Giấc mơ nào cho Sa Pa?

Bài 1: Vẫn có một Sa Pa lặng lẽ

- Thứ Sáu, 06/09/2019, 08:09 - Chia sẻ
Sương chiều bất chợt tràn đến khi San chuẩn bị bữa tối cho khách ở khu nghỉ dưỡng Sapa Eco Villas & Spa. “Trước em làm trên thị trấn, giờ về đây cho gần nhà”. “Đây” của San là thôn Vạn Dền Sử 1 xã Sử Pán. Cách thị trấn Sa Pa 12 cây số về phía Đông Nam, xã đặc biệt khó khăn Sử Pán giờ đã có hơn hai chục homestay và resort nhỏ hoạt động, chủ yếu đón “khách tây”. Có thể họ thích Sử Pán vì yên tĩnh, trong lành và còn nguyên bản sắc, Chủ tịch xã Tẩn A Lềnh lý giải.

San sinh năm 1987, dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn. Trước khi về kiêm cả chân đầu bếp lẫn dọn dẹp phòng ốc ở khu nghỉ xinh xắn vừa mới khai trương này, San đã “dắt lưng” chục năm kinh nghiệm làm đầu bếp cho các nhà hàng trên thị trấn. “Hồi đó cuối tuần mình về nhà một lần. Cũng không muốn đi xa vì con bé quá nhưng ở quanh nhà chẳng có việc gì làm. Lên thị trấn dễ kiếm việc hơn. Giờ thì buổi tối xong việc ở đây là mình về với vợ con”, San miệng nói, tay vẫn thoăn thoắt lật mấy xiên thịt nướng.


Sử Pán chủ yếu đón du khách nước ngoài Ảnh: Thanh Cường

 Một thời, hành trình đến Sa Pa có chút gì đó giống như trở về quá khứ trên chuyến tàu rời ga Hàng Cỏ hàng đêm. Nhưng rồi, thị trấn đã đổi thay chóng vánh kể từ khi con đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai thông tuyến và cáp treo lên đỉnh Fansipan cùng một ngôi chùa giữa vườn quốc gia hoàn thành. Trong cơn lốc đô thị hóa, cả thị trấn thành công trường để kịp đón lượng du khách tăng gần 25% mỗi năm.

Tuy vùng lõi Sa Pa đã quá tải, nhưng may mắn thay quanh Sa Pa bản sắc văn hóa người Mông, Dao, Tày, Giáy, Xã Phó vẫn còn; những bản làng vẹn nguyên vẫn còn; và Sa Pa vẫn có những hành trình ít người biết tới. Tất cả cho người ta niềm tin về một giấc mơ tốt đẹp hơn cho Sa Pa. Nhưng giấc mơ ấy chỉ có thể thành hiện thực khi Sa Pa có mô hình chính quyền phù hợp, với đủ quyền hạn trong việc quyết định những vấn đề hệ trọng định hình tương lai của Sa Pa. Bởi có một thực tế: dù Sa Pa từ lâu đã là khu du lịch cấp quốc gia mang tầm cỡ quốc tế, đón vài ba triệu lượt khách mỗi năm, mang lại doanh thu hàng nghìn tỷ đồng và giữ vị thế đầu tàu cho phát triển du lịch vùng Tây Bắc nhưng quản lý Sa Pa vẫn là bộ máy chính quyền nông thôn. Mô hình chính quyền ấy đã không còn phù hợp với tốc độ phát triển và vị thế của Sa Pa.

Nhà San bên Tả Van, cách Sử Pán chừng 2 cây số về phía gần thị trấn. 73% dân Tả Van là người Mông, 83% làm nông nghiệp. Hơn chục năm trước, khách du lịch xuống Tả Van thăm thú ruộng bậc thang tuyệt đẹp ở thung lũng Mường Hoa, cầu Suối Mây, hồ Séo Mý Tỷ… rồi trở lại thị trấn nghỉ ngơi. Dần dà, resort, homestay mọc lên ngày một nhiều để phục vụ du khách. Kinh tế Tả Van nghiêng hẳn sang thương mại dịch vụ. Năm ngoái, khách đến Tả Van gần 80 nghìn lượt với 14 quốc tịch, lượng khách lưu trú qua đêm hơn 10 nghìn lượt.

