Tín dụng cho công trình nước sạch nông thôn

Cần tăng mức vay và mở rộng đối tượng

- Thứ Năm, 27/08/2020, 05:23 - Chia sẻ
Mức vay tối đa 10 triệu đồng/công trình; đối tượng vay chỉ bao gồm hộ gia đình định cư hợp pháp tại địa phương… đã không còn phù hợp với điều kiện sinh hoạt và mức chi phí xây dựng hiện tại. Thực tiễn này đòi hỏi Chính phủ cần xem xét, điều chỉnh Quyết định số 62/2004/QĐ-TTg ngày 16.4.2004 về tín dụng thực hiện Chiến lược Quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cũng như đáp ứng yêu cầu chính đáng của người dân…

Bảo đảm sức khỏe, đời sống hàng triệu hộ dân

Kể từ năm 2006, khi Chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS-VSMTNT) được triển khai đại trà trên phạm vi cả nước, đến nay, đã có hàng triệu hộ dân vùng nông thôn, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo, hộ cận nghèo được sử dụng nước sạch; sức khỏe người dân được nâng lên rõ rệt. Từ Tây Bắc, Tây Nguyên đến Tây Nam Bộ, đâu đâu cũng thấy sự lan tỏa của Chương trình và sự đón đợi nồng nhiệt của người dân.

Nhờ nguồn vốn vay Chương trình NS-VSMTNT, người dân vùng bị xâm nhập mặn ở Bến Tre được sử dụng nước sạch.
Ảnh: Đức Kiên

Đến 30.6.2020, tổng doanh số cho vay chương trình NS-VSMTNT đạt gần 78.000 tỷ đồng với hơn 7,5 triệu lượt hộ gia đình được vay vốn. Nguồn vốn đã hỗ trợ người dân xây dựng được 13.571.000 công trình nước sạch; 6.657.000 công trình vệ sinh (nhà tiêu tự hoại, bể xử lý chất thải và cung cấp khí đốt biogas…). Góp phần nâng tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch từ 62% (năm 2004) lên 88,5% (năm 2019); sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh từ 50% (năm 2004) lên 75% (năm 2019).

Nhiều năm trước, rất nhiều hộ dân ở Cần Thơ như hộ anh Lê Văn Tài, anh Phạm Quốc Toàn, ngụ ấp Thới Thuận, xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai và nhất là các hộ dân đang sống ở vùng xâm nhập mặn… phải sử dụng nước sông lắng phèn để sinh hoạt, ăn uống rất mất vệ sinh. Thế nhưng, kể từ khi có Chương trình cho vay NS-VSMTNT, gia đình những người dân này không còn mắc các bệnh về đường ruột, bệnh về mắt… chất lượng sống được bảo đảm và nâng lên rõ rệt; chi phí khám chữa bệnh giảm hẳn.

Theo Giám đốc Chi nhánh NHCSXH Cần Thơ Huỳnh Văn Thuận, 15 năm qua, Chi nhánh đã giải ngân cho 86.230 hộ vay, với số tiền gần 877,5 tỷ đồng. Qua đó, giúp người dân xây dựng 77.607 công trình nước sạch, 94.853 công trình vệ sinh. Đây không chỉ là một cuộc đại cách mạng trong việc thay đổi thói quen dùng nước sông, lạch mà còn hình thành nếp sống văn minh, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân vùng nông thôn, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tại Hưng Yên, Giám đốc NHCSXH tỉnh Nguyễn Thị Xuân cho hay, ngay khi tiếp nhận nguồn vốn, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kịp thời tham mưu Trưởng ban Đại diện HĐQT Chi nhánh NHCSXH tỉnh phân bổ vốn đến các huyện, thị xã và thành phố để cho vay. Sau 15 năm triển khai thực hiện, doanh số cho vay đạt 1.803 tỷ đồng với gần 183 nghìn lượt hộ được vay vốn, bình quân 9,87 triệu đồng/hộ; doanh số thu nợ đạt 1.019 tỷ đồng. Hiện, dư nợ của chương trình còn 798 tỷ đồng với 57,5 nghìn hộ. Trong đó nợ quá hạn là 153 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,02%/dư nợ. Từ nguồn vốn vay Chương trình tín dụng NS-VSMTNT, đã có 357,6 nghìn công trình NS-VSMTNT (trong đó, 178,6 nghìn công trình nước sạch và 179 nghìn công trình vệ sinh) được xây dựng mới và sửa chữa, góp phần nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch lên 96,5% và hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh lên 75,38%.

