Biến làng quê khó khăn thành nơi đáng sống

- Thứ Sáu, 27/09/2019, 07:59 - Chia sẻ
Gần chục năm qua, diện mạo nông thôn Việt Nam đã lột xác ngoạn mục. Từ chỗ sản xuất lạc hậu, manh mún, tự cung tự cấp, đến nay đã có những cánh đồng mẫu lớn thẳng cánh cò bay; máy móc đang dần thay thế con người trên đồng ruộng; đã hình thành nhiều khu nông nghiệp công nghệ cao, khu chế biến hiện đại… Trong thành quả ấy, luôn hiện hữu dòng đầu tư từ Agribank.

Nông thôn mới… đã mới

8 năm trước, người ta biết đến Quảng Xương - một huyện thuần nông ven biển của tỉnh Thanh Hóa với những con đường đất đá ghồ ghề, những tuyến đường bị ngập úng vào mùa mưa; cuộc sống lam lũ, khó khăn. Nay, chân người đi đến đâu, là có đường rải nhựa, bê tông chạy dài theo tới đó. Nhiều ngôi nhà mới mọc lên san sát; đời sống văn hóa, tinh thần của người dân được nâng cao rõ rệt.

Quan trọng hơn, công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM) cùng với nguồn lực từ Agribank, Ngân hàng Chính sách Xã hội… đã hình thành cho Quảng Xương các vùng lúa năng suất chất lượng cao với diện tích đạt trên 4.500ha/năm; vùng sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap; vùng sản xuất cói; vùng chăn nuôi gia súc tập trung; vùng nuôi thủy sản… Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 3,3 lần so với thời điểm bắt đầu triển khai xây dựng NTM, đạt 40,3 triệu đồng/người/năm vào năm 2018. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 24,8% năm 2010 xuống còn 3,25% năm 2018.

Ngược lên Tây Bắc, đến huyện Phong Thổ, Lai Châu chúng ta cũng sẽ thấy một Ma Ly Pho đổi thay kỳ diệu. Một xã có đường biên giới dài 14km tiếp giáp với thị trấn Kim Hà, huyện Kim Bình, Trung Quốc và 5 dân tộc Dao, Kinh, Thái, Hoa và Khơ Mú cùng sinh sống, nay cũng đã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới; 9/9 bản phủ sóng mạng viễn thông, internet; 100% tuyến kênh mương thủy lợi kiên cố hóa. 100% người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh; 99% người dân được sử dụng điện lưới quốc gia; không còn hộ có nhà tạm, dột nát, 97% số hộ dân có nhà ở đạt chuẩn theo quy định… Đặc biệt, nhờ nguồn vốn vay từ Agribank hay của Ngân hàng Chính sách Xã hội mà từ chỗ thu nhập gần như bằng 0, nay bình quân thu nhập của người dân Ma Ly Pho đã đạt 29 triệu đồng/người/năm. Nhiều mô hình nông nghiệp cho năng suất cao được triển khai và tuyên truyền nhân rộng như mô hình trồng rong riềng của gia đình anh Nguyễn Văn Doan ở bản Pa Nậm Cúm cho thu hoạch trên 200 triệu đồng mỗi năm; mô hình trồng chuối của gia đình chị Tẩn Sa Mẩy ở bản Pa Co.

Có thể nói, bên cạnh các cơ chế, chính sách, của Đảng, Nhà nước, nguồn vốn cho vay của Agribank đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho các địa phương hình thành các vùng chuyên canh sản xuất nông sản hàng hóa như vùng cây ăn quả ở Bắc Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, vùng lúa xuất khẩu ở đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long, vùng cây cao su, cây điều, cây cà phê ở Tây Nguyên; xóa bỏ cơ bản tình trạng du canh, du cư, thay đổi tập quán sản xuất, từng bước chuyển từ nền sản xuất tự cung, tự cấp thành nền sản xuất hàng hóa…


Nông thôn đã có nhiều thay đổi từ chương trình xây dựng nông thôn mới
Ảnh: Thiện Tâm

Linh hoạt trong đầu tư tín dụng

Bắt đầu cho vay tại 11 xã thí điểm xây dựng NTM vào cuối năm 2011, đến ngày 30.9.2015, nguồn vốn của Agribank đã phủ sóng tới hơn 9.001 xã trên cả nước. Tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của phong trào xây dựng NTM, ngày 10.8.2016, Agribank đã ký kết chương trình hợp tác số 07/CTHT-VPĐP-NHNo với Văn phòng Điều phối NTM Trung ương trong xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, Agribank đã ban hành các văn bản chỉ đạo chi nhánh về “Triển khai chương trình hợp tác giữa văn phòng Điều phối NTM Trung ương và Agribank giai đoạn 2016 - 2020”; văn bản về thực hiện thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM giai đoạn II”. Đặc biệt để đáp ứng yêu cầu xây dựng NTM trong tình hình mới, ngày 23.9.2016, Agribank đã ký văn bản thỏa thuận liên ngành với Hội Nông dân Việt Nam và Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về triển khai thực hiện Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Từ thực tiễn đầu tư, phục vụ nông nghiệp, nông thôn, Agribank đã chủ động xây dựng đề án hoặc kiến nghị Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ ban hành, sửa đổi, bổ sung nhiều cơ chế, chính sách tín dụng trong cho vay nông nghiệp, nông thôn như Chỉ thị 202/CT ngày 28.6.1991, Nghị định số 14/CP ngày 2.3.1993, Quyết định số 67/1999/QĐ-TTg về một số chính sách tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn - tiền thân của Nghị định 41/2010/NĐ-CP và Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP hiện nay.

Để thực hiện tốt chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ, mở rộng tín dụng và cung cấp dịch vụ ngân hàng cho các hộ sản xuất, cá nhân ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa nhằm phát triển sản xuất hàng hóa và góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập và đời sống của dân cư, từ cuối năm 2017 và đầu năm 2018, Agribank đã triển khai Đề án Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng tại 68 chi nhánh trên toàn quốc. Phương thức giao dịch bằng ô tô chuyên dùng đã giúp dòng vốn tín dụng nông nghiệp, nông thôn của Agribank vươn tới tận vùng sâu, vùng xa, các địa bàn nông nghiệp, nông thôn của cả nước nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn và sử dụng các dịch vụ ngân hàng của người dân trên cả nước. Nguồn vốn vay này được Agribank tập trung cho các chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất kinh doanh, đổi mới hạ tầng nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân tại địa phương, bám sát 19 tiêu chí của Chương trình xây dựng NTM.

Đức Kiên