Bên bếp lửa (Phần 1)<br><i>Truyện ngắn của</i> Tống Ngọc Hân

- Thứ Tư, 07/01/2015, 09:03 - Chia sẻ

>> Bên bếp lửa (Phần cuối)

Chựa ngồi dựa lưng vào cột nhà, quay mặt ra lửa. Lửa có lúc cười ro ro, rào rào. Chựa cả ngày chẳng buồn cất tiếng. Chựa cứ ngồi như thế, thi thoảng lại duỗi chân ra cho khớp gối kêu răng rắc vài tiếng. Cứ độ chục phút lại răng rắc một lần. Ngày ngày trôi đi, chựa chỉ có mỗi việc thò ra thụt vào đôi cẳng chân gầy nhẳng từ hai ống quần rộng bùng nhùng. Chựa nghiện lửa. Nghiện nặng đấy. Chựa ngồi lửa từ mờ sáng đến khuya khoắt. Bất kể đông hè, bếp nhà sàn chẳng khi nào hết lửa. Chựa tốn củi lắm. Củi con củi cháu trên sàn đều đã ngoan ngoãn thành tro hết, chựa vẫn ngồi. Vừa hôm nào khúc gỗ còn dài thườn, chềnh ềnh ngáng hết lối đi thì đêm nay chỉ còn có một đẫn thập thò cửa bếp. Cũng sắp xong tháng giêng rồi. 

 Người Tày vùng này vốn xem cây gỗ khô chắc nhất dài nhất và vừa vặn nhất trong bếp là nơi thần bếp ngự. Cây gỗ có nhiệm vụ giữ lửa cho bếp nhà sàn hết cả tháng giêng. Thần bếp giữ cho hơi ấm nhà sàn đi hết ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, đời này qua đời khác. Chựa là người hay ngồi gần khúc củi có thần bếp. Các dâu thường ý tứ ngồi xa hoặc đi đường vòng, dù vội cũng không dám bước qua khúc củi có thần bếp bao giờ. Thần bếp được trọng vọng mời về ngự ở bếp chính nhà sàn vào chiều ba mươi Tết hằng năm. Trong nhà tôi, người được trọng vọng chỉ sau thần bếp chính là chựa.


Minh họa của Trung Dũng

Chựa là người sinh ra ông nội. Chựa là vị trưởng tộc mẫu mực được con cháu chắt chút chít của cả dòng họ và bà con trong làng ngoài xã kính nể. Hai mươi tuổi, chựa đã lấy tên con làm tên mình, rồi chựa lần lượt dùng đến tên cháu, tên chắt... Đã tròn trăm tuổi, chựa như cái cây đã cạn nhựa, trong khi bản Pung, cái bản mang tên chựa thì ngày càng trẻ ra vì cuộc sống của bà con ngày một khấm khá đủ đầy.

 Bố rất thương chựa, đi thì thôi, về đến nhà là xộc ngay lại chỗ chựa ngồi, cầm bàn tay chựa lên nắn nắn từng khấc xương. Hễ thấy lửa cụt lửa đuối là vội đi lấy củi cho thêm vào. Thế nên mọi quyết định lớn bé trong nhà trong họ, chựa đều bàn bạc và tin tưởng giao phó cho bố. Ngày ba bữa, mẹ bưng cơm cho chựa trên một cái mâm nhỏ bằng gỗ sồi. Những thứ nạc nhất trong con cá là phần chựa. Những thứ ngon nhất trong con gà cũng phần chựa. Nhiều bữa, cả nhà qua quýt rau măng thì chựa cũng vẫn có quả trứng gà rán và một cốc rượu.

 Chựa là người ăn đầu tiên trong nhà. Một mình chựa ngồi một mâm không chung đụng với ai, ngay cạnh chỗ nằm. Chỗ ấy cũng có một bếp lửa. Những lúc chựa ốm yếu, lửa đi theo chựa thôi, chứ sức đâu mà chựa theo được lửa. Trong bản có việc, trong họ có cúng, có giỗ, có đám cưới, đám ma, người lớn trẻ con đi hết thì cũng nhớ đem phần về cho chựa. Có xôi có thịt rồi vẫn phải nổi lửa nấu bát canh nóng cho chựa. Từ lúc lớn dậy, tôi đã thấy thế. Mọi việc cứ trôi đi tuần tự như nước chảy trong máng lần.

