Chú Sáu có chàng rể tốt<BR><I>Truyện ngắn của</I> NGUYỄN QUỐC TRUNG

- Thứ Năm, 01/01/2015, 09:32 - Chia sẻ

Tính báo thù quá cực đoan của chú Sáu Tào khiến dân trong vùng chờn. Hễ chó nhà ai nhỡ cắn, hay chỉ ngoạp vào chân, chú mua bằng được để về tự tay giết thịt, khi chọc tiết, chú luôn miệng rít lên. Đi làm ruộng, chú treo sẵn một óng bầu, con đỉa nào bíu hút máu, chú bắt cho vào để cuối buổi đốt, mày hút máu ông, ông phải cho mày thành than. Tiếng dữ đồn xa, dân vùng này ngán chú trả đũa, vườn cây ăn trái bốn mùa, có khi bưởi quýt sà ra mé đường nhưng chẳng ai dám mó tới.

Nhà chú Sáu Tào cách đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, dân gọi là ông Chưởng, đâu vài trăm mét, cùng hướng ra mặt sông Đồng Nai thao thiết chảy, sáu tháng mùa mưa sóng phù sa táp vào bờ ì ạp, nửa năm còn lại gió cuốn lăn phăn trên mặt nước thẫm xanh. Khuôn mặt chú thường khó đăm đăm, mắt vằn tia đỏ, khiến ít người ngại giao thiệp. Tuy hơi ngán nhưng người có tính cách khác người ấy lại cuốn hút tôi. Người viết vốn chuộng kẻ có cá tính khác lạ để tạo nên số phận đặc biệt. Và, tôi được thấy đức quý khách của chú. Thời còn nhàn rỗi, tôi thường đến nhà chú chơi, có lúc nán lại vài ba ngày để hưởng hơi nước mát lạnh từ sông phả lên cây lá xanh như nước và những bữa ăn gạo Đồng Nai hạt dài dẻo thơm với cá rô mề kho tộ, cá lóc bông nấu canh chua và những bữa tiệc cá lóc sông, mỗi con nặng cỡ vài ba ký, sườn đen nhức, bọc bùn hun trong lửa rơm, khi chín thịt trắng bùi, cuốn với rau tập tàng, chấm mắm nêm Thủ Đức, ngon tới khó nói hết. Chú Sáu dần dà cung cấp cho tôi sử liệu vùng đất này thời thế hệ tổ tỉ các dòng họ theo Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh tới khai khẩn, thời ấy còn là những trảng, những bưng, những biền và rừng già bạt ngàn, mùa lũ voi kéo về hàng đàn quần nát cả những mái rừng, cá sấu như thuyền độc mộc phục bắt heo nai rừng xuống uống nước các bến sông, đầu rạch. Có được làng xóm đồng ruộng thẳng cánh cò như vầy là phải đổi mồ hôi đào chỗ này, đắp chỗ nọ, đánh nhau với muông thú, với giặc dã tới đổ máu không biết bao nhiêu thế hệ đấy. Vậy nên đất đai viên trạch ở ta có hồn vía đó. Chú Sáu nói vậy.

Bây giờ, sau gần hai chục năm tôi mới trở lại. Đang ngồi trên cái võng toòng teng dưới tán dừa chưng kín gốc sân, thấy tôi chú Sáu Tào đã nhào tới, đưa bàn tay gầy ngón như rễ cây bíu lấy vai tôi:

- Cậu lặn đâu biệt tăm vậy? Lần này tới thì ở với tôi dăm bữa nửa tháng, hơn càng tốt, thằng chồng con gái tôi biết biệt đãi khách lắm. Ai dè, cuối đời người cao tuổi này được nương nhờ rể.

Nỗi vui quá mức khiến mặt người đã gần tám mươi ửng đỏ. Một người bản lĩnh cao cường, thời trẻ giỏi võ, tham gia du kích đánh tàu chiến địch dọc sông Đồng Nai, trong rừng sác Cần Giờ nhưng cách đây khá lâu gặp cảnh buồn gia đình là thằng con trai xuống tận miền Tây lập nghiệp, có khi cả năm chỉ tạt qua nhà vài lần. Lần nào cũng vậy, hắn ghé qua coi bộ nhớn nhác, hỏi gì cũng gắt, chẳng kịp ăn bữa cơm, đi như chạy trốn truy nã. Vợ chồng già cảm thấy đơn chiếc, chỉ thèm có người để nói chuyện. Giờ đây, chú vui thế này chắc cuộc sống chú đã viên mãn lắm. Thời này mà được nhờ con là diễm phúc lớn. Chú lào thào vào tai tôi:

 
Minh họa của Đặng Hồng Quân

- Thằng Huỳnh, con trai tôi xuống Cà Mau nuôi tôm, lấy vợ ở miết dưới đó, bỏ mặc ba má già sống chết thây kệ, tôi từ mặt luôn rồi, trời cho tôi được có thằng rể người Trung Quốc.

