Chung tay vì thực phẩm sạch

- Thứ Bảy, 17/08/2019, 07:48 - Chia sẻ
Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng cho biết, Bộ Công thương là một trong 3 đơn vị được Chính phủ giao triển khai quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP). Thời gian qua, Bộ đã quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nhiệm vụ quản lý nhà nước để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm khẳng định thương hiệu; góp phần xây dựng, phát triển thị trường thực phẩm an toàn.

Chú trọng thanh tra, kiểm soát thị trường

Nhận định về việc thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, kiểm soát thị trường về ATTP trong tình hình mới, đại diện Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương Phạm Thị Vĩnh Hà cho hay, những năm qua, đây là nhiệm vụ được quan tâm đặc biệt. Đơn cử như trong 5 tháng đầu năm nay, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 3.256 vụ, xử lý 2.103 vụ việc vi phạm về ATTP, xử phạt vi phạm hành chính hơn 6,1 tỷ đồng, trị giá tang vật thu giữ hơn 9,6 tỷ đồng. Những hành vi vi phạm chủ yếu là về điều kiện ATTP, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm bị bệnh hoặc không rõ nguồn gốc…

Những nơi thường xảy ra các vụ vi phạm lớn chủ yếu tập trung ở địa bàn thành phố và vùng phụ cận nơi đông dân cư và nhu cầu về thực phẩm lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh; các cửa khẩu nơi tập trung hoạt động xuất nhập khẩu hàng thực phẩm đông lạnh như Móng Cái, Lạng Sơn, Lào Cai; các cảng biển, cảng sông như Hải Phòng, Cát Lái...

Để bảo đảm cho công tác ATTP, đại diện Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, sẽ theo dõi sát diễn biến của thị trường, phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm việc vận chuyển, kinh doanh thực phẩm giả, không rõ nguồn gốc đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm, tập trung vào một số mặt hàng như rượu, hương liệu, chất phụ gia, chất hỗ trợ chế biến; ngăn chặn gia cầm, thịt gia súc gia cầm và phụ phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc. Bên cạnh đó, cũng tăng cường công tác hướng dẫn, tuyên truyền pháp luật cho tổ chức, cá nhân kinh doanh về tác hại của việc kinh doanh và sử dụng thực phẩm không bảo đảm ATTP.


Hướng tới hoàn thiện hệ thống thông tin ATTP quốc gia
Nguồn: ITN

Cần sự vào cuộc của doanh nghiệp

Nhiều chuyên gia cho rằng, cùng với việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát, cần có những giải pháp khuyến khích doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thực phẩm áp dụng phương thức quản lý tiên tiến, bảo đảm ATTP trong kinh doanh như ISO, HACCP hay tiêu chuẩn Việt Nam về chợ thực phẩm.

Đại diện Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng cho rằng, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm cần nâng cao tính tự chủ trong sản xuất, kinh doanh, chịu trách nhiệm về hoạt động sản xuất, kinh doanh của chính doanh nghiệp mình, đồng thời cũng phải thực hiện các hoạt động truyền thông, xây dựng thương hiệu nhằm khẳng định uy tín của sản phẩm và phát triển thị trường một cách bền vững.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp về công nghệ thông tin cũng cần phối hợp với các cơ quan chuyên môn xây dựng Hệ thống thông tin ATTP quốc gia. Bởi trên thực tế, nhiều thông tin cần thiết phục vụ công tác quản lý ATTP từ Trung ương đến địa phương như số liệu thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; các sản phẩm thực phẩm đăng ký công bố, tự công bố; các cơ sở đủ điều kiện ATTP… được thu thập, xử lý báo cáo chủ yếu dựa trên hệ thống báo cáo hành chính. Do đó, việc xử lý dữ liệu về ATTP kéo dài, chưa cập nhật kịp thời và thiếu sự thống nhất; các kênh thông tin rời rạc, thiếu tin cậy, chưa có kênh tương tác, phản hồi cảnh báo, tương tác hai chiều từ cơ quan quản lý và doanh nghiệp.

Các chuyên gia cho rằng, người tiêu dùng cần biết được những thông tin về sản phẩm và doanh nghiệp; địa điểm mua sắm và thông tin ATTP để tin tưởng sử dụng. Người tiêu dùng cũng có nhu cầu phản ánh về những tình huống mất vệ sinh ATTP, họ cần có sự tương tác 2 chiều với cơ quan quản lý và doanh nghiệp để giảm thiểu tình trạng thực phẩm bẩn. Mặt khác, về phía doanh nghiệp, mỗi cơ sở đều có nhu cầu công bố thông tin, chứng chỉ vệ sinh ATTP mà sản phẩm đã đạt được, tiếp cận tốt nhất với người tiêu dùng để có được sự tin tưởng. Ngoài ra, cả người tiêu dùng và doanh nghiệp đều mong muốn tiếp cận được những kiến thức, thông tin về ATTP kịp thời của các cơ quan quản lý nhà nước, cũng như việc hướng dẫn làm thế nào để lựa chọn, chế biến thực phẩm an toàn.

Từ những yêu cầu thực tế, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng và hoàn thiện Hệ thống thông tin ATTP quốc gia. Theo lộ trình, sau khi báo cáo Phó Thủ tướng chi tiết về chức năng hoạt động, hệ thống có thể chính thức đưa vào hoạt động cuối năm 2019 - đầu năm 2020, với mục tiêu từng bước nâng cao năng lực quản lý của cơ quan nhà nước, từng bước giúp doanh nghiệp và người tiêu dùng cải thiện chất lượng vệ sinh ATTP.

Minh Nhật