Cấp bách rà soát, gia hạn các gói hỗ trợ

- Thứ Sáu, 14/08/2020, 05:29 - Chia sẻ
Các gói hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong dịch bệnh được ban hành sớm nhưng việc triển khai rất chậm. Trong bối cảnh dịch bệnh tái bùng phát có tính chất nghiêm trọng hơn, các chuyên gia đề xuất Chính phủ rà soát, gia hạn các gói hỗ trợ hiện hành, đồng thời nghiên cứu thêm một số gói hỗ trợ mới.

Ban hành sớm, triển khai chậm

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, 6 tháng đầu năm nay cả nước có hơn 29 nghìn doanh nghiệp tạm thời đóng cửa, ngừng kinh doanh, tăng 38,2% so với cùng kỳ. Chưa kịp vực dậy họ lại phải đối diện với đợt dịch thứ 2, vì vậy càng thêm khó khăn. Trong bối cảnh này, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) TS. Cấn Văn Lực cho rằng, cần cấp bách rà soát các gói hỗ trợ, mở rộng và căn chỉnh cho phù hợp hơn.

Nguồn: ITN

Theo TS. Cấn Văn Lực, các gói hỗ trợ được ban hành rất sớm, nhưng triển khai rất chậm. Cụ thể, Chỉ thị 11/CT-TTg của Thủ tướng về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 được ban hành đầu tháng 3, nhưng việc triển khai gặp nhiều vướng mắc. Ví dụ, gói hỗ trợ an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng, đến nay các địa phương mới phê duyệt danh sách khoảng 16 triệu người thuộc các nhóm thụ hưởng, với kinh phí hỗ trợ khoảng 20 nghìn tỷ đồng, vẫn còn hơn 40 nghìn tỷ đồng chưa giải ngân. Gói 16 nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp vay không lãi suất để trả lương cho người lao động đến nay mới giải ngân được khoảng 50 tỷ đồng do tiêu chí đưa ra rất bất cập.

Tương tự, gói tài khóa về giãn, hoãn thuế với dự kiến lên tới 180 nghìn tỷ đồng, nhưng đến nay ngành thuế mới nhận được 150 nghìn đơn xin giãn thuế và tiền thuê đất, chiếm 22% tổng số đối tượng được gia hạn thuế, với tổng số tiền khoảng 43 nghìn tỷ đồng. Doanh nghiệp không mặn mà với gói hỗ trợ này một phần vì họ không có lãi để nộp thuế, hơn nữa họ ngại thủ tục lằng nhằng.

Cũng theo ông Lực, với gói tiền tệ và tín dụng, Thông tư 01/2020/TT về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do Covid-19 của Ngân hàng Nhà nước có nhiều đột phá. Tuy nhiên, thời hạn cho giãn, hoãn nợ trước đây dự kiến là 3 tháng sau khi Chính phủ công bố hết dịch, nhưng trước tình hình dịch bệnh đợt 2 bùng phát có vẻ còn mạnh hơn đợt đầu thì không biết bao giờ hết dịch.

Nguồn: ITN

Tập trung hỗ trợ ngành, doanh nghiệp có sức lan tỏa

Trước tình hình dịch bệnh phức tạp hiện nay, các chuyên gia cho rằng, gói miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước cần được gia hạn ít nhất là tới hết năm nay, sau đó tùy tình hình sẽ cân nhắc tiếp. Gói hỗ trợ tài khóa cần phải thúc đẩy nhanh hơn và gia hạn tương tự.

Tuy nhiên, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Cạnh tranh lo ngại, một số gói hỗ trợ nếu muốn vượt quá 5 tháng hoặc muốn đưa ra một gói kích thích mới đều phải xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội, như vậy sẽ mất nhiều thời gian và không kịp ứng cứu các doanh nghiệp. Trong bối cảnh “chống dịch như chống giặc”, ông cho rằng Quốc hội có thể xem xét trao quyền cho Chính phủ tự quyết đối với một số vấn đề cấp bách.

Ngoài ra, việc tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ để họ có tiền vượt qua thời điểm khó khăn là rất quan trọng. Hiện nay, ngân hàng vẫn đưa ra các tiêu chí rất khắt khe khiến doanh nghiệp khó đáp ứng được. “Chúng ta không hạ chuẩn nhưng cần phải linh hoạt hóa các điều kiện”, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh. Thêm vào đó, phải tăng hiệu quả hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. "Chúng ta đang có 28 quỹ ở 28 địa phương nhưng hoạt động rất èo uột. Giờ là lúc xốc lại đội ngũ này".

TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho rằng chính sách an sinh xã hội - hỗ trợ lao động mất việc làm - phải được đặt lên hàng đầu, vì nhiều ngành nghề hiện không có đơn hàng mới nên nguy cơ sản xuất ngừng trệ và thất nghiệp tới đây rất lớn. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nên hướng đến cắt giảm chi phí sẽ tốt hơn cắt giảm thuế và ưu tiên hỗ trợ ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Theo quan điểm của TS. Cấn Văn Lực, các gói hỗ trợ cần hướng tới doanh nghiệp, tập đoàn lớn ở những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, tạo nhiều việc làm và có sức lan tỏa, ví dụ ngành hàng không. Đặc biệt, dịch Covid-19 bùng phát đợt 2 khiến các hãng bay thêm lao đao, trong khi chi phí cố định của ngành này cực kỳ lớn, nên rất cần hỗ trợ cho ngành này. 

Các chuyên gia cũng lưu ý, dịch Covid-19 tái bùng phát và đã xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành phố. Chính phủ cần theo sát diễn biến tình hình dịch bệnh của từng địa phương để có chính sách hỗ trợ riêng tùy theo mức độ chịu ảnh hưởng. Bên cạnh đó, mỗi địa phương căn cứ vào tình hình tài chính của mình xây dựng chính sách hỗ trợ hợp lý, thỏa đáng cho người dân, người lao động và doanh nghiệp.

Tuệ Anh