Tôi chúc mừng chú và nghĩ một người kỹ tính như chú Sáu Tào, người vào được đây làm rể hẳn phải tài đức vẹn toàn lắm.

Vừa lúc đó, từ ngôi nhà nằm sâu trong vườn, một người thanh niên, dáng hơi lùn, trán vuông, tóc húi cua, đi nhanh ra. Chú Sáu Tào giới thiệu tôi. Anh cúi đầu cung kính chào tôi:

- Cháu chào chú.

Rồi đón lấy cái túi xách cho tôi, giọng ôn tồn, lịch lãm:

- Mời chú vô nhà. Cháu đã được nghe cha cháu kể về chú và được đọc sách của chú. Cháu chờ ngày này đã lâu rồi.

Tôi nắm lấy bàn tay to bè thô ráp, ngón hơi ngắn của chàng rể chú Sáu Tào. Anh hỏi tôi đi xe gì tới, có mệt không, khiến tôi cảm động.

Anh sử dụng tiếng Việt khá sành. Nhưng người nước ngoài dẫu nói tiếng Việt sõi tới đâu ta vẫn nhận ra. Vậy mới gọi là tiếng mẹ đẻ người ngoài không thể học được hết.

Trong ngôi nhà chú Sáu Tào đã thay đổi, ở góc trái là bàn thờ Bà Thiên Hậu, bên phải thờ Quan Công. Thằng rể biểu có bàn thờ đó sẽ sống bình yên, phát tài lộc. Mình đã theo đạo thờ cúng ông bà, thời này nhiều tai họa khó lường, có thêm hai vị thần phù trợ, cũng yên tâm. Chú Sáu Tào nói.

Có tiếng mèo gào, một con mèo trắng khá to, lông mượt như phủ bằng tuyết, đang lồng lộn trong cái lồng sắt. Chú Sáu Tào nói:

- Con mèo hoang này ở đâu đến nằm trong nhà đựng thóc sau vườn, đêm cách đây một tuần nó cắn tôi khi tôi giẫm phải. Thế là tôi bẫy bằng được. Chiều nay tôi cho nó lên đoạn đầu đài để đãi chú, thằng rể tôi cho hay, thịt mèo trắng nấu theo kiểu Tàu chữa được bá bệnh đó.

*

Chú Sáu Tào dẫn tôi sang đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh dâng hương. Sáng ngày mùng một và chiều ngày rằm hàng tháng chú thường mang trái cây tới dâng hương tưởng niệm người có công giúp dân mở cõi, lập nên những làng ấp trù phú. Và, bao giờ cũng vậy khi khách quý từ xa tới chú cũng đưa sang đây thắp nhang và kể cho họ nghe Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh, người được ví là thần thành hoàng của vùng đất bao la rộng lớn miền Đông Nam bộ. Những câu đối, câu liễn, hoành phi bằng ghi công đức của Chưởng Cơ mang văn phong thời Nguyễn đã phai mờ ít nhiều nhưng vẫn đọc rõ. Chú Sáu Tào cho biết, thời trước có rất nhiều câu đối chạm trên gỗ mít, gọi là mộc bản, nhưng đã bị mất thời chiến tranh.

Khi trở lại nhà, tôi đã thấy vợ chồng con gái chú Sáu đang chuẩn bị bữa ăn. Chàng rể đang làm thịt cặp vịt bầu, làm thịt vịt khó nhất là khâu làm lông, nhưng cậu vặt rất nhanh, chỉ một lát hai con vịt lớn đã sạch bóng. Nó cho trái đu đủ vào nước sôi để con vịt không mọc lông non sau khi vặt lông già nữa. Chú Sáu hể hả nói. Tụi nó sẽ đãi cậu món đặc sản vịt Tàu, ngon lắm.

