Tiếp tục quan tâm, động viên những người hoạt động không chuyên trách

- Thứ Hai, 22/04/2024, 07:44 - Chia sẻ

Một nội dung quan trọng khác tại kỳ họp cũng được các đại biểu, cử tri và Nhân dân trên địa bàn hết sức quan tâm, dành nhiều kỳ vọng chính là việc HĐND tỉnh đã thống nhất thông qua nghị quyết quy định các chính sách thể hiện sự quan tâm, động viên kịp thời đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã, thôn, bản, khu phố phát huy vai trò, tăng cường hoạt động có hiệu quả.

Theo đánh giá của Thường trực HĐND tỉnh, căn cứ Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10.6.2023 của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố và qua gần 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 207/2019/NQ-HĐND ngày 30.7.2019 của HĐND tỉnh quy định về số lượng, chức danh, một số chế độ chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, bản, khu phố bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, mức khoán quỹ phụ cấp, mức phụ cấp, mức hỗ trợ còn tương đối thấp nên chưa khuyến khích được người có năng lực, trình độ tham gia, gắn bó; mức khoán kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội và thôn, bản, khu phố còn thấp, ít nhiều khó khăn trong tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ…

Do đó, việc ban hành nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 207/2019/NQ-HĐND sẽ tạo cơ sở pháp lý để thực hiện các quy định về người hoạt động không chuyên trách; sửa đổi, thay thế một số nội dung không còn phù hợp với quy định của Nghị định số 33/2023/NĐ-CP (thay thế Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24.4.2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố). Đặc biệt, là phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Nhất là trong bối cảnh, Quảng Ninh là địa phương có mức tăng trưởng kinh tế cao, tốc độ đô thị hóa nhanh, quy mô số hộ gia đình tại các thôn, bản, khu phố ngày càng tăng, phát sinh nhiều vấn đề cần quản lý, quản trị tại khu dân cư…

Trên cơ sở tờ trình của UBND tỉnh, HĐND tỉnh đã thông qua nghị quyết; trong đó, quy định 15 chức danh không chuyên trách cấp xã; quy định mức phụ cấp hàng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã bằng 1,5 lần mức lương cơ sở/người (đối với Trưởng ban Bảo vệ dân phố bằng 1; Phó Trưởng ban Bảo vệ dân phố bằng 0,9 lần mức lương cơ sở/người). Đối với các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã theo phân loại đơn vị hành chính cấp xã, kinh phí hoạt động được khoán tương ứng với mức 155 triệu đồng, 145 triệu đồng, 125 triệu đồng/năm và mức 200 triệu đồng đối với đơn vị hành chính cấp xã có quy mô dân số gấp 4 lần tiêu chuẩn của đơn vị hành chính đô thị cùng cấp có quy mô dân số cao nhất quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội… Mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản, khu phố từ 1,5 - 2 lần mức lương cơ sở. Quy định từ 8 -10 trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, bản, khu phố với mức hỗ trợ hàng tháng bằng 0,7 hoặc 0,3 lần mức lương cơ sở/người.

Đánh giá của các đại biểu tham dự kỳ họp cho thấy, nghị quyết được thông qua, ngoài việc cụ thể hóa quy định của Nghị định số 33/2023/NĐ-CP còn thể hiện rõ nét sự quan tâm, động viên kịp thời của tỉnh đối với những người hoạt động không chuyên trách; tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã, thôn, bản, khu phố phát huy vai trò, tăng cường hoạt động có hiệu quả. Trong đó, quy định chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách đã quan tâm đến các đơn vị hành chính cấp xã, thôn, bản, khu phố thuộc khu vực miền núi, biên giới, hải đảo. Đồng thời, có chính sách đối với người có trình độ chuyên môn nhằm tạo nguồn kế cận, bổ sung cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, góp phần xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở; nâng cao trách nhiệm, chất lượng hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã và thôn, bản, khu phố.

P. Nam
#