Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông

Chưa bảo đảm đồng bộ các điều kiện

- Thứ Sáu, 24/07/2020, 08:07 - Chia sẻ
Thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, đến nay, Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và chương trình các môn học đã được ban hành; việc tổ chức biên soạn, thẩm định sách giáo khoa (SGK) lớp 1 cũng đã hoàn thành và đang triển khai với các lớp học tiếp theo. Tuy nhiên, việc chuẩn bị về đội ngũ nhà giáo và cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn.

Khó bảo đảm cơ sở vật chất và đội ngũ nhà giáo

Ngày 22.7, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, và Ngân hàng Thế giới, về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông. Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ, để triển khai thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông và các đề án có liên quan bảo đảm chuẩn bị đồng bộ các điều kiện về đội ngũ nhà giáo và cơ sở vật chất. Đồng thời, Bộ cũng ban hành theo thẩm quyền hệ thống các quy định, hướng dẫn thực hiện chương trình, SGK giáo dục phổ thông: Kế hoạch thực hiện đổi mới chương trình, SGK; ban hành các quy định, hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc ban hành chương trình, tổ chức thẩm định SGK, lựa chọn SGK; tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục… Đến nay, Bộ đã phê duyệt 5 bộ SGK lớp 1 sử dụng cho các cơ sở giáo dục phổ thông từ năm học 2020 - 2021. Đối với SGK lớp 2, lớp 6, các nhà xuất bản đang tiếp tục hoàn thiện bản thảo.

Để chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị dạy học thực hiện chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các địa phương đánh giá tình hình và rà soát thực trạng, nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất của từng địa phương; chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan, tham mưu Chính phủ cân đối, bố trí các nguồn vốn để hỗ trợ các địa phương có điều kiện khó khăn.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn. Chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục không đồng đều, đặc biệt là ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; còn khoảng cách lớn so với các vùng thuận lợi. Số lượng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục thừa - thiếu cục bộ; đồng thời còn thiếu so với quy định, đặc biệt là cấp tiểu học. Đội ngũ giáo viên chưa đồng bộ về cơ cấu, nhất là đối với cấp THCS và THPT, nhất là khi triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có một số môn học mới.

Số lượng trường phổ thông rất lớn, trải rộng khắp cả nước, ngân sách nhà nước đầu tư chung cho GD - ĐT còn hạn chế nên điều kiện bảo đảm về cơ sở vật chất tại các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông vẫn còn nhiều khó khăn. Nhu cầu kiên cố hóa trường lớp học cho các cấp học từ mầm non đến phổ thông giai đoạn sau 2020 còn khoảng 90.000 phòng. Đây là khó khăn rất lớn trong triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới của các địa phương.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Ngô Thị Minh phát biểu tại buổi làm việc  

Ảnh: Thảo Nguyên 

Nhu cầu đầu tư rất lớn

Theo đại diện Bộ Tài chính, những năm qua, Nhà nước đã quan tâm, ưu tiên phân bổ kinh phí cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo để nâng cao chất lượng dạy học nói chung và thực hiện nhiệm vụ đổi mới chương trình, SGK nói riêng. Theo đó, ngân sách nhà nước đã ưu tiên phân bổ kinh phí cho lĩnh vực giáo dục: Định mức chi thường xuyên phân bổ theo dân số giai đoạn 2017 - 2020 tăng so với giai đoạn 2011 - 2016 (vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc ở đồng bằng, vùng sâu; vùng cao - hải đảo lĩnh vực giáo dục tăng 1,78 - 1,82 lần)…

Quán triệt chủ trương đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cũng luôn ưu tiên cân đối để thực hiện các nhiệm vụ GD - ĐT. Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung, giai đoạn 2015 - 2020, vốn chi đầu tư phát triển từ ngân sách trung ương cho phát triển GD - ĐT đạt khoảng 34.802,9 tỷ đồng, trong đó đầu tư cho giáo dục phổ thông đạt 8.926,481 tỷ đồng, chiếm khoảng 25,6% tổng số vốn đầu tư từ ngân sách trung ương cho GD - ĐT. Về kiên cố hóa trường lớp học, giai đoạn 2015 - 2020, ngân sách nhà nước đã bố trí tổng số 7.354,823 tỷ đồng để thực hiện kiên cố khoảng 11.470 phòng học mầm non và tiểu học, góp phần giảm bớt khó khăn về thiếu phòng học tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và thực hiện tốt việc đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, hiện nay nhu cầu đầu tư để bảo đảm cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu đổi mới chương trình, SGK, đặc biệt là ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, còn rất lớn.

Từ báo cáo của các bộ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Nguyễn Thị Mai Hoa đặt câu hỏi: Nhiều năm qua, đánh giá về kiên cố hóa trường lớp là không đạt, vậy vướng mắc ở đâu? "Cần làm rõ số phòng học kiên cố đã có, mức độ sử dụng như thế nào. Bởi có một số địa phương sau khi sáp nhập, dồn dịch điểm trường, lại có phòng bỏ trống, gây lãng phí" - bà Nguyễn Thị Mai Hoa kiến nghị. Một số thành viên Đoàn giám sát cũng băn khoăn khi có nhiều trường có phòng học rộng, nhưng không có phòng học bộ môn… nên cần có sự tham gia của ngành giáo dục để đầu tư  hiệu quả.

Để triển khai chương trình, SGK mới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Quốc hội cho phép Chính phủ tiếp tục ưu tiên bố trí vốn đầu tư để hỗ trợ cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, trong đó ưu tiên tiếp tục thực hiện mục tiêu kiên cố hóa trường lớp học, xóa tình trạng phòng học tạm, phòng học xuống cấp. Bên cạnh đó, theo các quy định hiện hành, trách nhiệm quản lý nhà nước đối với giáo dục phổ thông thuộc thẩm quyền của các địa phương. Do đó, đối với chương trình, dự án do ngân sách trung ương hỗ trợ để tăng cường cơ sở vật chất các cơ sở giáo dục phổ thông, Bộ GD - ĐT cần giám sát các địa phương về việc sử dụng hiệu quả, đúng mục tiêu, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục…

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Viết Lượng quan tâm đến tình trạng thiếu giáo viên. Ông cho rằng, phải làm sao ở đâu có học sinh ở đó có giáo viên, khắc phục tình trạng 50 - 60 học sinh/lớp; đồng thời, cần rà soát, thống kê tình hình thừa - thiếu giáo viên ở từng địa phương, từng bộ môn, để có nhìn nhận, đánh giá cụ thể, kịp thời kiến nghị xác đáng với Chính phủ và Quốc hội.

Thảo Nguyên