Nâng cao chất lượng ban hành nghị quyết Hội đồng Nhân dân

Bài cuối: Tạo thuận lợi cho đại biểu nghiên cứu, quyết nghị

- Thứ Năm, 10/01/2019, 08:02 - Chia sẻ
Khắc phục những tồn tại, hạn chế để nâng cao chất lượng các quyết sách của HĐND, bên cạnh xác định đúng thẩm quyền, lấy ý kiến đối tượng tác động thực chất... cần chọn thư ký kỳ họp là những đại biểu HĐND có kinh nghiệm, kỹ năng, nhanh nhạy, am hiểu pháp luật, có kiến thức tổng hợp. Đặc biệt, cần phát huy các quyền cơ bản, tạo thuận lợi cho đại biểu nghiên cứu, quyết nghị.

>> Bài 1: Bất cập cần tháo gỡ

Xác định đúng thẩm quyền

Thực tiễn cho thấy, việc ban hành nghị quyết sai thẩm quyền chủ yếu xảy ra ở cấp huyện và cấp xã. Theo đó, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm định, Thường trực và các Ban HĐND cần nghiên cứu kỹ quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các bộ luật chuyên ngành trên các lĩnh vực để xác định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của cấp mình trong lĩnh vực ban hành nghị quyết.


Đại biểu HĐND thị xã Hồng Lĩnh biểu quyết thông qua nghị quyết

Theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Ban hành văn bản QPPL, HĐND cấp huyện, cấp xã chỉ ban hành nghị quyết để quyết định biện pháp thực hiện nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh; biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh, phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác, phòng, chống quan liêu, tham nhũng trong phạm vi được phân quyền; biện pháp bảo vệ tài sản của cơ quan, tổ chức, bảo hộ tính mạng, tự do, danh dự, nhân phẩm, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân trên địa bàn. Quyết định biện pháp để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn do cơ quan nhà nước cấp trên phân cấp. HĐND cấp huyện và xã không có thẩm quyền ban hành chính sách, quy định về mức thu phí, lệ phí trên các lĩnh vực.

Lấy ý kiến thực chất

Cần quy định rõ ràng hơn thẩm quyền, trình tự ban hành nghị quyết của HĐND cấp huyện, cấp xã, nhất là thống nhất các hình thức nghị quyết nào của 2 cấp này được ban hành dưới dạng văn bản QPPL, thẩm quyền ban hành nghị quyết trên các lĩnh vực. Để các đơn vị không lúng túng trong việc lựa chọn hình thức, xác định thẩm quyền đến đâu trong việc thực hiện nhiệm vụ “quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương”.

Cần nâng cao chất lượng các khâu trong quy trình xây dựng và ban hành nghị quyết. Đặc biệt, để việc lấy ý kiến đối tượng tác động một cách thực chất, cơ quan chủ trì tham mưu phải có trách nhiệm chính trong việc này. Theo đó, trước khi trình cho Thường trực HĐND và các Ban thẩm tra, cơ quan chủ trì tham mưu cần tổ chức tham vấn, lấy ý kiến trước, đi đến tận đối tượng chịu ảnh hưởng cũng như tham vấn ý kiến chuyên gia trên lĩnh vực ban hành. Sau khi Thường trực HĐND tiếp nhận tờ trình và dự thảo nghị quyết, cần lồng ghép, phối hợp với UBMTTQ để tổ chức TXCT chuyên đề về nội dung nghị quyết để các bậc cử tri tiếp cận, đóng góp ý kiến. Tại hội nghị, ngoài trình bày dự thảo, cần xây dựng phiếu tham vấn ý kiến cử tri để thu thập được nhiều ý kiến đóng góp, để dự thảo sát thực, khả thi cao.

Kế đến là phát huy vai trò của các Ban HĐND trong thẩm tra. Trước hết, Thường trực HĐND cần bám quy định của Luật để phối hợp, yêu cầu UBND và các ngành liên quan cung cấp thông tin, dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án, tờ trình cho các Ban kịp thời theo luật định. Mặt khác, phân công cụ thể các loại văn bản cho các Ban thẩm tra, quá trình thẩm tra thì tham gia cùng để vừa đôn đốc, giám sát. Trưởng ban HĐND cần nêu cao vai trò trách nhiệm, phát huy tối đa hoạt động của từng thành viên, nhất là đối với đại biểu chuyên trách.