Món vịt Tàu chính là vịt quay Bắc Kinh. Sau khi moi hết bộ lòng khỏi con vịt, cho hạt tiêu xanh nguyên cả cuống, bông hoa hồi khô vào bụng, tẩm dầu ăn, nước tương chao, mật ong rồi cho lên bếp than củi đước, thêm mấy viên đá cuội để tăng thêm hơi nóng, làm thân vịt chín đều, da giòn, ăn với bánh bao, bánh mì. Món mì xào lòng vịt, xúp tam bơ… cũng rất ấn tượng. Người ta biết chế biến con vịt thành đặc sản vậy đó, còn dân mình chỉ quanh đi quẩn lại vịt luộc, vịt rim mặn. Chú Sáu Tào phàn nàn. Tôi thấy chú thay đổi nhiều.

Tôi nhắc tới các món ăn cá đồng, cá rô mề kho tiêu, cá lóc nướng rơm cuốn với rau tập tàng. Chú Sáu Tào vặc, mấy thứ đó thiếu chi nhưng là cá nuôi trong hầm, thức ăn có khi cả cám cò, chứ đồng bây giờ phun thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu, cá mú nào sống cho nổi. Người mình chỉ giỏi phá, chớ đâu biết xây, đến món ăn cũng chẳng biết cải tiến. Cho cậu hay, thời trước phải là vua chúa mới được ăn món vịt quay Bắc Kinh, cỡ thượng thư cũng phải chầu rìa nuốt nước bọt khan.

Suốt bữa, chàng rể chú Sáu Tào kể cho tôi xứ Vân Nam sinh ra cậu. Rẻo làng quê cậu nằm bên sườn núi trọc, vào phía sâu là đại ngàn, ruộng bậc thang, đá tảng nằm rải rác nên không thể cày mà phải cuốc, đất khô cỗi chỉ trồng ngô là hợp, cho nên nhà nào cũng có cối xay giã ngô, tiếng cối xay ngô mài đầu đêm tới khuya. Đến buổi nông nhàn cũng là lúc hầu hết các gia đình cạn lương thực, phải vào rừng kiếm cái ăn, đào củ, đốn gỗ, hái nấm, tìm mật ong, bẫy thú rừng…
Nghe kể tới đó, chú Sáu Tào nói:

- Nhờ vậy mà dân vùng ấy sức khỏe, nhanh trí hơn người.

Chú nhẩn nha thuật lại cho tôi nghe, thời gian chú đang giận thằng con đến mất ăn mất ngủ thì con gái dẫn chàng trai Trung Quốc về. Thoạt ngó chú hơi chột dạ vì mặc cảm dân xứ ấy không được hòa nhã, xem phim Tàu thấy cư xử với nhau bằng mâu mô hiểm độc. Khi thằng rể tương lai mở va li lấy cặp rượu Chivas 25 biếu bố vợ như là món lễ ra mắt, chú Sáu Tào thấy hài lòng vì nó biết điều, rồi chú cười thầm, thứ rượu này được cái vỏ là thiệt, còn ruột không chừng là nước lã pha các thứ hóa chất, sản phẩm của mấy cha Ba Tàu Ba Trợn chợ Lớn. Thay cho lời đồng ý, chú liền dẫn nó sang đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh dâng hương, lúc quay lại nhà thấy đống củi chú đang bổ dở ở góc sân, nó bước đến cởi phăng áo dài vắt lên dây phơi, để lộ những cơ bắp săn cuộn cầm chắc búa, bổ nhát nào ra nhát đó, lưỡi búa cắm lút vào thân gỗ, rồi nó banh thành mảnh, xếp thành ô vuông cao. Con bổ củi thạo còn hơn tụi bổ củi kiếm cơm chuyên nghiệp ở xứ này. Nghe bố vợ bảo vậy, hắn gạt mồ hôi trán, cười cầu ơn, đáp rằng, khi ở nhà hắn đã đi bổ củi thuê lấy tiền mua lương thực nuôi đàn em ba đứa ăn học. Chú Sáu xúc động bởi tính chân thật ham lao động của chàng rể tương lai. Trong những ngày về ra mắt ba má vợ, nó lao vào dọn dẹp nhà cửa, phát cây dại, trồng thêm cây ăn trái trong vườn, nó đảm nhiệm chức phận của đứa con trai, khiến chú Sáu Tào mừng khôn xiết. Ai dè, mình có thằng rể có hiếu hơn cả hai thằng con trai, không chừng tuổi già mình được nương vợ chồng con gái. Thời này cũng chẳng cần nặng về con trai con gái nữa đâu. Chú nghĩ vậy.