Chỗ chựa nằm, thi thoảng mẹ lại lật đệm lên quét dọn, lau chùi sạch sẽ. Người đi xa về thăm, ai có gì biếu chựa, mẹ để lên cái hòm gỗ nhỏ dưới cuối đệm, dành riêng cho chựa. Trên cơ thể chựa, mọi thứ giác quan đều đã rệu rã, nhưng trời vẫn giữ cho chựa hai hàm răng chắc chắn để có thể tiếp nhận hết mọi sự quan tâm của con cháu. Răng khỏe mà bụng dạ lại không khỏe. Chựa ăn vào một lúc là bụng sôi òng ọc phản đối. Thế nhưng con cháu cứ muốn cứ ép chựa ăn. Chựa phải ăn trước mặt, họ mới vui lòng và yên tâm mà về. Mẹ vất vả với cái bụng của chựa lắm. Trời nóng nực, ngày nào mẹ cũng tắm cho chựa một lần. Trời rét, lúc nào thấy chựa ngọ ngoạy trong chiếc áo bông cũ như con sâu tìm cách chui ra khỏi kén thì mẹ tắm cho chựa. Trời nóng hay lạnh thì nước tắm cho chựa cũng phải là nước vỏ cây núc nác pha ấm. Hôm nào đó nắng ráo, đun nước lá thuốc cho cả nhà thì chựa là người được mẹ tắm cho đầu tiên. Rồi mới đến ông bà nội tuổi đã tám mươi, mắt mờ tai nghễnh ngãng. Sau cùng mới là thằng cò hai tuổi, con trai anh Khiêm. 

 Anh Khiêm và chị dâu là người nhà nước. Anh Khiêm là cán bộ văn hóa xã, chị dâu là y sĩ làm ở trạm y tế. Anh chị giống như khách quý trong nhà. Vì anh đã nói từ trước khi lấy vợ rồi. Anh lấy vợ cho anh chứ không lấy cho bố mẹ hay ông bà nội và chựa. Anh chị đi chào về hỏi người già rất ngoan ngoãn lễ phép. Nhưng tôi chưa từng thấy chị dâu bưng cho chựa chậu nước rửa mặt hay lấy cái tăm mời ông bà nội bao giờ. Đừng nói là chị tắm giặt cho chựa hay chăm sóc chựa lúc ốm đau, đái dầm ỉa dây ra khắp chăn khắp đệm. Chị ghê chựa, ghê người già đã đành, chị còn ghê luôn cả cái chổi con dao cái cuốc và cái chuồng lợn. Chị lên rừng sợ vắt, xuống suối sợ đỉa. Thế nên bốn năm làm dâu, chị vẫn là khách quý. Với anh Khiêm, vợ anh cư xử như thế chẳng có gì sai. Chăm sóc người già ư? Mẹ chăm sóc là vì bổn phận của mẹ phải thế. Quét nhà ư? Dưới thành phố, sức lao động của con người đã được giải phóng bằng máy hút bụi hoặc nhiều phương tiện. Lấy củi ư? Bây giờ người ta dùng lửa ga để nấu nướng và sưởi ấm, quạt mát bằng điều hòa. Chăn nuôi lợn ư? Đó là ở những trang trại lớn, nuôi theo dây chuyền công nghiệp. Nấu nướng ư?... Anh Khiêm luôn giải đáp đầy đủ những thắc mắc của người thân về vợ mình. Những lời ấy xa lạ với chựa, với ông bà nội và bố mẹ tôi, những người cả đời sống trong nhà sàn, núp bóng rừng già và uống nước máng lần. Cái tiếng lú vợ của anh bay khắp bản gần bản xa. Người ta bảo, những người trai nào lấy được vợ đẹp quá thì dễ bị cái đẹp làm cho mê lú. 

 Đứa em gái mười bảy tuổi của tôi học theo chị dâu nhanh lắm. Nó không bao giờ ngồi gần chựa nữa dù hồi bé chựa cõng nó suốt. Nó không sờ tay vào cái áo đầy mùi khói của chựa, cũng không nhìn lâu vào đôi mắt mờ đục, đầy dử của chựa. Dạo trước, con mèo già của nhà bỏ vào rừng không về, anh Khiêm bảo con mèo hóa cáo rồi. Nó thắc mắc: “Nếu chựa cứ già thêm nữa thì hóa con gì nhỉ”. Có đêm đi chơi về, thấy chựa ngồi lù khù bên lửa, nó giật mình hét toáng như thể gặp ma. Chị dâu ghê việc gì nó cũng không mó tay vào việc ấy. Đồ ăn thức đựng trong bếp để chỗ nào, còn hay hết nó cũng vờ vịt không biết, hệt như chị dâu. Chị dâu em chồng, ngấm ngầm lấy mắt chia việc. Thế mà bố biết, bố mượn rượu để chửi. “Chúng mày là cái lũ bất hiếu”. Mỗi lần bố chửi, tất cả lặng lẽ chuồn hết. Chỉ có mẹ đại diện cho cái lũ bất hiếu, ngồi nghe. Và để cửa nhà yên ả, tốt nhất là mẹ tự làm lấy hết. Trước, bố vốn có tiếng là người yêu chiều vợ. Nhưng từ khi lên chức bố chồng, bố cay nghiệt với mẹ hẳn, cứ không vừa ý là chửi là đánh. Bố chửi cả cái lũ chúng mày nhưng lại chỉ đánh một mình mẹ. Đánh ác lắm. Ác ở chỗ là bố chỉ đánh mẹ trước đông đủ con cái trong nhà mà không đứa nào bênh được. Không bênh thì bố đánh một. Có người bênh, bố đánh ba.

