Thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em

Chưa rõ cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin

- Thứ Tư, 04/09/2019, 09:00 - Chia sẻ
Phòng, chống xâm hại trẻ em liên quan đến nhiều chủ thể, rất cần sự phối hợp chặt chẽ của nhiều cơ quan. Tuy nhiên, qua thực tiễn triển khai công tác này cũng như giải quyết các vụ xâm hại trẻ em tại Nghệ An cho thấy, dường như công tác phối hợp chặt chẽ mới thể hiện rõ ở các cơ quan tiến hành tố tụng, chưa có cơ chế phối hợp và chia sẻ thông tin giữa các sở, ngành địa phương. Đây là thực tế được chỉ ra khi Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với UBND tỉnh Nghệ An về thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em vừa qua.

Mới quan tâm đến công tác chống?

Thời gian qua, mặc dù các ngành, các cấp, địa phương ở Nghệ An quan tâm đến công tác phòng, chống xâm hại trẻ em nhưng tình hình tội phạm liên quan đến trẻ em vẫn còn diễn biến phức tạp, trong đó có hiếp dâm trẻ em, giao cấu với trẻ em, mua bán trẻ em. Phương thức, thủ đoạn xâm hại rất đa dạng, chủ yếu các đối tượng lợi dụng mối quan hệ với trẻ em hoặc người thân của trẻ để tìm cách tiếp cận và thực hiện hành vi xâm hại đối với trẻ, nhất là các vụ xâm hại tình dục và mua bán trẻ em. Đặc biệt, những năm gần đây, phát hiện thủ đoạn phạm tội mới, đó là các đối tượng tìm đến các gia đình có phụ nữ mang thai sắp sinh (thường mang thai từ 6 - 8 tháng) ở các vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số để dụ dỗ, đưa sang Trung Quốc sinh con rồi bán con lại cho người bên Trung Quốc mỗi trường hợp với giá từ 80 - 140 triệu đồng. Trong đó, qua rà soát ở địa bàn huyện Kỳ Sơn tính đến tháng 10.2018, lực lượng công an đã xác minh làm rõ 6 trường hợp khai nhận sau khi sinh con đã bán lại cho người người bên Trung Quốc.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Pha phát biểu tại buổi làm việc Ảnh: Hà An

 Bên cạnh những kết quả đạt được, việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Tình trạng trẻ em bị xâm hại, nhất là bạo lực học đường, bạo lực gia đình, xâm hại tình dục đang diễn ra ngày càng nhiều, tính chất phức tạp, nghiêm trọng, để lại hậu quả vô cùng nặng nề cho các em nhỏ là nạn nhân. Trong đó, có nhiều vụ việc rất đau lòng, gây bức xúc, lo lắng trong dư luận xã hội. Đối tượng xâm hại có cả những người ruột thịt như: ông, bà, bố, mẹ, cả những người có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ, day dỗ các em như: thầy giáo, cô giáo, nhân viên y tế...

Tính từ ngày 1.1.2015 đến ngày 30.6.2019, trên toàn địa bàn Nghệ An có 113 trẻ em bị xâm hại, trong đó, trẻ em bị xâm hại tình dục có tới 82 trường hợp. Các hành vi xâm hại trẻ em để lại hậu quả nghiêm trọng, nhất là hành vi xâm hại xâm hại tình dục trẻ em. Về mặt thể chất, trẻ em bị xâm hại có thể bị mắc một số bệnh lây lan qua đường tình dục. Về tâm lý, trẻ em bị xâm hại sẽ cảm thấy tội lỗi, sợ hãi, nếu không được điều trị tâm lý kịp thời sau khi bị xâm hại thì rất dễ bị ám ảnh lâu dài, có thể bị trầm cảm, rối loạn tâm thần. Với trẻ em nữ bị xâm hại tình dục có thể dẫn đến mang thai ngoài ý muốn gây nguy hiểm cho bản thân và thai nhi. Các em nam bị xâm hại tình dục sẽ không phát triển tự nhiên về mặt sinh lý, có nguy cơ bị lệch lạc về tình dục…

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Thanh Vân, thành viên Đoàn giám sát cho rằng, qua báo cáo tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em của Nghệ An cho thấy, dường như chúng ta đang thiên về bạo lực thân thể, trong đó có xâm hại tình dục. Trong khi đó, xâm hại về tinh thần từ cha mẹ, người lớn ở trường, ở lớp và ngoài xã hội lại chưa được quan tâm. Cũng theo ông Vân, không gian vui chơi ở khu đô thị, nơi cư trú của trẻ em là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến sự “o bế” về tâm lý lại không được nhìn nhận. Liệu đây có phải là tình trạng phải quan tâm không? Hay khi nổi lên vi phạm pháp luật, chúng ta thiên về giải pháp chống, trừng trị mà không chú ý đến phòng ngừa, trong khi phòng ngừa mới quan trọng, mới tạo nên nền tảng chung để ngăn chặn từ “trứng nước” các vi phạm pháp luật, ông Vân nhấn mạnh.

Mình ngành công an không thể làm được

Trong thời gian qua, Công an tỉnh Nghệ An đã thực hiện tốt công tác phối hợp với các cơ quan tư pháp, chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức giải cứu các nạn nhân trong các vụ mua bán trẻ em và các cơ quan, tổ chức giải cứu các nạn nhân trong vụ mua bán trẻ em. Trong 5 năm qua, lực lượng công an đã phối hợp với các tổ chức quốc tế (Rồng Xanh) giải cứu thành công và tổ chức tiếp nhận, bàn giao 16 trẻ là nạn nhân bị mua bán, xâm hại cho gia đình.

Tuy nhiên, báo cáo của UBND tỉnh Nghệ An cũng thẳng thắn chỉ rõ, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc trong công tác phối hợp về phòng, chống xâm hại trẻ em. Đó là, chưa có cơ chế phối hợp hoạt động và chia sẻ thông tin giữa các sở, ngành, địa phương trong công tác phòng, chống và giải quyết các vụ việc xâm hại trẻ em khi đang trong quá trình giải quyết vụ việc. Ngoài ra, chưa có cơ chế phối hợp hoạt động giữa các cơ quan y tế, giáo dục, tư pháp với các cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em để kịp thời phát hiện và xử lý hoặc hỗ trợ, bảo vệ trẻ em là nạn nhân, nhân chứng trước, trong và sau quá trình tố tụng.

Đánh giá về sự phối hợp giữa các cơ quan trong phòng, chống xâm hại trẻ em, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Pha cho biết, có hai tổ chức rất quan trọng, đó là Hội Liên hiệp Phụ nữ và Đoàn Thanh niên, trong Luật Trẻ em quy định rất rõ nhiệm vụ. Vậy trong 5 năm qua, các cơ quan này đã trực tiếp tham gia vụ nào chưa, cơ quan chức năng có “tôn trọng” kiến nghị và xử lý của các cơ quan trong việc bảo vệ trẻ em bị xâm hại không? Qua báo cáo cho thấy, trách nhiệm vẫn “chung chung quá”. Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, thì mỗi cơ quan tổ chức đều phải thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, Phó Chủ nhiệm Nguyễn Văn Pha lưu ý.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát của QH, cho rằng, đây là vấn đề rất đáng lưu ý. Bởi, hiện có “tầng tầng, lớp lớp các cơ quan có chức năng giám sát, có 17 đầu mối có chức năng bảo vệ trẻ em nhưng giờ coi như nhiệm vụ đó là của cơ quan công an, của ngành tư pháp”. Vậy từ thanh tra, kiểm tra phát hiện vụ xâm hại nào không? Hoạt động của Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ có phát hiện ra vụ xâm hại trẻ em nào không? Trách nhiệm phòng, chống xâm hại trẻ em là của cả hệ thống chính trị, nhưng Chủ nhiệm Lê Thị Nga cho rằng, trách nhiệm của cơ quan nào, ngành nào, trong đó có cơ quan nào chủ trì, cơ quan nào phối hợp, Luật Trẻ em đã quy định rõ. Để thực hiện tốt pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, các cơ quan đều phải thực thi nhiệm vụ đúng theo quy định của Luật, Chủ nhiệm Lê Thị Nga đề nghị.

Phòng, chống xâm hại trẻ em liên quan đến nhiều chủ thể, nhiều cơ quan, do đó cần có sự phối hợp chặt chẽ. Nói như Phó Chủ nhiệm Nguyễn Văn Pha, nếu các cơ quan không sát cánh, không làm hết trách nhiệm của mình, thì một mình ngành công an không thể làm tốt được công tác này.

Hà An