Sau lễ cưới, chú Sáu Tào nèo vợ chồng nó ở hẳn với vợ chồng chú, nghĩa là buổi sớm lên công ty ở khu công nghiệp Biên Hòa làm việc, chiều về với vợ chồng chú. Tao muốn vợ chồng mày ở đây để nhờ cậy khi trái gió trở trời. Nghe chú yêu cầu vậy, nó gật đầu và nói: “Tùy bà xã, con thế nào cũng được”. Dĩ nhiên cô con gái đồng ý.

*

Khi giết thịt con mèo trắng, chú Sáu Tào đòi cắt tiết bằng được. Thằng rể giữ bốn chân, bố vợ nắm chặt mõm, con vật giẫy giụa, tôi chỉ sợ đôi tay già khẳng khiu của chú không giữ nổi, con mèo tuột ra, cắn phải, nhiễm bệnh dại là đi đời. Nhưng chú Sáu Tào đã nghiến răng, bàn tay ngón rễ cây giữ chặt cứng. Chú bậm môi tưởng bật máu, rít lên qua kẽ răng, mi ở đâu dám tới đây cắn tao, tao trừng trị mi đích đáng.

Món thịt mèo trắng được thằng rể xào với hành tây, xương hầm với đậu xanh để nấu cháo.

Chế biến xong, anh hướng dẫn tỉ mỉ cho vợ nấu, thịt mèo phải để lửa cháy vừa phải. Món này phải ăn nóng nên khi người đông đủ mới nổi lửa. Cô vợ chăm chú nghe chồng rồi cười khúc khích. Vợ chồng sống với nhau đã khá lâu, tình cảm vẫn trẻ trung vậy là hạnh phúc hiếm có. Dặn vợ xong, anh đánh chiếc xe vận tải loại nhỏ, nghe đâu mua chưa tới một trăm triệu, dùng để vận chuyển hàng hóa ngoài giờ cho các đại lý điện máy, nghe đâu thu nhập tròm trèm ba bốn chục triệu mỗi tháng, đi đón con tan học ở trường chuyên thành phố.

Lúc mặt trời sắp lặn bên kia sông Đồng Nai, chiếc xe dừng trước cổng, hai thằng bé nhảy xuống, chúng đón ba lô đựng sách vở từ bố rồi đi như chạy vào sân. Chú Sáu Tào quát âu yếm, giọng của một ông ngoại:

- Mấy cháu chào khách đi chớ.

Hai chú thiếu niên dừng lại, cung kính chào tôi rồi chào ông ngoại. Trông dáng chúng vẫn hơi lùn, trán vuông, hệt bố nó.

Từ đó và trong suốt bữa cơm, hai đứa trò chuyện với bố mẹ nó bằng tiếng Trung Quốc, chỉ nói tiếng Việt khi trao đổi với ông bà ngoại. Chú Sáu Tào cười hồn nhiên và khen:

- Thằng rể sợ con cái mất gốc văn hóa nên từ nhỏ đã dạy con nói tiếng Trung Quốc. Mi thấy cháu tao có hiểu không? Ai dè, tao có phước được nương nhờ thằng rể, mai sau tao sẽ sang sổ đỏ khu vườn nhà này cho vợ chồng nó.

Sáng hôm sau, chú Sáu Tào tiễn tôi ra tận quốc lộ, khi đi qua đám đất trống, cách đền thờ ông Chưởng chừng một cây số, chú thì thầm:

- Thằng rể tao đã tậu đám đất này để sau này cho con trai nó một mảnh. Phần kia chia ba mảnh cho ba thằng em nó sắp tới sang đây lập nghiệp, con gái xứ nầy sẽ theo cả bầy, cứ vậy mà tụi nó lấy vợ xứ nầy luôn.

Rồi chú lớn giọng:

- Mày thấy đàn ông người ta biết lo xa, chớ đâu phải như người mình, cứ chăm chắm cúi mặt vào bàn nhậu mà món nhậu cũng chẳng làm cho ra món nhậu, rầu thấy mồ.