Chú trọng công tác phòng ngừa là chính

- Thứ Năm, 28/05/2020, 08:09 - Chia sẻ
Lược ghi phát biểu của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kết luận Phiên giám sát

Trong phiên thảo luận trực tuyến ngày hôm nay đã có 47 đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến, 2 đại biểu Quốc hội tranh luận. Còn 6 đại biểu Quốc hội đã đăng ký nhưng do thời gian không đủ, đề nghị các đại biểu Quốc hội vui lòng gửi ý kiến của mình bằng văn bản cho Tổng Thư ký Quốc hội để tổng hợp báo cáo Quốc hội. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã báo cáo giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề mà các vị đại biểu Quốc hội quan tâm.

Nhìn chung ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội rất sôi nổi, sâu sắc, thẳng thắn, tâm huyết và trách nhiệm. Các đại biểu Quốc hội đều cho rằng việc Quốc hội chọn chuyên đề giám sát này là rất đúng đắn, có ý nghĩa thiết thực đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nói chung và công tác phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng.

Các đại biểu Quốc hội hoan nghênh Đoàn giám sát trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, với thời gian giám sát ngắn nhưng với tinh thần làm việc tích cực, khẩn trương, trách nhiệm đã hoàn thành mục tiêu và kế hoạch giám sát đã đề ra. Các đại biểu Quốc hội đã phân tích kỹ, sâu sắc và thấy rằng cùng với sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nói chung, công tác phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng đã được Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương quan tâm, chỉ đạo và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, bảo đảm thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền của trẻ em.

Các đại biểu Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ rõ, tình hình xâm hại trẻ em vẫn xảy ra nghiêm trọng ở nhiều nơi, nhiều địa điểm khác nhau, không chỉ ở vùng khó khăn mà cả ở những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển. Đối tượng xâm hại trẻ em rất đa dạng, không chỉ người lạ mà ngay cả những người thân thích, ruột thịt của trẻ em, những người có bổn phận, nghĩa vụ và trách nhiệm chăm sóc, giáo dục các em như cha mẹ, thầy cô giáo, cán bộ cơ sở bảo trợ trẻ em… Các phương thức, thủ đoạn xâm hại trẻ em ngày càng tinh vi, đa dạng và phức tạp hơn, như xâm hại tình dục, bạo lực đối với trẻ em, mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em, lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc, lạm dụng trẻ em vào một số hoạt động trái pháp luật. Có một số vụ án xâm hại trẻ em rất nghiêm trọng, dư luận xã hội rất bức xúc, lên án nhưng đây không phải là phổ biến. Các hành vi xâm hại trẻ em để lại hậu quả rất nặng nề, nghiêm trọng, lâu dài cho trẻ em, cả về thể chất và tinh thần cũng như cho gia đình và xã hội.

Các đại biểu Quốc hội đồng tình với báo cáo của Đoàn giám sát dự báo tình hình xâm hại trẻ em trong thời gian tới nếu không có biện pháp phòng ngừa hiệu quả sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng. Các đại biểu Quốc hội về cơ bản tán thành với nội dung báo cáo của Đoàn giám sát đánh giá về công tác ban hành chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Tán thành với nhận định của Đoàn giám sát trong thời gian qua, công tác này được quan tâm và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, bất cập như nhiều đạo luật chưa được hướng dẫn kịp thời, đầy đủ, một số quy định xử phạt hành chính còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe, các văn bản pháp luật bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng chưa đầy đủ, chưa phù hợp. Tại nhiều địa phương công tác này chưa được quan tâm đúng mức.

Các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với báo cáo của Đoàn giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, tán thành với những kết quả đã đạt được và những hạn chế, bất cập trên cả 12 mặt công tác được nêu trong báo cáo. Các đại biểu Quốc hội cho rằng phải chú trọng công tác phòng ngừa là chính như công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em; xây dựng môi trường gia đình, nhà trường, xã hội an toàn, lành mạnh, thân thiện. Kịp thời có biện pháp hỗ trợ, can thiệp khi trẻ em có nguy cơ bị xâm hại. Tiến hành thường xuyên công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi xâm hại trẻ em.

Các đại biểu Quốc hội cũng yêu cầu cần tiếp tục đổi mới công tác giám định đối với trẻ em bị xâm hại như rút ngắn thời gian, quy trình giám định đặc thù, thành lập Tòa án gia đình và người chưa thành niên trong cả nước, có phòng xét xử thân thiện, các chức danh tư pháp phải được đào tạo, có kinh nghiệm, am hiểu tâm lý trẻ em… Đẩy mạnh công tác trợ giúp pháp lý, bảo vệ trẻ em trong quá trình giải quyết các vụ xâm hại trẻ em. Các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em hiện nay còn thiếu về số lượng, lại kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi, một bộ phận cán bộ còn hạn chế về chuyên môn, kinh nghiệm, nhất là ở cấp xã, kinh phí dành cho công tác này chưa đáp ứng yêu cầu. Các đại biểu Quốc hội phân tích sâu sắc các nguyên nhân của tình hình xâm hại trẻ em; đồng ý với các nguyên nhân của những kết quả, hạn chế được nêu trong báo cáo.

Các đại biểu Quốc hội cũng yêu cầu làm rõ hơn trách nhiệm của Nhà nước, gia đình, nhà trường và xã hội, các chủ thể trong công tác này, nhất là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức và cũng tán thành với 6 bài học kinh nghiệm được rút ra. Bổ sung và nhấn mạnh thêm trách nhiệm của Chính phủ trong công tác chỉ đạo, điều hành các bộ, ngành, địa phương trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em cũng như phòng, chống xâm hại trẻ em. Các đại biểu Quốc hội cũng phân tích sâu sắc và đề xuất thêm nhiều biện pháp cụ thể để hoàn thiện nghị quyết nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới.

Các ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã được ghi chép, ghi âm đầy đủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Đoàn giám sát phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ để báo cáo lại Quốc hội và hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội thông qua.

---------------
* Đầu đề do Báo Đại biểu Nhân dân đặt

Anh Phương lược ghi