Nâng cao chất lượng hoạt động thẩm tra báo cáo, đề án

Chế tài xử lý khi chậm tiến độ, không bảo đảm chất lượng

- Thứ Sáu, 15/11/2019, 08:22 - Chia sẻ
Từ thực tế việc gửi chậm một số tài liệu thẩm tra theo quy định còn phổ biến, mặc dù đã được rút kinh nghiệm nhưng hầu như kỳ họp nào vẫn diễn ra, ngoài nghiêm túc rút kinh nghiệm, cần có chế tài xử lý trong đánh giá cán bộ và mức độ hoàn thành nhiệm vụ đối với thủ trưởng các cơ quan được phân công chủ trì soạn thảo các báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết để chậm tiến độ thời gian theo quy định; chuẩn bị không kỹ về cơ sở pháp lý ban hành và nội dung dự thảo nghị quyết trình HĐND tỉnh.

Tham gia ngay từ đầu

Ngay sau khi nhận được các báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp, các Ban HĐND tỉnh Thái Nguyên đã phân công lãnh đạo chuyên trách và thành viên tập trung xem xét, nghiên cứu kỹ những nội dung do UBND tỉnh trình, đối chiếu với các quy định của luật để đưa ra nội dung phản biện. Các Ban HĐND tỉnh theo sự phân công chủ trì và phối hợp thẩm tra đã tổ chức một số cuộc khảo sát, làm việc với các ngành và cơ quan chủ trì tham mưu cho UBND tỉnh để nắm bắt thêm thông tin, làm cơ sở xây dựng dự thảo báo cáo thẩm tra. Trong đó, tập trung vào sự phù hợp với quy định của pháp luật, nội dung dự thảo nghị quyết và các vấn đề cần trao đổi, làm rõ thêm để các đại biểu HĐND tỉnh có cơ sở để biểu quyết thông qua.


Ban Pháp chế và Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Thái Nguyên thẩm tra các tờ trình, dự thảo nghị quyết trình tại Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Khóa XIII
Ảnh T. Tâm

Từ đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động thẩm tra, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các Ban HĐND tỉnh Thái Nguyên đã kiến nghị HĐND tỉnh không thông qua một số dự thảo nghị quyết, sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung một phần đối với nhiều nghị quyết và HĐND tỉnh đã thống nhất cao ban hành nhiều nghị quyết quan trọng để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển  kinh tế - xã hội, các nghị quyết về an sinh xã hội. Đó là nghị quyết về hỗ trợ kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ cận nghèo; quy định hỗ trợ 30% mức đóng bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ nghèo thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản khác (không bị thiếu hụt bảo hiểm y tế); chính sách hỗ trợ khuyến khích cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chủ trương đầu tư các công trình hạ tầng theo hình thức đối tác công - tư (PPP); ưu đãi đầu tư cho Dự án Samsung tại Thái Nguyên…

Các quyết sách kịp thời này đã đã góp phần thúc đẩy và phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên trong những năm gần đây như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân đạt 14%/năm; giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 23,1%/năm; chỉ tiêu giá trị xuất khẩu toàn tỉnh tăng bình quân 21,4%/năm; thu ngân sách nhà nước (không bao gồm thu cấp quyền sử dụng đất) tăng bình quân 25,2%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 76 triệu đồng, gấp 1,45 lần so với năm 2015… Đạt được kết quả này có sự đóng góp tích cực, hiệu quả của các Ban HĐND tỉnh trong việc tham mưu cho HĐND tỉnh ban hành các nghị quyết về cơ chế, chính sách và giám sát tổ chức thực hiện hiệu quả các nghị quyết, cùng với cả hệ thống chính trị của tỉnh xây dựng Thái Nguyên phát triển toàn diện, xứng đáng là tỉnh trung tâm của khu vực trung du miền núi Đông Bắc Bắc Bộ.

Cần cơ chế thuê chuyên gia

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động giám sát, thẩm tra báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp HĐND của các Ban HĐND tỉnh Thái Nguyên cũng gặp một số khó khăn, hạn chế. Đó là, một số nội dung trình kỳ họp của HĐND tỉnh, qua thẩm tra cho thấy cơ quan tham mưu nghiên cứu và chuẩn bị chưa kỹ cả về nội dung và thẩm quyền ban hành nghị quyết. Việc gửi chậm một số tài liệu thẩm tra theo quy định còn phổ biến, mặc dù đã được rút kinh nghiệm qua nhiều kỳ họp, nhưng hầu như kỳ họp nào cũng vẫn diễn ra làm ảnh hưởng đến việc nghiên cứu và chất lượng thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh cũng như chất lượng ban hành nghị quyết. Ngoài nghiêm túc rút kinh nghiệm như hiện nay, cần có chế tài xử lý trong đánh giá cán bộ và mức độ hoàn thành nhiệm vụ đối với thủ trưởng các cơ quan được phân công chủ trì soạn thảo các các báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết để chậm tiến độ thời gian theo quy định; chuẩn bị không kỹ về cơ sở pháp lý ban hành và nội dung dự thảo nghị quyết trình HĐND tỉnh.

Bên cạnh đó, sự vắng mặt của thủ trưởng một số cơ quan liên quan đến nội dung trình tại hội nghị thẩm tra làm cho việc thống nhất, giải trình, tiếp thu những nội dung còn có ý kiến khác nhau. Thực tế này đặt ra yêu cầu cần tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan được phân công chủ trì soạn thảo các các báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết với các Ban của HĐND tỉnh trong suốt quá trình xây dựng để bảo đảm sự thống nhất cao, nâng cao chất lượng, tính khả thi khi nghị quyết được thông qua. Lãnh đạo UBND tỉnh và thủ trưởng cơ quan chủ trì soạn thảo các báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết phải tham dự các hội nghị thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh để bảo đảm việc tiếp thu, giải trình những vấn đề chưa thống nhất hiệu quả, đúng thẩm quyền. Đối với những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau, các ban HĐND tỉnh tổng hợp báo cáo thường trực HĐND tỉnh để tiếp tục thảo luận, trao đổi, cho ý kiến trước khi đưa ra HĐND tỉnh biểu quyết thông qua.

Khắc phục tình trạng một số ít thành viên các ban HĐND tỉnh còn thiếu kinh nghiệm và kỹ năng, chưa dành nhiều thời gian nghiên cứu kỹ các nội dung thẩm tra nên khả năng phát hiện và nêu vấn đề trong các Hội nghị thẩm tra còn hạn chế. Cần quan tâm lựa chọn thành viên các Ban của HĐND tỉnh bảo đảm có trình độ, năng lực, đã kinh qua thực tiễn trong lĩnh vực công tác, có bản lĩnh để đảm đương nhiệm vụ và thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, trao đổi kinh nghiệm công tác để nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ này. Bên cạnh đó, cần có cơ chế thuê chuyên gia trong hoạt động thẩm tra, nhất là đối với những nội dung khó, yêu cầu chuyên môn cao, có tác động và ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và số đông nhân dân.

LÊ MINH