Trung Quốc siết chặt nhập khẩu nông sản:

Chuyển hướng sang chính ngạch

- Chủ Nhật, 12/05/2019, 08:20 - Chia sẻ
Thời gian qua, Trung Quốc thực hiện một số giải pháp nhằm siết chặt nhập khẩu nông sản như nâng cao tiêu chuẩn nông sản nhập khẩu, đóng cửa nhiều cửa khẩu tiểu ngạch… TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia kinh tế, cho rằng đây là giai đoạn khó khăn với ngành nông nghiệp nước ta, bởi giới tiểu thương, doanh nghiệp đã quá quen với việc đưa nông sản vào Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. “Họ cần thời gian để làm quen và chuyển hướng sang xuất khẩu chính ngạch”, ông nói.

“Nhiều người có tâm lý ỷ lại”

- Theo số liệu của Bộ Công thương, hiện nay khoảng 70% nông sản nước ta vào thị trường Trung Quốc qua con đường tiểu ngạch nên thừa rủi ro, thiếu bền vững. Theo ông, vì sao có tình trạng như vậy?

- Nguyên nhân thì có nhiều. Trước hết, chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận đến nay rất nhiều người vẫn còn tâm lý cho rằng, Trung Quốc là thị trường “dễ tính”. Đây cũng là lý do khiến nhiều người có tâm lý ỷ lại, chậm chuyển đổi, dẫn tới xuất khẩu chính ngạch của Việt Nam vào Trung Quốc chưa thực sự khởi sắc. Thực tế, ngoài các nông hộ, tiểu thương, doanh nghiệp sản xuất nông sản, thì thậm chí chính quyền một số địa phương vẫn khá mơ hồ trong việc sản xuất nông sản chất lượng cao theo hướng xuất khẩu. Họ chưa có sự chuẩn bị kỹ càng trong việc đăng ký và gắn nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc và xây dựng thương hiệu cho nông sản xuất khẩu chính ngạch.

Bên cạnh đó, dù Chính phủ và các bộ ngành đã có nhiều chương trình hỗ trợ, thúc đẩy nông nghiệp phát triển, nhưng kế hoạch cụ thể, hiệu quả chưa nhiều... Việc sản xuất, chế biến và phân phối nông sản của Việt Nam phần lớn còn mang tính thủ công, vẫn theo canh tác của nền nông nghiệp cổ truyền, hàm lượng ứng dụng khoa học công nghệ ít.

Một nguyên nhân khác là trước kia Việt Nam không có nhiều thương hiệu có tên tuổi, kênh phân phối lớn hay thương hiệu quốc gia cho nông sản. Phần lớn các mặt hàng nông sản Việt Nam phải xuất khẩu theo đường tiểu ngạch và thường có giá thành thấp hơn so với những mặt hàng cùng loại của các nước. Do đó, năng lực cạnh tranh, giá thành, thị trường của nông sản Việt cũng bấp bênh. Đây là một điều thiệt thòi cho nông nghiệp Việt...

- Thời gian qua, Trung Quốc thực hiện một số giải pháp để “siết chặt” nhập khẩu nông sản, ví dụ nâng cao tiêu chuẩn nông sản nhập khẩu, đóng cửa nhiều cửa khẩu tiểu ngạch… Ông đánh giá như thế nào về động thái này?

- Thời gian gần đây, Trung Quốc siết chặt kiểm soát chất lượng, tăng các điều kiện nhập khẩu nông sản Việt nhằm hạn chế nhập khẩu nông sản từ Việt Nam qua đường tiểu ngạch. Việc các nước đòi hỏi nhập khẩu nông sản theo hướng chính ngạch là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn phát triển. Đây là giai đoạn khó khăn, thách thức lớn với ngành nông nghiệp Việt Nam, bởi giới tiểu thương, doanh nghiệp Việt xưa nay đã quá quen với việc đưa nông sản vào Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Họ cần thời gian để làm quen và chuyển đổi theo hướng xuất khẩu chính ngạch.

Tuy nhiên, đó chỉ là khó khăn trước mắt, về lâu dài việc này sẽ mở ra cơ hội mới cho xuất khẩu nông sản sang thị trường lớn này. Mặt khác, cũng có thể coi đây là nhân tố kích thích ngành nông nghiệp nước ta phát triển quy mô, chuyên nghiệp hơn, kiểm soát chất lượng tốt hơn, tạo tiền đề để tăng lượng nông sản xuất khẩu theo đường chính ngạch, cho giá trị cao hơn. Các nông hộ, tiểu thương, doanh nghiệp nhỏ lẻ sẽ kết hợp với nhau nhằm tạo ra hệ sinh thái đủ lớn và ổn định cho nông nghiệp Việt phát triển. Nhìn rộng ra, xuất khẩu chính ngạch giúp tăng cường tính chuyên nghiệp cho nông dân, tiểu thương, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành sản xuất, chế biến, phân phối nông sản... làm quen và bắt nhịp kịp với xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu.

Chất lượng là chìa khóa

- Việt Nam cần làm gì để ngành nông nghiệp tránh “tụt đà” do các nước thắt chặt nhập khẩu nông sản theo đường tiểu ngạch?

- Chất lượng là yếu tố chinh phục và “giữ chân” khách hàng. Vì thế trước hết, Chính phủ phải nỗ lực hơn trong việc giúp các nông hộ, doanh nghiệp mở rộng quy mô, cải tiến quy trình, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất, chế biến, bảo quản tươi cho nông sản nhằm tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao. Đây là vấn đề rất khó, bởi nông dân Việt Nam đã quá quen với việc sản xuất, chế biến và phân phối theo quy mô nhỏ và thiếu quy chuẩn.

Để thực hiện tốt việc này, Nhà nước cần tập trung thực hiện chức năng cốt lõi là quản lý, có các nhóm giải pháp duy trì sự ổn định. Để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững cho nông nghiệp, Nhà nước đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại tăng khả năng kết nối, lưu thông hàng hóa, kiến tạo khung pháp lý thông thoáng để nhân dân, doanh nghiệp phát huy hết nội lực. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho thương mại, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu, phân phối hàng hóa...

Bên cạnh đó, các địa phương, doanh nghiệp cũng cần làm tốt hơn việc quản lý quy trình sản xuất, quản lý về bao bì để đáp ứng yêu cầu của thị trường ngày càng khắt khe về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm… Mặt khác, để tăng năng lực cạnh tranh, tạo vị thế thị trường, Chính phủ cũng cần tập trung nguồn lực xây dựng thương hiệu quốc gia về nông sản. Tăng cường các danh mục loại nông sản được nhập chính ngạch vào các nước.

- Về phía người dân và doanh nghiệp họ cần làm gì để “bắt nhịp” được với xu thế xuất khẩu nông sản chính ngạch, thưa ông?

- Để tránh thất bại, cần có cả sự nỗ lực tự thân của các nông hộ cũng như doanh nghiệp. Nhà nước không thể chịu trách nhiệm cho việc ỷ lại và thiếu năng lực của các doanh nghiệp. Do đó, ngoài sự định hướng, ưu đãi của Chính phủ, họ cũng phải tự học hỏi để nắm bắt thị trường, nâng cao trình độ kiến thức, khả năng quản trị... từ các nước phát triển để có thể đáp ứng xu thế hội nhập kinh tế thế giới. Để các doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản Việt trụ vững phát triển và chinh phục thị trường, họ cần phải có kiến thức, thông tin và năng lực thực sự. Dĩ nhiên, để làm được điều này cần có thời gian.

- Xin cảm ơn ông!

Đức Hiệp thực hiện