Chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong chăm sóc sức khỏe toàn dân

- Thứ Tư, 20/11/2019, 17:08 - Chia sẻ
Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và chủ động tham gia cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 (CMCN 4.0) đang là định hướng phát triển của tất cả các ngành nghề, y học Việt Nam không nằm ngoài cuộc. Bằng nền tảng kiến thức của mình, đội ngũ cán bộ ngành y tế đã chủ động tiếp cận, ứng dụng các công nghệ trong quản lý điều hành và chăm sóc sức khỏe phục vụ người bệnh. Bộ Y tế cũng đang từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý CNTT, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, tài liệu chuyên môn và hướng dẫn chi tiết.

Đẩy nhanh quá trình ứng dụng

Cục trưởng Cục CNTT, Bộ Y tế Trần Quý Tường cho biết, Bộ đã xây dựng kế hoạch phát triển y tế thông minh với 3 trụ cột chính là phòng bệnh chăm sóc sức khỏe thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh. Bên cạnh đó, cũng đẩy mạnh CNTT trong quản lý khám, chữa bệnh. Đến nay, 99,5% các cơ sở khám, chữa bệnh tại 63 tỉnh/thành phố trên cả nước đã kết nối liên thông với hệ thống giám định của bảo hiểm xã hội Việt Nam.

“Đây là một thành tựu rất lớn vì các nước như Nhật, Hàn Quốc làm mất 10 năm, nhưng Việt Nam chỉ làm trong 2 năm. Dù đi sau nhưng làm rất nhanh vì có kinh nghiệm và hệ thống chính trị chỉ đạo quyết liệt” - Cục trưởng Cục CNTT, Bộ Y tế Trần Quý Tường khẳng định.

Vừa qua, Bộ cũng triển khai thí điểm hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh PACS tại một số bệnh viện thực hiện không in phim. Đây là đề án thí điểm rất có ý nghĩa, không chỉ nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, ứng dụng công nghệ hiện đại mà còn có ý nghĩa về môi trường. Các bệnh viện không phải in phim sẽ bảo vệ môi trường rất lớn, vì mỗi tấm phim có thể tồn tại hàng trăm năm, khó phân huỷ.

Ông Trần Quý Tường cũng cho biết, 37 dịch vụ công của toàn ngành đạt mức trực tuyến cấp độ 3 và 4. Trong đó có nhiều dự án lớn đã chứng minh hiệu quả khi đưa vào sử dụng như triển khai thí điểm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong hỗ trợ điều trị ung thư tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, bệnh viện K Trung ương, bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh; phối hợp với Viettel triển khai phầm mềm tiêm chủng toàn quốc; cung ứng nhiều phần mềm, dữ liệu y tế ở mức toàn quốc...  Bộ cũng đã triển khai thí điểm các hoạt động y tế từ xa, hỗ trợ tư vấn, bước đầu ứng dụng trí tuệ nhân tạo, ứng dụng robot trong phẫu thuật, kết nối các phần mềm trong quản lý bệnh viện với nhau tạo một nền tảng bước đầu kết nối vạn vật. Có thể khẳng định, ngành y tế đã sẵn sàng, đã thực hiện những cơ sở bước đầu để tiếp cận cuộc CMCN lần thứ 4.


Cần có cơ chế tài chính cho việc phát triển công nghệ Y tế. (Nguồn: ITN)

Giải pháp để ứng dụng trở nên hiệu quả

Bên cạnh mặt tích cực, ngành Y tế vẫn gặp phải nhiều khó khăn như chưa có cơ sở dữ liệu y tế quốc gia khi tổng hợp thông tin, chia sẻ giữa các đơn vị. Ngoài ra, hệ thống văn bản điện tử, thư điện tử triển khai chậm, nhiều việc vẫn phải sử dụng giấy tờ.

Để giải quyết những khó khăn này, Bộ Y tế vừa ra đời hệ thống một cửa điện tử hay còn gọi là Cổng Dịch vụ công Bộ Y tế. Với cổng thông tin này sẽ cho phép công dân, doanh nghiệp dễ dàng tiến hành nộp hồ sơ trực tuyến, tự tra cứu và biết được tình trạng giải quyết thủ tục hành chính của mình mà không phải đến tận nơi cơ quan giải quyết thủ tục hành chính. Đồng thời, công dân/doanh nghiệp có thể giám sát chất lượng các dịch vụ công một cách công khai, minh bạch, thông qua phản hồi, đánh giá quá trình giải quyết thủ tục hành chính của mình.

Nói về giải pháp để thúc đẩy ứng dụng CNTT, Bộ Trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Bộ đã xác định 3 trụ cột chính là phòng bệnh thông minh, khám chữa bệnh thông minh, quản trị y tế thông minh. Đồng thời, đưa ra 3 chương trình y tế điện tử. Chương trình 1 là xây dựng cơ sở hạ tầng, triển khai thống kê y tế điện tử từng bước hình thành trung tâm dữ liệu y tế quốc gia; chương trình 2 là thực hiện hồ sơ sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử để bảo đảm theo một chuẩn kết nối chung, kết nối liên thông giữa các phần mềm với nhau và trong thời gian nhất định. Chương trình 3 là xây dựng và vận hành hệ thống dịch vụ công trực tuyến một cửa Bộ Y tế, thực hiện cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp. Hiện cả 3 chương trình đều đi vào hoạt động chính thức và cho thấy những hiệu quả bước đầu.

“Để thực hiện những việc này, ngoài sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, thời gian tới, chúng tôi cũng đề nghị Bộ Tài Chính, Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách hoàn thiện hơn; cần có một cơ chế tài chính cho CNTT y tế phù hợp; chính sách ưu đãi để thu hút nhân tài cho CNTT y tế” - Bộ trưởng Kim Tiến chia sẻ.

Tùng Dương