Ưu đãi cụ thể, vượt trội để phát triển công nghiệp dược

- Thứ Sáu, 19/04/2024, 07:14 - Chia sẻ

Với quy mô dân số khoảng 100 triệu dân, nhu cầu về thuốc chữa bệnh của nước ta hiện rất lớn. Tuy nhiên, ngành công nghiệp dược của chúng ta vẫn còn một “khoảng cách” với mong muốn đáp ứng nhu cầu thuốc của người dân. Trước thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan soạn thảo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược cần nghiên cứu để có những có những quy định chính sách ưu đãi cụ thể, vượt trội, đủ mạnh để khuyến khích phát triển công nghiệp dược.

Luật Dược 2016 đã có những chính sách nhằm bảo đảm tăng cường tự chủ cung cấp đủ thuốc thiết yếu cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh. Nhờ đó, sản xuất thuốc trong nước đã có những bước phát triển nhanh chóng, mức tăng trưởng hàng năm từ 12 - 15%. Tuy vậy, các chính sách tại Luật Dược chưa thực sự thúc đẩy phát triển sản xuất nguyên liệu làm thuốc, bao gồm cả hoạt chất tinh khiết chiết xuất từ dược liệu là thế mạnh của Việt Nam cũng như nguyên liệu sinh học, dẫn đến chưa thu hút được các cơ sở sản xuất đầu tư nghiên cứu và phát triển lĩnh vực này. Vì vậy, cần có các chính sách phù hợp, mang tính đột phá để thúc đẩy hơn nữa việc nghiên cứu phát triển sản xuất nguyên liệu làm thuốc; nghiên cứu, tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc công nghệ cao, thuốc công nghệ sinh học, chuyên khoa đặc trị; đặc biệt là nghiên cứu, triển khai áp dụng công nghệ sản xuất thuốc mới đáp ứng nhu cầu trong trường hợp cấp bách như xảy ra dịch bệnh, thiên tai, chiến tranh, bệnh truyền nhiễm mới nổi.

Để khắc phục những bất cập của Luật Dược hiện hành, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược đã bổ sung một số quy định nhằm đẩy mạnh phát triển công nghiệp dược. Theo đó, dự thảo Luật sửa đổi quy định tại khoản 3, khoản 5, Điều 7 Luật Dược nhằm thu hút đầu tư và thúc đẩy sản xuất thuốc, nguyên liệu theo hướng: “ưu đãi đầu tư hoặc đặc biệt ưu đãi đầu tư và các chính sách hỗ trợ đầu tư theo quy định của pháp luật đối với các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đầu tư sản xuất nguyên liệu làm thuốc, thuốc mới, thuốc biệt dược gốc, thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, vaccine, sinh phẩm, thuốc thiết yếu, thuốc hiếm, thuốc phòng, chống bệnh xã hội, thuốc dược liệu, thuốc được sản xuất từ chất chiết xuất từ dược liệu và thuốc cổ truyền sản xuất từ nguồn dược liệu Việt Nam mang thương hiệu quốc gia. Ưu đãi đặc biệt đối với hoạt động nghiên cứu khoa học về phát triển công nghệ bào chế, công nghệ sinh học để sản xuất các loại thuốc mới; hoạt động nghiên cứu, sản xuất thuốc mới từ nguồn dược liệu đặc hữu trong nước; hoạt động bảo tồn nguồn gene dược liệu quý hiếm đặc hữu trong nước…”.

Để ngành dược phát triển, rất cần cú huých từ các chính sách ưu tiên, hỗ trợ của nhà nước; do đó các doanh nghiệp dược rất chờ đợi các chính sách ưu đãi khi sửa đổi Luật Dược lần này. Tiếc rằng, những quy định của dự thảo Luật cho thấy, các chính sách về ưu đãi phát triển công nghiệp dược vẫn chỉ mang tính nguyên tắc, còn chung chung, thiếu tính cụ thể. Câu hỏi đặt ra là, thế nào là “ưu đãi đầu tư”, thế nào là “đặc biệt ưu đãi đầu tư”? Và thế nào là “ưu đãi đặc biệt” đối với hoạt động nghiên cứu khoa học về phát triển công nghiệp dược?

Muốn ngành dược phát triển, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sử dụng thuốc của người dân, cần có những chính sách ưu đãi đối với lĩnh vực này. Thực tế cho thấy, đối với sản phẩm dược, một số nguyên liệu của chúng ta phải nhập khẩu tới 90%. Với giá nhập cao thì giá thành thuốc sẽ tăng. Điều này cũng đồng nghĩa với người tiêu dùng phải chịu giá đắt, giảm khả năng cạnh tranh của ngành dược. Do đó, đối với những thuốc phải nhập khẩu nguyên liệu, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, xem xét bổ sung chính sách giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu làm thuốc, bao bì, tá dược, vỏ nang nhập khẩu. Đối với thuốc điều trị bệnh hiếm gặp, những hoạt động nghiên cứu khoa học, thử nghiệm lâm sàng đối với thuốc hiếm cũng nên xem xét có chính sách ưu đãi phù hợp.

Mục đích của việc sửa đổi luật lần này là bảo đảm người dân được tiếp cận thuốc chất lượng, kịp thời, giá cả hợp lý; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật trong hoạt động quản lý thuốc; trong đó có việc bảo đảm thuốc cho phòng, chống dịch bệnh và các trường hợp cấp bách phát sinh trong thực tiễn. Cùng với đó là tạo cơ chế ưu đãi tốt hơn, thu hút đầu tư và có những phát triển đột phá trong công nghiệp dược của đất nước. Muốn vậy, những chính sách ưu đãi phải thật sự cụ thể, vượt trội và đủ mạnh. Chỉ khi chính sách “ưu đãi” được cụ thể hóa trong luật mới thu hút được doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này; chính sách càng cụ thể, luật càng sớm đi vào cuộc sống.

Song Hà
#