Giải quyết những vấn đề bức xúc của người dân địa phương

Chất vấn làm sáng tỏ

- Thứ Sáu, 11/01/2019, 08:17 - Chia sẻ
Để kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc của người dân tại địa phương, kinh nghiệm của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Lâm Đồng cho thấy, cùng với xác định rõ thẩm quyền giải quyết, chú trọng giám sát trên thực tế, cần tăng cường chất vấn tại kỳ họp HĐND và phiên họp Thường trực HĐND để làm rõ, quy trách nhiệm và đôn đốc việc thực hiện trên thực tế.

Với tư cách là những người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của người dân, đại biểu HĐND phải luôn sát sao, gắn bó chặt chẽ với nhân dân, kịp thời tiếp nhận và xử lý những ý kiến, kiến nghị và những vấn đề bức xúc của người dân, nhằm bảo đảm đầy đủ quyền và lợi ích của người dân, xứng đáng là công bộc của nhân dân.


Cử tri thành phố Bảo Lộc nêu ý kiến, kiến nghị với đại biểu HĐND tỉnh

Thời gian qua, các thành viên Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Lâm Đồng đã tham gia TXCT theo quy định của pháp luật. Thông qua đó, kịp thời nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng và những bức xúc của nhân dân để kiến nghị các cấp, các ngành liên quan giải quyết. Qua các đợt TXCT, HĐND tỉnh đã tiếp nhận rất nhiều ý kiến của cử tri liên quan đến lĩnh vực phụ trách của Ban. Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh đã thẩm tra việc giải quyết của UBND tỉnh để làm rõ hơn những nội dung UBND trả lời, giải quyết.

Bên cạnh đó, thông qua các cuộc giám sát, làm việc với các địa phương, các ngành và đi khảo sát, kiểm tra thực tế, tiếp xúc với người dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và những vấn đề người dân quan tâm. Đơn cử, trong giám sát thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, Ban đã đi thực tế và tổng hợp ý kiến của người dân về những khó khăn của họ trong quá trình thực hiện, chuyển các kiến nghị này đến các cơ quan, đơn vị liên quan để nghiên cứu, giải quyết theo quy định. Ngoài ra, trong công tác thẩm tra hồ sơ dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh quy định chế độ, chính sách liên quan đến nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của người dân; thẩm tra các đề nghị của UBND tỉnh về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất - hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Ban đã thực hiện hết sức kỹ càng nhằm bảo đảm tính khả thi của nghị quyết...

Xác định rõ thẩm quyền giải quyết

 Người đại biểu HĐND cần có quan điểm, ý nghĩ, cách làm liên quan đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc và yên bình cho nhân dân; quan điểm, tư tưởng phải phù hợp với xu thế của thời đại, quyết tâm đấu tranh ngăn chặn các quan điểm lạc hậu, bảo thủ. Người đại biểu HĐND phải không ngừng rèn luyện, học tập nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, để kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc của người dân tại địa phương, trước hết, cần tiếp tục thực hiện tốt công tác TXCT của đại biểu HĐND. Thực tế sau mỗi cuộc tiếp xúc, các Tổ đại biểu HĐND từ thành phố đến huyện, xã đều tiếp thu, tổng hợp, đề nghị các cơ quan hữu quan trả lời với tỷ lệ đạt hơn 90%. Song, kết quả giải quyết các kiến nghị chưa như mong muốn, nhiều bức xúc của nhân dân còn kéo dài từ năm này qua năm khác. Do đó, đại biểu HĐND các cấp cần tổng hợp đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của cử tri, nên phân loại theo từng lĩnh vực; đồng thời, xác định rõ thẩm quyền giải quyết thuộc cấp, ngành nào để chuyển tới đúng địa chỉ; tổng hợp phải khách quan, chính xác. Đặc biệt, kiến nghị của cử tri phải được chuyển đến thủ trưởng các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, tránh chuyển cho đối tượng không đúng thẩm quyền. Đồng thời, phải thường xuyên đôn đốc, theo dõi, giám sát việc thực hiện, trả lời của các cơ quan, tập trung theo dõi, giám sát đến cùng các ý kiến, kiến nghị chính đáng của cử tri chưa được giải quyết thỏa đáng, kiến nghị nhiều lần.

