TRƯỞNG BAN DÂN NGUYỆN NGUYỄN THANH HẢI

Cái được lớn nhất là sự hài lòng của cử tri!

- Thứ Năm, 15/02/2018, 15:01 - Chia sẻ
(ĐBND Xuân Mậu Tuất) - Năm qua, công tác dân nguyện của Quốc hội đã có nhiều cải tiến, đổi mới, đạt nhiều kết quả tích cực, toàn diện. Và cái được lớn nhất, như nhận định của Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện NGUYỄN THANH HẢI là thông qua công tác này, cử tri cảm nhận rõ nét hơn sự kết nối với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, và những kiến nghị của họ đều được quan tâm, giải quyết. Nếu kiến nghị nào chưa được giải quyết ngay cũng có thời hạn, lộ trình và biện pháp cụ thể.


Ảnh: Quang Khánh

Quốc hội quyết liệt - người dân hưởng lợi

- Năm qua, công tác dân nguyện của Quốc hội có nhiều đổi mới, được cử tri và nhân dân hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ. Nếu chọn một điểm nhấn nổi bật cho công tác này, thì đó là nội dung nào, thưa bà?

- Cùng với sự đổi mới chung của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều hoạt động trong công tác dân nguyện năm qua cũng có những nét mới rất đáng ghi nhận.

Trước hết, công tác tập hợp kiến nghị cử tri qua tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp đã được triển khai một cách chuyên nghiệp, khoa học, công khai và kịp thời hơn, tất cả các kiến nghị của cử tri và các văn bản trả lời cử tri của các bộ, ngành đều được đăng tải đầy đủ, công khai trên Cổng thông tin điện tử của Quốc hội. Qua đó, người dân, các cơ quan báo chí có thể khai thác, đánh giá trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc giải quyết các kiến nghị, phản ánh của cử tri.

Đặc biệt việc chuyển các kiến nghị được tổng hợp qua các đợt tiếp xúc cử tri sau kỳ họp tới các bộ, ngành để kịp thời xem xét, giải quyết và báo cáo kết quả giải quyết ngay tại kỳ họp kế tiếp là một điểm mới của công tác dân nguyện thời gian qua. Tuy nhiên, để thực hiện được việc này, các Đoàn ĐBQH và Ban Dân nguyện đã phải rất nỗ lực, vì trong khoảng thời gian rất ngắn, chỉ một vài ngày, phải nghiên cứu, phân loại hàng nghìn kiến nghị để kịp thời chuyển tới cơ quan giải quyết (bảo đảm đủ 60 ngày cho các cơ quan này xử lý). Chính nhờ sự đổi mới này mà nhiều vấn đề mang tính thời sự như bán hàng đa cấp, khai thác cát trái phép, tuyển sinh của khối trường sư phạm, rớt giá của thịt heo, dưa hấu, quản lý phân bón… mà cử tri phản ánh đã được các cơ quan xem xét, trả lời và kịp thời có biện pháp khắc phục. Trước đây các kiến nghị tổng hợp qua tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thường được để lại đến kỳ họp sau mới chuyển tới các cơ quan giải quyết nên cử tri thường phải chờ đợi thêm 6 tháng.

Thứ hai, công tác theo dõi, đôn đốc việc giải quyết các kiến nghị cũng rất sát sao, do đó liên tục từ đầu nhiệm kỳ Khóa XIV đến nay, 100% các kiến nghị của cử tri được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết trả lời đúng thời gian quy định. Chất lượng giải quyết các kiến nghị cũng được nâng lên rõ rệt. Những kiến nghị của cử tri chưa thể giải quyết được ngay cũng được các bộ, ngành phân tích rõ về thời hạn, lộ trình giải quyết để cử tri yên tâm. Đây là điểm rất mới, lần đầu được các bộ, ngành thực hiện.

Thứ ba, công tác giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân cũng có rất nhiều đổi mới. Ngoài việc giám sát chung tình hình giải quyết khiếu nại tố cáo tại các địa phương, thực hiện nhiệm vụ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao, Ban Dân nguyện còn tích cực phối hợp với Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn ĐBQH các tỉnh nghiên cứu, trao đổi, phân tích, rà soát được nhiều vụ việc cụ thể (165 vụ việc) có tính chất phức tạp kéo dài, qua giám sát trực tiếp đã có kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết được 57 vụ việc, số vụ việc sau kiến nghị được các cơ quan đồng tình nhất trí sẽ xem xét lại để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân có tỷ lệ cao (43 vụ việc tương đương 75,43%). Có thể nói đây là sự nỗ lực, cố gắng của Ban trong công tác chọn lọc, phân tích nghiên cứu nội dung hồ sơ của các vụ việc phức tạp, kéo dài.

