Sổ tay:

Chưa đủ sức răn đe

- Thứ Năm, 23/07/2020, 06:12 - Chia sẻ
Liên quan đến việc xử lý vi phạm mua bán dâm, các chuyên gia luật cho rằng: Thực tiễn việc xử phạt vi phạm hành chính về mại dâm chưa có tính răn đe. Hầu hết hành vi mua bán dâm mới chỉ dừng lại ở việc phạt vi phạm hành chính.

Gần đây, liên tiếp các vụ việc, đường dây mua bán mại dâm quy mô lớn được cơ quan chức năng phát hiện, bóc gỡ. Điều đáng quan tâm hơn khi "chủ nhân" của những đường dây này lại chính là những MC, ca sĩ, hoa hậu, á hậu - những người có tiếng, nổi danh, có tầm ảnh hưởng trong xã hội. Một trong những vụ điển hình được cơ quan chức năng phát hiện, bóc gỡ mới đây nhất phải được kể đến đó là vụ Lục Triều Vỹ (27 tuổi) - nghi can điều hành đường dây môi giới mại dâm hàng chục nghìn USD đang được cơ quan chức năng hoàn tất thủ tục hồ sơ.

Điểm chung của các đường dây mua bán dâm “khủng” do các đối tượng trên cầm đầu phần lớn là lợi dụng danh tiếng, sử dụng trang Facebook cá nhân (với lượng người theo dõi lớn) đăng tải hình ảnh nóng bỏng của mình và các “đào” nhằm tìm kiếm khách hàng; mục tiêu hướng đến các nam doanh nhân thành đạt, có thu nhập cao. Đối với vụ việc Lục Triều Vỹ, trong quá trình khám xét trong căn hộ của nghi can này tại quận 4, TP Hồ Chí Minh, Cục Cảnh sát hình sự tìm thấy tin nhắn nhận tiền gần 500 triệu "phí môi giới", sổ tiết kiệm khoảng 1 tỷ đồng và nhiều bằng chứng là những tin nhắn, đoạn chat liên quan đến việc điều hành, định giá của ông trùm môi giới mại dâm này. Trong đường dây liên kết của Vỹ, nhiều người đẹp còn có các danh hiệu được định giá theo cấp độ 1.000 - 5.000 USD, cao hơn là 15.000 - 30.000USD; có những trường hợp đi tour hoặc theo yêu cầu, khách phải trả lên đến 50.000USD/lần...

Liên quan đến vấn đề này, pháp luật Việt Nam nghiêm cấm các cá nhân thực hiện hành vi mua dâm, bán dâm dưới mọi hình thức. Cụ thể, Điều 22 Nghị định số 167/2013/ NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội, thì tùy thuộc vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi mua dâm, bán dâm mà cá nhân có thể bị xử lý hành chính; Điều 239, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định mua dâm với người dưới 18 tuổi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự...

Tuy nhiên, bình luận về vấn đề xử lý vi phạm mua bán dâm, các chuyên gia luật cho rằng: Thực tiễn việc xử phạt vi phạm hành chính về mại dâm chưa thật sự có tính răn đe. Hầu hết hành vi mua bán dâm chỉ dừng lại ở việc phạt vi phạm hành chính. Nhiều vụ việc mua bán dâm "khủng", người mua dâm phải trả lên đến 30.000USD, trong khi theo quy định hiện hành, mức xử phạt trường hợp bị phát hiện lại quá thấp, chỉ từ 500.000 đồng đến 10.000.000 đồng với người có hành vi mua dâm và từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng với người có hành vi bán dâm (Điều 22, Nghị định 167/2013/ NĐ-CP)...; các trường hợp mua bán dâm bị xử lý trách nhiệm hình sự rất ít, gần như chỉ đếm trên đầu ngón tay bởi đối tượng quy định hẹp. Pháp luật hình sự quy định, chỉ truy cứu trách nhiệm đối với trường hợp mua dâm dưới 18 tuổi và với trường hợp đã biết mình bị nhiễm HIV mà cố ý lây truyền bệnh cho người khác... Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng mua bán dâm vẫn xảy ra phổ biến.

Từ thực tế này, để góp phần đẩy lùi tệ nạn này, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, giúp người dân hiểu việc tham gia vào hoạt động mại dâm là vi phạm pháp luật, các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm hoạt động giao dịch, mua bán dâm qua mạng. Đồng thời, nghiên cứu, bổ sung quyền xử phạt cho Đội kiểm tra liên ngành về phòng, chống tệ nạn mại dâm (Đội liên ngành 178) đối với loại tội phạm này. Hiện nay, Đội liên ngành 178 chỉ có quyền kiểm tra, lập biên bản khi phát hiện hành vi vi phạm, sau đó gửi kiến nghị xử lý đến các cơ quan có thẩm quyền... dẫn đến có trường hợp xử lý chưa kịp thời, ảnh hưởng đến hiệu quả phòng, chống tệ nạn mại dâm.

Hải Thanh