Bên cạnh đó, cần tăng cường TXCT theo chuyên đề, lĩnh vực, TXCT nơi cư trú và nơi công tác. Ngoài ra, đại biểu HĐND cần sâu sát cơ sở, trực tiếp gặp gỡ, liên hệ với cử tri để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri, liên hệ với cá nhân, nhóm cử tri thông qua các hình thức: Trực tiếp hoặc thông qua các kênh thông tin tiếp nhận, thu thập ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Đối thoại trực tiếp với người dân

Cần tăng cường giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, tập trung lựa chọn những vấn đề chưa được giải quyết hoặc đã được giải quyết nhưng chưa dứt điểm và những kiến nghị UBND các cấp và các cơ quan liên quan đã hứa sẽ giải quyết trong thời gian nhất định để tiến hành giám sát. Đối với những kiến nghị bao trùm tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, cần thành lập Đoàn giám sát với các thành viên liên quan, cần thiết có thể trưng dụng thêm các thành phần chuyên sâu về các lĩnh vực. Trong quá trình giám sát, cần đi thực tế, đối thoại trực tiếp với người dân và để không kéo dài thời gian tổ chức giám sát, Đoàn nên chia thành các tổ giám sát (mỗi tổ bố trí 2 đến 3 người). Với cách thức đó, Đoàn giám sát sẽ đi được nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan và đến được nhiều nơi tại cơ sở để giám sát thực tế.

Giám sát phải đánh giá cụ thể những mặt được, chỉ rõ mặt chưa được, tồn tại, hạn chế và xác định được nguyên nhân của tồn tại, hạn chế, những mặt chưa được. Từ đó, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, cá nhân tiếp tục giải quyết. Báo cáo kết quả giám sát phải được trình tại kỳ họp HĐND và cần được ban hành nghị quyết về kết quả giải quyết việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Trong đó, nêu rõ thời hạn phải giải quyết đối với những kiến nghị chưa giải quyết hoặc giải quyết chưa dứt điểm.

Làm rõ những vấn đề bức xúc

Đặc biệt, cần tăng cường chất vấn tại kỳ họp HĐND đối với những bức xúc của người dân địa phương. Đại biểu HĐND lựa chọn những vấn đề liên quan đến lĩnh vực mà mình am hiểu, thường là vấn đề bức xúc được cử tri và dư luận quan tâm; những bức xúc của người dân đã nhiều năm nhưng chưa được giải quyết, những vấn đề nổi cộm phát hiện qua giám sát. Chất vấn không nên rườm rà, dài dòng mà phải cụ thể, rõ ràng, đi thẳng vào vấn đề, đi kèm là quy ra trách nhiệm thuộc về ai. Hạn chế việc chọn và đi sâu vào những vấn đề “nóng” nhưng chưa có thông tin đầy đủ, khi các cơ quan chức năng còn đang làm rõ, chưa có biện pháp xử lý khả thi hoặc những vấn đề quá chi tiết, không mang tính phổ biến. Đồng thời, chú trọng tranh luận giữa đại biểu HĐND với người bị chất vấn và giữa đại biểu HĐND khác với đại biểu HĐND chất vấn và với người bị chất vấn để tìm ra lý lẽ, có quan điểm rõ ràng, có sức thuyết phục.

Ngoài ra, cần tăng cường chất vấn trong thời gian giữa hai kỳ họp, nhất là tại phiên họp của Thường trực HĐND định kỳ hàng tháng để kịp thời làm rõ những vấn đề bức thiết đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm.

NGUYỄN HOÀN