Thứ tư, công tác phối hợp giữa Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các bộ, ngành, các cơ quan chức năng trong công tác dân nguyện ngày càng chặt chẽ, thường xuyên và hiệu quả. Công tác phối hợp với các bộ, ngành trong việc rà soát việc giải quyết các kiến nghị của cử tri còn tồn đọng cũng được hết sức quan tâm. Do vậy, số lượng kiến nghị cử tri được giải quyết dứt điểm tăng mạnh. Năm 2017 giải quyết dứt điểm 834 kiến nghị, gấp 3,3 lần so với năm 2016 chỉ là 249 kiến nghị...

- Qua những cải tiến, đổi mới như vậy, thì cái được lớn nhất ở đây là gì, thưa bà?

- Theo tôi, đó là người dân cảm nhận rõ hơn sự kết nối với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và những ý kiến, kiến nghị của họ đều đã được quan tâm, giải quyết một cách khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm.

Bên cạnh đó, kết quả giám sát được thể hiện bằng Báo cáo giám sát trình bày trước Quốc hội, có thể nhận thấy rằng nội dung của Báo cáo đã phần nào khắc phục được hiện tượng nể nang, né tránh, kiến nghị chung chung. Thay vào đó, Báo cáo đã khá thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, sai sót cũng như chất lượng của việc trả lời cử tri đối với từng bộ, ngành cụ thể. Trong đó, nêu đích danh kiến nghị của cử tri tỉnh nào đã được bộ, ngành nào giải quyết, bộ, ngành nào chưa, cũng như chất lượng giải quyết ra sao. Cách thức này được các ĐBQH và dư luận cử tri đồng tình ủng hộ. Đặc biệt, các bộ, ngành cũng ngày càng quan tâm và nỗ lực nhiều hơn hơn trong việc giải quyết dứt điểm các kiến nghị đáp ứng mong đợi của cử tri.


Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày báo cáo của Đoàn giám sát trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Ảnh: Quang Khánh

Trả lời phải có thời hạn, lộ trình giải quyết rõ ràng

- Như bà chia sẻ, Báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri trình bày trước Quốc hội đã khắc phục được hiện tượng nể nang, né tránh, kiến nghị chung chung. Đây cần được đánh giá là bước chuyển lớn, bởi tâm lý thông thường là khen thì vui, nhưng chê thì… Trong quá trình giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuẩn bị báo cáo này, Ban Dân nguyện có gặp áp lực gì không, thưa bà?

- Thẳng thắn thì mới đầu cũng có Bộ trưởng, trưởng ngành bày tỏ sự không hài lòng. Nhưng với cách làm công khai, minh bạch, ai làm tốt chúng tôi tổng hợp lại và báo cáo để Ủy ban Thường vụ Quốc hội kịp thời biểu dương, khen ngợi; ai còn bất cập, chưa sâu sát, quyết liệt, chúng tôi cũng báo cáo để Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhắc nhở. Cho nên, càng về sau này, hầu hết các Bộ trưởng, trưởng ngành đều rất tích cực trực tiếp chỉ đạo việc trả lời, giải quyết kiến nghị của cử tri, những trường hợp “trả lời cho xong nhiệm vụ” đã giảm thiểu rất nhiều. Nhìn chung, các Bộ trưởng, trưởng ngành hết sức nỗ lực và thực sự coi trọng dân, để có được những kết quả rất đáng khích lệ như vậy.

Đương nhiên, về phía cơ quan giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, ngoài việc công khai, không né tránh, không ngại va chạm, chúng tôi cũng phải có sự chia sẻ, đồng cảm, phối hợp tích cực với các bộ, ngành, cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Thực tế cho thấy, nếu cứ chăm chăm săm soi, bắt lỗi nhau sẽ không mang lại kết quả như mong muốn được. Có thể nhiều trường hợp gửi văn bản trả lời cho cử tri, nhưng do chưa đến nơi, hoặc do Thủ trưởng đi công tác chưa ký được, thì cũng phải có sự thông cảm lẫn nhau.

- Cũng trong năm qua, đối với những việc chưa giải quyết được ngay mặc dù cơ quan chức năng đã tích cực nghiên cứu, Ban Dân nguyện đã kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu các bộ, ngành công bố thời hạn, lộ trình và biện pháp giải quyết. Bà có thể chia sẻ đôi điều về nét mới này?

- Thực ra, đây là điều đã được quy định rất rõ tại Điều 36 Nghị quyết liên tịch số 525 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt nam (năm 2013) về trả lời kiến nghị cử tri. Theo đó, Nghị quyết yêu cầu, khi trả lời kiến nghị cử tri nếu chưa giải quyết được ngay thì phải nghiên cứu, phân tích và trả lời rõ thời hạn, lộ trình, biện pháp giải quyết. Và chỉ những câu trả lời có lộ trình giải quyết cụ thể như vậy mới được coi là “đã trả lời”. Cho nên, đã giảm thiểu rất nhiều những trả lời chung chung theo kiểu, “chúng tôi đã nghiên cứu và sẽ giải quyết trong thời gian tới”, nhưng “thời gian tới” là thời gian nào thì… chưa rõ.