Ngoài ra, Chương trình cho vay NS-VSMTNT còn góp phần thực hiện tiêu chí số 17.1 về tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch; tiêu chí số 17.6 về tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và bảo đảm 3 sạch; tiêu chí số 17.7 về tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại bảo đảm vệ sinh môi trường trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới.

Bất cập từ thực tế

Kể từ khi Quyết định số 62/2004/QĐ-TTg ra đời, mức vốn cho vay đối với mỗi loại công trình được quy định là 4 triệu đồng/hộ. Sau 2 lần điều chỉnh, đến nay, mức cho vay được nâng lên 10 triệu đồng/hộ. Như vậy, nếu một hộ gia đình làm mới hoặc sửa chữa cả 2 công trình NS-VSMT sẽ được vay tối đa 20 triệu đồng.

Tuy nhiên, mức vay hiện nay (10 triệu đồng/công trình) không còn phù hợp, do giá cả nguyên vật liệu, nhân công ngày càng cao, không đáp ứng những chi phí cần thiết để hộ dân xây dựng công trình bảo đảm chất lượng. Đặc biệt, ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, giao thông không thuận lợi, địa hình chia cắt thì người dân phải bỏ ra một khoản chi phí gấp đôi hoặc hơn thế, mới có thể xây dựng được một công trình NS-VSMTNT.

Đặc biệt, quy định nguồn vốn chỉ được cho vay đối với các hộ ở vùng nông thôn nên nhiều hộ ở phường hay kể cả thị trấn thuộc huyện cũng không được tiếp cận nguồn vốn này; trong khi ranh giới giữa nghèo và không nghèo cách nhau chẳng tày gang.

Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Hồng Châu, TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên Đàm Thị Thu Thủy cho biết, trong Hội Phụ nữ do chị phụ trách có khá nhiều hộ chưa được dùng NS-VSMTNT. Nguyên nhân có nhiều nhưng chủ yếu vẫn là do điều kiện kinh tế khó khăn nên các hộ dân này đành chấp nhận sử dụng nước và nhà vệ sinh không bảo đảm. “Đặc biệt, do là công dân của phường ven đô nên những trường hợp này không thuộc đối tượng của chương trình cho vay NS-VSMTNT - đây là điều thiệt thòi cho họ” - chị Thủy nhấn mạnh.

Chị Đàm Thị Thu Thủy cũng chia sẻ thêm, hiện nay tất cả các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn đều được tiếp cận với các chương trình tín dụng ưu đãi từ NHCSXH. Hội Phụ nữ do chị quản lý hiện có 670 hội viên, đang còn dư nợ gần 6 tỷ đồng. Các hội viên sử dụng vốn vay đúng mục đích và hiệu quả nguồn vốn vay; đặc biệt, Hội chưa bao giờ có nợ quá hạn. Song, hơn 10 năm làm cánh tay nối dài của NHCSXH, điều chị Thủy trăn trở lại nằm ở chỗ các đối tượng có hoàn cảnh rất khó khăn nhưng không phải là hộ nghèo. Bởi xét theo Bộ tiêu chí quốc gia, hộ gia đình có xe máy, có tivi… thì không được công nhận là hộ nghèo. “Trong khi, giá trị của những món đồ đó, cộng lại chưa nổi 5 triệu đồng và quan trọng, họ được người thân cho, tặng” - chị Thủy nói.

Những bất cập trong triển khai chương trình NS-VSMTNT ở Hồng Châu cũng là tồn tại của nhiều địa phương khác trên cả nước. Thiết nghĩ, những mong mỏi chính đáng về việc cần thiết phải nâng mức cho vay, mở rộng đối tượng vay từ người dân và những người làm tín dụng chính sách sẽ sớm được Chính phủ xem xét và sửa đổi bổ sung.

Bình Nhi