu dùng điện năng toàn tỉnh); đóng góp vào ngân sách tỉnh khoảng 500 tỷ đồng…

Ngược dòng Lam Giang

Nếu như ở Thanh Hóa có sông Mã “gầm lên khúc độc hành” thì người dân xứ Nghệ lại tự hào về dòng sông Lam. Từ bao đời nay, dòng sông đã bồi đắp nên nhiều làng mạc trù phú, ăn sâu vào tiềm thức của người dân xứ Nghệ như một phần không thể tách rời. Không chỉ vậy, ngày nay ở thượng nguồn sông Lam (chủ yếu là các dòng hợp lưu) hàng loạt dự án thủy điện đã được xây dựng để đáp nhu cầu về an ninh năng lượng như: Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ, công suất 320MW; Nhà máy Thủy điện Khe Bố, công suất 100MW; Nhà máy thủy điện Nậm Nơn (xã Lượng Minh) công suất 20MW; Nhà máy thủy điện Bản Ang (xã Xá Lượng) với công suất 17MW.

Nói về tiềm năng thủy điện của tỉnh Nghệ An, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu cho biết: Với lợi thế địa hình dốc, có nhiều sông, suối và lượng mưa tương đối lớn, hệ thống sông ngòi có tới 117 thác nước lớn nhỏ, nguồn thuỷ năng tương đối phong phú, mạng lưới sông suối phân bố trên toàn tỉnh với tổng chiều dài sông suối 9.828km, mật độ trung bình 0,6 - 0,7km/km2 nên rất thuận lợi cho việc tận dụng ưu thế tự nhiên để xây dựng các công trình thuỷ lợi - thủy điện. 

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 47 dự án được phê duyệt quy hoạch, với tổng công suất 1.407,1MW. Tuy nhiên, có 15 dự án thủy điện với tổng công suất 46,15MW do hiệu quả thấp đã được UBND tỉnh đề nghị Bộ Công thương loại khỏi quy hoạch. Như vậy, trên địa bàn toàn tỉnh chỉ còn 32 dự án đã được phê duyệt quy hoạch với tổng công suất 1.359,9MW. Trong đó, có 13 dự án đã vận hành phát điện với tổng công suất 780,5MW; 2 dự án đã xây dựng xong đang làm thủ tục vận hành phát điện với tổng công suất 75MW; 9 dự án đang triển khai thi công với tổng công suất 101,4MW; 5 dự án đã có chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai với tổng công suất 327MW…

“Nhìn chung, các Nhà máy thủy điện đưa vào khai thác, vận hành hầu hết đã phát huy hiệu quả và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như khu vực nơi có dự án đầu tư: Làm tăng sản lượng điện cho quốc gia, góp phần tạo ra động lực mới trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tăng thu ngân sách; cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, thông tin liên lạc... Theo báo cáo của Sở Công thương, hàng năm các nhà máy phát điện với sản lượng đạt 2,2 tỷ kWh; các dự án phát điện cung cấp cho hệ thống điện hơn 12 tỷ kWh, giải quyết việc làm cho hơn 700 lao động tại địa phương, đóng góp vào NSNN bình quân hàng năm 413 tỷ đồng…”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Qua bức tranh tổng quát các dự án thủy điện của hai tỉnh nêu trên có thể khẳng định: Các nhà mày thủy điện đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Thanh Hóa và Nghệ An cần thận trọng trong việc quy hoạch và chấp thuận để tránh tình trạng “vỡ trận” các dự án thủy điện. Vì vậy, để bảo đảm tăng trưởng và phát triển bền vững, hai tỉnh cần tiếp tục rà soát, kiểm soát kỹ lưỡng chất lượng các dự án đang vận hành và các dự án đang xây dựng, kiên quyết loại bỏ các dự án không an toàn. Đặc biệt, cần công tâm đánh giá lại cuộc sống người dân ở những vùng tái định cư để sớm có những giải pháp phù hợp. Bởi phía sau những dự án thủy điện nghìn tỷ vẫn là sự khắc khoải mong chờ của hàng nghìn người dân về giấc mơ no ấm còn dang dở bên những dòng sông, bên những cánh rừng già…

BÁCH HỢP - DIỆP ANH