Với thay đổi tưởng chừng nhỏ như vậy, nhưng thực tế các bộ, ngành phải rất quyết liệt, đầu tư thời gian, công sức nghiên cứu vấn đề, tìm ra lộ trình giải quyết để trả lời cho cử tri. Kết quả, như chúng tôi nắm được, cử tri đều rất yên lòng và cho biết họ sẽ không tiếp tục kiến nghị nữa vì đã được biết rõ về thời hạn sẽ được giải quyết.

Một điểm đáng ghi nhận nữa, đó là mặc dù quy định pháp luật không yêu cầu các Bộ trưởng, trưởng ngành phải ký văn bản trả lời cử tri, nhưng thực tế năm vừa qua cho thấy có 21/22 Bộ trưởng, trưởng ngành trực tiếp ký văn bản trả lời gửi tới cử tri (chỉ có một Bộ trưởng do đi công tác nên không ký được). Khi cử tri nhận được văn bản trả lời có chữ ký, đóng dấu của Bộ trưởng, họ rất phấn khởi và bày tỏ sự tin tưởng, vì thấy rằng kiến nghị của họ đã thực sự được quan tâm, nghiên cứu, tính toán, giải quyết. Và chỉ một thay đổi nhỏ như vậy thôi để thấy rằng, chất lượng trả lời kiến nghị của cử tri đã có thay đổi rõ rệt.

- Kết quả đạt được trong công tác dân nguyện là rõ nét, nhưng thực tế cho thấy, nếu so với mong muốn và yêu cầu của cử tri, thì cũng còn khá nhiều việc phải làm. Như bà đã từng chia sẻ, điều trăn trở nhất là vẫn còn những kiến nghị chưa được xử lý dứt điểm… và đây là “món nợ” với người dân?

- Điều trăn trở nhất với chúng tôi là vấn đề hậu giám sát, hậu kiến nghị. Trong năm qua, Ban Dân nguyện tiếp nhận, nghiên cứu, xử lý hơn 13 nghìn đơn thư khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân, tăng gần 70% so với năm trước. Hay qua giám sát tại 10 địa phương, đã rà soát 165 vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết đối với 57 vụ việc cụ thể. Trong đó, có 14/57 vụ việc Đoàn giám sát nhất trí về kết quả giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương, chiếm gần 25%; 43/57 vụ việc, chiếm hơn 75%, địa phương nhất trí sẽ rà soát, kiểm tra, xem xét lại việc giải quyết và báo cáo kết quả với Ủy ban Thường vụ Quốc hội (trước quý II.2018) để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.  Nhưng điều khiến tôi băn khoăn là trong trường hợp các địa phương, cơ quan có thẩm quyền giải quyết không thực hiện thì cơ chế nào để xử lý (?). Rất khó. Hiện nay chúng ta chưa có chế tài cụ thể. Việc xử lý trách nhiệm những cơ quan, đơn vị, cá nhân không thực hiện còn chưa rõ ràng.

Điều trăn trở nữa, đó là theo quy định của pháp luật, thì Quốc hội, các cơ quan của của Quốc hội, các ĐBQH có quyền hạn, nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc và giám sát việc giải quyết, nhưng quy trình theo dõi, đôn đốc, giám sát cụ thể như thế nào, trình tự ra sao thì… chưa rõ ràng, cụ thể.

Trong thời gian tới, chúng tôi đang nghiên cứu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng kết các nghị quyết về giải quyết kiến nghị cử tri, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, trên cơ sở đó sẽ tìm ra được những vấn đề vướng mắc, đề xuất sửa đổi để chúng ta có được hành lang pháp lý ngày càng chặt chẽ, rõ ràng và minh bạch hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các ĐBQH trong công tác dân nguyện thực hiện trách nhiệm với cử tri. Cho nên, mặc dù “món nợ” với người dân đã vơi đi ít nhiều, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm, nhiều trăn trở phải giải quyết tiếp.

Vừa qua, công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong việc phân loại và xử lý đơn, thư cũng như tổng hợp, tập hợp kiến nghị của cử tri và quản lý các văn bản trả lời cử tri của các bộ, ngành đã được quan tâm đặc biệt, đạt được nhiều kết quả nổi trội. Với sự hỗ trợ của Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), sự phối hợp chặt chẽ với VPQH, đến nay phần mềm xử lý đơn thư và kiến nghị cử tri đã cơ bản được hoàn thành và dự kiến sẽ đưa vào hoạt động chính thức trong quý I.2018. Mong rằng, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác dân nguyện sẽ được Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan có liên quan ủng hộ, sử dụng. Nếu phần mềm quản lý kiến nghị cử tri và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân dùng chung này được áp dụng rộng rãi và đồng bộ, tin rằng công tác dân nguyện sẽ đỡ việc hơn rất nhiều.

Xin cảm ơn sự chia sẻ của Bà!

Vũ Quang thực hiện