Để kết quả thẩm tra được sâu và được được kiểm chứng, ngoài thực hiện quy trình thẩm tra theo luật định, tùy vào nội dung thẩm tra, Ban cần tổ chức khảo sát thực tiễn, tham vấn ý kiến chuyên gia và Nhân dân. Đồng thời, nghiên cứu các quy định liên quan để có chính kiến riêng. Đối với những vấn đề còn băn khoăn, các Ban phải kiên quyết đề nghị không đưa vào chương trình nghị sự và trình HĐND thông qua vào kỳ họp sau, nhằm bảo đảm tính khả thi của nghị quyết.

Chọn thư ký có tâm, có tầm

Thư ký kỳ họp có vai trò rất quan trọng trong việc giúp chủ tọa điều hành và hoàn thiện các dự thảo nghị quyết. Theo đó, một thư ký có tâm, có tầm, ngoài ghi nhanh toàn bộ diễn biến kỳ họp sẽ làm tốt dự tính, dự báo diễn biến; tập hợp, tổng hợp giúp chủ tọa thâu tóm toàn bộ nội dung để điều hành đúng định hướng. Trong đó, song song với ghi chép thì hoàn thiện nghị quyết theo ý kiến thảo luận, chất vấn của đại biểu cùng như tiếp thu, giải trình, trả lời chất vấn của lãnh đạo, ủy viên UBND và các ngành tại kỳ họp. Tổng hợp, gạch rõ cho chủ tọa những vấn đề kỳ họp chưa thống nhất, còn nhiều ý kiến trái chiều để điều hành. Sau đó, biết tiếp thu ý kiến để hoàn chỉnh các dự thảo trước khi bước vào phiên thông qua.

Để làm được điều này, ngoài lựa chọn thư ký là những đại biểu HĐND có kinh nghiệm hoạt động HĐND, có kỹ năng tham mưu, giúp việc, cần chọn người nhanh nhạy, am hiểu pháp luật, có kiến thức tổng hợp. Tốt nhất nên chọn 2 thư ký, một theo dõi diễn biến, người còn lại tập trung tổng hợp, phân tích các ý kiến để hoàn thiện các dự thảo nghị quyết. 2 người có sự thống nhất, phối hợp với nhau trong phục vụ kỳ họp, nhất là phục vụ nhiệm vụ điều hành của chủ tọa.

Phát huy các quyền cơ bản của đại biểu

Để nâng cao hiệu quả các quyết sách của HĐND, vấn đề cốt lõi là nâng cao trình độ và bản lĩnh của đại biểu. Theo đó, đại biểu cần nghiên cứu kỹ tài liệu kỳ họp, xem kỹ báo cáo thẩm tra của các ban HĐND, gắn với ý kiến của cử tri nơi địa bàn bầu ra mình để xây dựng ý kiến thảo luận, chất vấn và kiến nghị. Khi thảo luận vào nội dung nghị quyết, đại biểu đi thẳng vào nội dung, tránh trình bày vòng vo theo dự thảo mà chỉ rõ nội dung nào đồng tình, nội dung nào không và kiến nghị các giải pháp, phương án.

Thực tế, để các đại biểu có chính kiến, có cái nhìn dự tính, dự báo được cũng như am hiểu pháp luật là vấn đề khá khó, vì đại biểu HĐND nặng về cơ cấu. Do đó, cần cơ cấu đại biểu theo hướng giảm cơ quan chấp hành, lựa chọn người có trình độ, năng lực và dám phản biện. Bên cạnh đó, phát huy các quyền cơ bản của đại biểu ngoài quyền chất vấn, đó là quyền kiến nghị, quyền yêu cầu cung cấp thông tin. Thực tiễn cho thấy, việc cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời sẽ tạo thuận lợi cho đại biểu nghiên cứu, quyết nghị.

Lê Hồng Hạnh - Phó Trưởng ban Kinh tế - Xã hội HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh