Nhịp cầu

Cấp bách bảo vệ môi trường

- Thứ Ba, 19/05/2020, 14:23 - Chia sẻ
Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn hiện có 43 mỏ đá được cấp phép hoạt động; 2 cơ sở luyện kim đang hoạt động là: Công ty CP Kim loại màu Bắc Bộ tại xã Bình Trung (huyện Cao Lộc), Công ty TNHH Công nghệ luyện kim Vicmet tại xã Hồ Sơn (huyện Hữu Lũng) và nhiều cơ sở chăn nuôi quy mô nhỏ. Quá trình hoạt động, các cơ sở sản xuất đã có những tác động khá lớn đến môi trường và cảnh quan khu vực, gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống người dân xung quanh.

Theo phản ánh của cử tri, tình trạng ô nhiễm môi trường từ các mỏ đá chủ yếu do hoạt động nổ mìn gây ra. Mặc dù các cơ sở đã chấp hành tốt việc lập hồ sơ môi trường theo quy định nhưng các biện pháp bảo vệ môi trường lại chưa được thực hiện thường xuyên nên chất lượng môi trường không khí xung quanh đã có dấu hiệu vượt tiêu chuẩn cho phép. Ngoài ra, việc lập báo cáo đối với nhiều dự án không bảo đảm chất lượng, thậm chí có doanh nghiệp chưa thực hiện theo đúng nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Trước kiến nghị của cử tri về các giải pháp cụ thể, hiệu quả cải thiện tình trạng này trong thời gian tới, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường (TN - MT) cho biết: Từ năm 2017 đến nay, Sở đã thanh tra, kiểm tra, giám sát 44 đơn vị sản xuất, khai thác vật liệu xây dựng thông thường, các doanh nghiệp luyện kim, các cơ sở chăn nuôi và một số cơ sở có khả năng gây ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Qua kiểm tra, đã phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 9 đơn vị với tổng số tiền là 474.000.000 đồng; đồng thời, thu hồi giấy phép và yêu cầu di chuyển một nhà máy ra khỏi khu dân cư như Nhà máy Chế biến da Nguyên Hồng (xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng). Sở cũng kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực môi trường 3/2 cơ sở luyện kim với tổng số tiền xử phạt là 135.000.000 đồng và yêu cầu các cơ sở khắc phục các tồn tại, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Với các cơ sở chăn nuôi, đã đôn đốc Phòng TN - MT các huyện, thành phố chủ động tăng cường kiểm tra, giám sát, tham mưu cho UBND các huyện, thành phố xử lý các hành vi vi phạm theo thẩm quyền…

Theo Giám đốc Sở TN - MT Bùi Văn Côi, thời gian tới, Sở sẽ tăng cường năng lực quản lý môi trường các cấp, nhất là tập trung vào cấp huyện, xã; đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra, giám sát trong hoạt động khai thác khoáng sản, các cơ sở luyện kim, chăn nuôi. Bên cạnh đó, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; tuyên truyền, vận động người dân tham gia tích cực trong việc phát hiện, tố cáo các hành vi vi phạm. “Sở sẽ đề xuất với UBND tỉnh thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản đối với các cơ sở chưa chấp hành tốt các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác; khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới thay thế các công nghệ dây chuyền cũ để giảm thiểu gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, tổ chức độc lập quan trắc để đối chiếu các chỉ số quan trắc của doanh nghiệp làm căn cứ xử lý nếu có doanh nghiệp vi phạm”, Giám đốc Sở TN - MT khẳng định.

Quá trình hoạt động sản xuất, các doanh nghiệp đã có những đóng góp không nhỏ về mặt kinh tế, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lạo động. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp chỉ chú trọng vào lợi ích kinh tế mà chưa thực sự quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường nên đã gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người dân. Vì vậy, việc phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường là nhiệm vụ cấp bách mà các cấp chính quyền, các cơ quan hữu quan của tỉnh Lạng Sơn cần phối hợp chặt chẽ, đưa ra giải pháp hữu hiệu để sớm trả lại môi trường sống trong lành cho người dân.

Trần Tâm