 Bố là người con trai duy nhất mà ông bà miệt mài đẻ đến lần thứ chín mới được. Từ bé, bố đã được ông bà nội và chựa rất mực chiều chuộng. Chỉ cần bố nặng mày sa mặt một chút là không khí cả nhà căng thẳng, ngột ngạt. Làm vợ một con giời như bố, mẹ phải nhẫn nhịn nhiều lắm. Làm cháu dâu một trưởng tộc đã tê liệt hết mọi cảm giác như chựa, mẹ phải vất vả nhiều lắm để lúc nào chựa cũng chỉnh chu thơm tho trước cháu con họ hàng. Làm con dâu của hai người tuổi đã cao ngất mà không được ở vào thế thượng tôn như ông bà nội, mẹ chưa từng được ngơi nghỉ bao giờ. 

 Cứ mỗi lần bố uống rượu và có biểu hiện chuẩn bị dạy dỗ vợ con là vợ chồng anh Khiêm dắt nhau sang nhà ngoại để tránh mọi thương tổn tinh thần. Nhà vợ anh Khiêm ở bên bản Mười. Cái bản người Tày giàu có và sung túc nhất bên bờ suối Nậm Pung này. Con gái Tày bên Mười giỏi giang, học hành đỗ đạt làm cán bộ rất nhiều. Đã thế, cô nào cũng trắng trẻo xinh đẹp. Anh Khiêm và chị dâu rất đẹp đôi. Thế nên thằng cháu nội của mẹ kháu khỉnh lắm. Cả nhà giục tôi lấy vợ. Đã bao mùa hội cốm qua đi, con gái Tày xinh đẹp, chăm chỉ, giỏi giang vùng này chẳng thiếu, nhưng tôi chưa thật lòng mê tiếng chày của ai. Thấy tôi thần tượng mẹ, anh Khiêm cười bằng cái khịt mũi. Cười đầy ngụ ý. 

Chưa bao giờ mẹ xa nhà quá một ngày một đêm. Trước khi đi đâu, dù chỉ chốc nhát, mẹ đều chuẩn bị sẵn củi lửa để chựa ngồi. Để lửa giữ chân chựa. Chựa ngồi lửa và lấy da thịt làm cữ. Cứ thấy ran rát là chựa biết lửa đã bò ra khỏi bếp, chựa lại lấy tay ẩy lửa vào. Hôm ấy, không biết cái chân của chựa tê tái thế nào mà lại không thấy rát. Thế là lửa cứ âm ỉ đi qua háng chựa, lửa bén cả vào quần và bén sang cái đệm lau. Nóng quá, chựa còn kịp tụt quần ra. Nhưng cái đệm lau cháy lan vào vách nứa, chuẩn bị leo lên mái thì chựa lòa không nhìn thấy. Mọi người đi làm vắng. Mẹ đang xúc cá dưới ao trước cửa nhà thấy khói um vội chạy về. Chuyến thứ nhất mẹ cõng chựa chạy xuống cổng. Chuyến thứ hai mẹ cõng ông nội. Chuyến thứ ba mẹ cõng bà nội. Chuyến thứ tư mẹ mới bế được thằng cháu nội đang thích thú cười khanh khách trong cũi. Còn chút sức lực nào thì mẹ dùng để kêu gào bà con hàng xóm. Rồi cũng tai qua nạn khỏi nhưng vách nhà chỗ chựa nằm và một phần mái bếp bị cháy. May mà tiết đầu xuân, trời còn rí rách mưa. Bố chửi. “Làm gì thì cũng phải để ý đến người già chứ? Hay mày muốn người ta chết hết để mày rảnh tay?” Mẹ tức tưởi khóc và bỏ lên rừng. Ngồi cho muỗi rừng nứa đốt no thì về, chứ mẹ chả dám ăn lá độc mà chết như những người đàn bà khác trong bản. Kể từ hôm ấy, bố không cho nhóm bếp chỗ chựa nằm nữa. Bờ vai gầy guộc của mẹ lại trĩu thêm những chuyến dìu chựa từ chỗ nằm ra gian khách sưởi lửa và từ chỗ sưởi về chỗ nằm, ngày mấy lượt. Cũng kể từ hôm ấy, chựa không nói năng đòi hỏi điều gì. Như thể chựa xấu hổ và cảm thấy có lỗi với con cháu vì cái việc sống dai của mình.

Những hôm mẹ ốm mệt, nằm bệt bạt, bố chỉ ngó qua xem mẹ có ốm thật không. Mẹ ốm vài hôm là trời cho khỏi, bắt khỏi. Sau tiếng gọi “Mẹ Khiêm đâu” là mẹ phải có mặt ngay, không được chậm trễ. Mẹ lại cần mẫn cơm nước, hầu hạ và tiếp sức cho ba ngọn lửa cạn dầu heo bấc trong nhà. Ấy thế mà nhiều lần tôi bắt gặp bố nhìn mẹ như soi xét, đong đo. Có lẽ bố nghi ngờ gần đây mẹ đã nghĩ ra cách gì đó để đối phó với số phận.

 (Số sau đăng hết)