Ngay cả vợ San cũng đi làm hướng dẫn viên du lịch hơn một năm nay. “Mình vẫn giữ ít ruộng, có nuôi gà trồng rau nữa, còn tiền đi làm thế này hai vợ chồng để dành”. Lương thử việc của San ở Sapa Eco Villas & Spa là 5 triệu đồng/tháng, tới lúc chính thức thì quãng 7 - 8 triệu đồng. Như nhiều nhà khác trong xã, vợ chồng San bắt đầu có chút của ăn của để nhờ du lịch. Nhưng rồi, chính sự phát triển nóng vượt ngoài tầm kiểm soát của chính quyền cũng lấy đi của Tả Van nhiều thứ. Các hộ đua nhau dỡ nhà cũ xây nhà mới kiên cố để có thêm phòng đón khách làm thưa vắng dần những ngôi nhà gỗ yên bình ẩn mình dưới tán cây xanh. Nhiều người còn lấn cả ruộng bậc thang để làm homestay, San kể. Không ít cơ sở homestay bê luôn mô hình kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ, nhà hàng ở thành phố về vùng miền núi này…

Du lịch như có “chân”, chỗ này đông đúc, ồn ào và bụi bặm thì nó lại “chạy” vào vùng khác sâu hơn, xa hơn nhưng nguyên bản và tĩnh lặng hơn. Cách Tả Van không xa, may mắn thay Sử Pán dù làm du lịch hơn một năm nay nhưng vẫn giữ được nguyên sự mộc mạc đầy hấp dẫn của mình. Nơi ấy cuộc sống quanh những thửa ruộng bậc thang vẫn tiếp diễn như hàng trăm năm nay, bếp lửa vẫn ấm cúng dưới mái nhà lợp bằng những tấm gỗ pơmu bên sườn núi dãy Hoàng Liên và bầu không khí rất đỗi trong lành. Diện tích đất tự nhiên chưa đầy 10km2, Sử Pán giờ có hơn hai chục homestay và một vài resort quy mô nhỏ đang hoạt động nhưng “hầu hết là kiểu nhà truyền thống của người Mông và chủ yếu đón khách Tây”, Chủ tịch xã Tẩn A Lềnh nói với giọng tự hào.

Không khó để kiểm chứng lời Chủ tịch xã Sử Pán. Chỉ cần ra khỏi trụ sở ủy ban, đi dọc theo những con đường trải bê tông sạch sẽ len lỏi khắp các thôn bản sẽ thấy - dù có làm homestay hay không thì tất cả các ngôi nhà đều chung kiểu dáng và kiến trúc nhà truyền thống của người Mông. Nhà dù to hay nhỏ phải có đủ 3 gian và ít nhất 2 cửa, cửa chính ở gian giữa nhà, cửa phụ để ở mặt đầu nhà, phía đi ra đường thuận hơn. Resort quy mô nhỏ kiểu Sapa Eco Villas & Spa mái cũng lợp lá và có kiến trúc phù hợp với cảnh quan. Theo vận động của chính quyền xã, mỗi nhà ở Sử Pán làm một cái cổng bằng tre, gỗ - “những nguyên liệu sẵn có và thân thiện môi trường” như lời Chủ tịch xã 37 tuổi Tẩn A Lềnh. Trên đó có treo tấm biển nhỏ ghi tên chủ nhà, số nhà và số điện thoại để khách dễ liên hệ. Khuôn viên các gia đình đều trang trí bằng những chậu hoa địa lan, dương xỉ. Dọc đường liên thôn, liên gia trồng thông, trồng cọ. Có thể người dân làm homestay ở Sử Pán chưa hẳn đã chuyên nghiệp nhưng họ đều biết những gì chị Giàng Thị Phấn (thôn Hòa Sử Pán 1) biết: “Làm du lịch thì nhà cửa phải gọn sàng, có khách thì phải tươi cười đón khách, làm cái gì cho khách ăn thì cũng phải sạch sẽ, vui vẻ”. 

Sức hút của Sử Pán nằm ở đó - sự hài hòa giữa các yếu tố: bản sắc văn hóa, tấm lòng mộc mạc của người Mông, bầu không khí trong lành và sự sạch sẽ, tươm tất nhất có thể. Dễ hiểu vì sao khách du lịch đến Sử Pán ngày một nhiều, ở lại ngày một lâu và chủ yếu là khách nước ngoài. “Chỗ mình làm mới mở cửa hơn một tháng mà khách cũng đông”, San kể rồi khoe thêm rằng nhiều người ở lại  cả tuần, sáng họ đi bộ quanh bản rồi về đọc sách, nghỉ ngơi vậy thôi. Từ khi du lịch về bản, đời sống người dân Sử Pán - xã đặc biệt khó khăn của huyện Sa Pa - khá hơn hẳn. “Thu nhập bình quân đầu người năm ngoái 19 triệu đồng, cuối năm nay chắc lên được 25 triệu đồng”, Chủ tịch xã Tẩn A Lềnh cho biết. Cả San và vị Chủ tịch xã đều nghĩ giống nhau, rằng phải giữ cho được bản sắc văn hóa và không khí trong lành thì du khách mới đông lên.

Sử Pán chỉ là một ví dụ. May mắn thay, văn hóa người Mông, Dao, Tày, Giáy, Xã Phó vẫn còn, những bản làng quanh Sa Pa vẫn còn và Sa Pa vẫn có những hành trình ít người biết tới. Ví như những bản làng còn sót lại vẹn nguyên dọc đường xuống hạ huyện Sa Pa sang Xuân Giao. Ví như hành trình qua một bản Mông với hơn 180 người trong một dòng họ sống quây quần quanh một cây cổ thụ, có lẽ là cái cây lớn nhất Sa Pa mà Giàng Thị Số, một hướng dẫn viên du lịch, thường dẫn khách đi… Nhưng để giữ được Sử Pán, Sả Séng, Sâu Chua…; giữ được những bản cao như Lao Chải, San Sả Hồ, Séo Mý Tỷ hay cả phía bên kia đèo như Bản Khoang, Tả Giàng Phình, những bản làng dọc đường vào tận Mường Hum, sang Y Tý…, - thì điều quan trọng nhất là chính quyền huyện Sa Pa cần phải được trao cho đủ quyền năng để đặt các địa danh đó trong một tổng thể cho những trải nghiệm của du khách.

Có một sự thật, dù Sa Pa từ lâu đã là khu du lịch cấp quốc gia mang tầm cỡ quốc tế, đón vài ba triệu lượt khách mỗi năm, mang lại doanh thu hàng nghìn tỷ đồng và giữ vị thế của một đầu tàu cho phát triển du lịch vùng Tây Bắc nhưng quản lý Sa Pa vẫn là bộ máy chính quyền nông thôn. Bộ máy chính quyền ấy không có đủ quyền hạn đối với nhiều nội dung quan trọng, có ý nghĩa định hình sự phát triển của Sa Pa cả trong hiện tại và tương lai như: Quy hoạch và phát triển đô thị, cơ chế thu hút đầu tư, kế hoạch xây dựng hạ tầng - giao thông, biện pháp quản lý và tổ chức đời sống dân cư, bảo đảm trật tự công cộng, cảnh quan trên địa bàn… Nói cách khác, mô hình chính quyền nông thôn đã không còn phù hợp với cả điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội cũng như sự phát triển và tốc độ đô thị hóa hiện nay của Sa Pa.

Hà Lan