Cách tiếp cận hội họa mới

- Thứ Ba, 15/10/2019, 07:57 - Chia sẻ
Thay vì ngắm các tác phẩm nghệ thuật theo cách truyền thống, khách tham quan được “nhúng” mình vào từng tác phẩm nghệ thuật, được trải nghiệm cảm giác như chính mình là nhân vật trong đó. Triển lãm đa phương tiện đầu tiên về tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái tại Việt Nam mở ra cách tiếp cận, cảm nhận mới với các tác phẩm đã quen thuộc.

Triển lãm đa phương tiện “Bùi Xuân Phái với Hà Nội” đang diễn ra tại Bảo tàng Hà Nội. Nhóm nghệ sĩ và kỹ sư thực hiện đã áp dụng công nghệ 3D mapping và các công nghệ trình chiếu đa phương tiện, kết hợp âm thanh, ánh sáng hiện đại, mang đến cho khách tham quan trải nghiệm nghệ thuật theo cách hoàn toàn mới.

Là người đề xuất ý tưởng triển lãm, họa sĩ Phạm Trung Hưng cho biết: “Tôi muốn thay đổi cách tiếp cận với nghệ thuật. Theo truyền thống, ngắm tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái phải vào phòng trưng bày tĩnh lặng, nhìn ngắm tranh từ xa. Tuy nhiên, tôi muốn có một hướng mở hơn, tạo cho mọi người cảm giác mới về tranh Phái, vì cụ có nhiều bức tranh rất nhỏ, có bức chỉ bằng bao diêm. Khi áp dụng công nghệ, những ngôi nhà trên bao diêm có thể phóng to bằng nhà thật mà mọi người vẫn thấy bút pháp của cụ rất tinh tế, tài hoa... Tôi thấy hội họa hiện nay chưa được giới trẻ quan tâm xứng tầm, và lĩnh vực này có nhiều cơ hội ứng dụng công nghệ, như âm nhạc, khi áp dụng kỹ thuật số, “bùng nổ” hơn nhiều”.


Một góc triển lãm Ảnh: Ng. Phương

 Bùi Xuân Phái là một trong những họa sĩ thuộc thế hệ cuối cùng của sinh viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, cùng thời với các danh họa Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên - những tên tuổi ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Ông chuyên về chất liệu sơn dầu, đam mê mảng đề tài phố cổ Hà Nội. Ngay từ lúc sinh thời, sáng tạo của ông đã được quần chúng mến mộ gọi dòng tranh này là Phố Phái. Tranh phố của Bùi Xuân Phái vừa cổ kính lại rất hiện thực, thể hiện rõ hồn cốt phố cổ Hà Nội thập niên 1950, 1960, 1970...

Ấp ủ ý tưởng này từ lâu nhưng chưa có điều kiện thực hiện, tình cờ, họa sĩ Phạm Trung Hưng và các nghệ sĩ trao đổi về mỹ thuật Đông Dương và triển lãm nghệ thuật thời kỳ này tại Bảo tàng Hà Nội, anh đề xuất làm cái gì đó khác lạ. Vậy là triển lãm ra đời sau 2 tháng thực hiện. “Lối vào triển lãm, tôi cố tình thu hẹp thành những con ngõ nhỏ, thậm chí có ngõ tối như trong phố cổ. Tới gian chính trưng bày thì mở rộng ra, dùng toàn bộ là công nghệ 3D mapping, không gian ảo, mọi người có cảm giác như được hòa vào tác phẩm. Khách tham quan cũng sẽ được xem một số tác phẩm, bút tích thật của họa sĩ Bùi Xuân Phái trước khi bước ra khỏi không gian triển lãm... Thời gian rất gấp, nhóm không thể hiện được hết những gì mình mong muốn, ví như làm các mảng lô xô, gần với phố Hà Nội hơn” - họa sĩ Nguyễn Trung Hưng chia sẻ.

Gần 200 bức tranh của cố họa sĩ Bùi Xuân Phái đã được số hóa và trình chiếu nhờ công nghệ 3D mapping, tập trung vào 3 mảng tranh là: Tranh phố Hà Nội, vẽ chèo, ký họa gia đình và bạn bè. Toàn bộ tác phẩm từ nguồn tư liệu của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, hoặc nhà sưu tập, gia đình, bạn bè đương thời của họa sĩ cung cấp.

Tham gia thực hiện triển lãm, kỹ sư Lê Huy Thanh Hoàng cho biết, triển lãm chủ yếu hướng đến lớp trẻ, những người có xu hướng tiếp cận nghệ thuật theo hướng trẻ trung, năng động, mới mẻ. Nhóm quyết định sử dụng công nghệ, tạo nét đột phá, cảm nhận ban đầu tốt hơn, dễ gần hơn cho người trải nghiệm. Các hình ảnh tại triển lãm được trình chiếu bởi hàng chục máy chiếu laser mới nhất, đem đến hình ảnh với độ sáng cao, ổn định. Công nghệ “projection mapping” giúp chiếu lên các bề mặt phức tạp với các góc chiếu khác nhau, đồng thời kết nối các máy chiếu để tạo ra một chuẩn hình ảnh đồng nhất xuyên suốt không gian triển lãm...

Đặc biệt, triển lãm còn dành không gian trải nghiệm, ứng dụng công nghệ “AI deep learning” trong nhận diện hình ảnh, giúp khách tham quan được tương tác với các tác phẩm. Hình ảnh của mỗi khách tham quan sẽ được công nghệ “AI deep learning” học theo nét vẽ và phong cách tranh của họa sĩ, tạo ra các hình ảnh phái sinh theo đường nét và phong cách đó...

Tuy nhiên, kỹ sư Lê Huy Thanh Hoàng khẳng định: “Công nghệ dù có tốt, có mới, vẫn được sử dụng hợp lý để giữ được vẻ đẹp vốn có của tác phẩm; mục đích cuối cùng là thu hút đông đảo khán giả, thúc đẩy cảm xúc, và hy vọng từ cảm xúc đó, người xem sẽ có đam mê tìm hiểu sâu hơn về tranh và cuộc đời họa sĩ”.

Còn theo Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Tiến Đà: “Có thể thấy, hồn cốt phố Hà Nội được ông (Bùi Xuân Phái) để lại trong những bức tranh. Chúng ta có trách nhiệm bảo tồn nó, một phần bằng các triển lãm, để nhắc nhớ rằng ta đang sống trong một thành phố đẹp, một thành phố mà các thế hệ cha ông đã xây đắp nên. Thông qua triển lãm, Ban tổ chức mong muốn lan tỏa niềm đam mê hội họa và thưởng thức nghệ thuật trong giới trẻ”.

Ngọc Phương