Góp ý sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức chính quyền địa phương

Chuyên trách không cần đông nhưng phải đủ điều kiện

- Thứ Năm, 30/05/2019, 07:55 - Chia sẻ
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang BÙI VĂN HẠNH tâm tư: Vì sao trong quy định của pháp luật đặt cơ quan quyền lực có vị trí rất quan trọng nhưng bộ máy cơ bản lại hoạt động kiêm nhiệm. Trong khi xác định trách nhiệm rất cao và quyền lực rất lớn của người đứng đầu, bộ máy chuyên trách không cần đông, không cần nhiều nhưng cơ cấu tổ chức phải đủ điều kiện để bộ máy đó thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của mình.

Phải bảo đảm tính thực quyền của HĐND

 - Thưa ông, HĐND là một thiết chế quan trọng bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân địa phương. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương - một đạo Luật có tác động quan trọng đến tổ chức và hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương không được làm suy giảm vai trò, vị thế của HĐND. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương với 2 chức năng chính là giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng trên địa bàn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy giữa quy định và tổ chức thực hiện còn có sự cách biệt lớn, nói cách khác tính quyền lực của HĐND chưa được bảo đảm, nhất là HĐND cấp huyện, xã - nơi gần dân và tiếp xúc với đời sống thường ngày của người dân lại hoạt động khá hình thức. Do đó, theo tôi, dù sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương theo hướng nào đi chăng nữa phải bảo đảm tính thực quyền của HĐND.


Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang giám sát công tác đo đạc bản đồ địa chính gắn với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Sở Tài nguyên và Môi trường
Ảnh: Bách Hợp

 Bộ máy tham mưu, giúp việc HĐND hiện cũng có nhiều mâu thuẫn giữa nói và làm trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước về nâng cao vị trí, vai trò của HĐND. Mô hình các cơ quan tham mưu, giúp việc của HĐND từ tỉnh đến xã chưa thực sự tương xứng là bộ máy tham mưu, giúp việc cho cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Ở cấp tỉnh, hiện nay chỉ có duy nhất Văn phòng HĐND tỉnh là cơ quan tham mưu, giúp việc cho HĐND tỉnh (khác với UBND tỉnh ngoài Văn phòng UBND còn có các sở, ban, ngành). Trong khi đó, Nghị định 48 lại xây dựng Văn phòng HĐND tỉnh với một bộ máy nhỏ bé, cơ chế hoạt động không rõ ràng. Hơn nữa, việc thí điểm sáp nhập 3 văn phòng (Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND tỉnh) hiện nay cần tiếp tục xem xét kỹ hơn, vì nếu bộ máy như vậy chỉ làm nhiệm vụ giúp việc phù hợp, còn nhiệm vụ tham mưu sẽ hoàn toàn không hợp lý và càng làm cho tính hình thức của HĐND tăng thêm.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang BÙI VĂN HẠNH

Hơn nửa nhiệm kỳ thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương cho thấy, HĐND hoạt động còn hình thức, một trong những nguyên nhân căn bản do những quy định về tổ chức bộ máy của HĐND chưa thực sự hoàn chỉnh. Điều đó dẫn đến việc không đồng bộ trong bố trí, tổ chức bộ máy của HĐND trong cả nước, từ Thường trực đến các Ban của HĐND. Thực tế, có tỉnh bố trí Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban HĐND hoạt động chuyên trách, có tỉnh thì bố trí Chủ tịch, Trưởng các Ban HĐND tỉnh hoạt động kiêm nhiệm; có tỉnh 1 Phó Trưởng ban chuyên trách, có tỉnh 2 Phó Trưởng ban chuyên trách.

Luật cũng không quy định rõ ràng và thống nhất về số lượng thành viên các Ban, dẫn tới mỗi địa phương áp dụng một cách khác nhau. Đặc biệt, không quy định rõ Trưởng ban phải nằm trong cấp ủy, nên có địa phương Trưởng ban hoạt động kiêm nhiệm, thường là Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng các Ban của Đảng; có địa phương, Trưởng ban chuyên trách thì đa số không phải là Tỉnh ủy viên. Nếu Trưởng ban hoạt động kiêm nhiệm nằm trong cấp ủy thì vị thế của Trưởng ban sẽ cao hơn do vị trí lãnh đạo, song sẽ ít có điều kiện và thời gian dành cho hoạt động của Ban, trong khi, Trưởng ban lại là Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh, đòi hỏi công việc phải thường xuyên và sát sao hơn. Ngược lại, Trưởng các Ban hoạt động chuyên trách sẽ chủ động hơn trong các hoạt động, song với “vị thế” không ở trong cấp ủy đã phần nào làm giảm hiệu quả trong quá trình hoạt động. 

Vì vậy, cần đánh giá sâu hơn tổ chức bộ máy để có đủ số lượng, đủ thẩm quyền, đủ chức danh cho bộ máy chuyên trách của HĐND. Nếu tiếp tục như hiện nay chắc chắn chúng ta sẽ tiếp tục duy trì bộ máy HĐND không đủ mạnh, rồi lại mãi quanh quẩn khắc phục tính hình thức.

Bên cạnh đó, thành phần đại biểu HĐND các cấp vẫn còn nặng về tính cơ cấu, chưa quan tâm nhiều đến chất lượng đại biểu; hơn nữa các đại biểu hoạt động đa phần kiêm nhiệm. Như vậy, hoạt động sẽ không chuyên sâu, người thực làm về việc dân cử ít dẫn đến việc biểu quyết quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương còn mang nặng tính hình thức.

Quy định thống nhất về tổ chức bộ máy

- Đặt trước yêu cầu trên, ông suy nghĩ như thế nào về đề xuất giảm số lượng đại biểu chuyên trách của HĐND, cụ thể là giảm 1 Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, huyện và 1 Phó Trưởng ban HĐND chuyên trách cấp tỉnh trong Dự luật?

- Như đã phân tích ở trên, để HĐND hoạt động thực quyền, hiệu quả thì phải khắc phục được những tồn tại, bất cập về tổ chức và phương thức hoạt động của bộ máy. Vấn đề ở đây không phải là giảm bao nhiêu chức danh của HĐND mà cần quy định thống nhất về tổ chức bộ máy trong cả nước (đối với  tỉnh, thành phố cần cơ chế đặc thù cũng cần quy định cụ thể và thống nhất). Theo đó, Thường trực HĐND nên quy định Chủ tịch hoạt động chuyên trách (kiêm nhiệm Phó Bí thư cấp ủy - giống với chế định Chủ tịch UBND tỉnh); 1 đồng chí Phó Chủ tịch chuyên trách (là Ủy viên Ban Thường vụ hoặc cấp ủy viên); các Trưởng ban hoạt động chuyên trách (là cấp ủy viên). Đối với các Ban của HĐND, nên quy định 1 Phó Trưởng ban hoạt động chuyên trách và thống nhất về số lượng thành viên Ban.

Trong chủ trương chung, chúng ta đã dần từng bước chấm dứt kiêm nhiệm của cả bộ máy trong hệ thống chính trị. Vấn đề đặt ra là vì sao trong quy định của pháp luật đặt cơ quan quyền lực có vị trí rất quan trọng nhưng bộ máy cơ bản lại hoạt động kiêm nhiệm. Trong khi đó, chúng ta lại xác định trách nhiệm rất cao và quyền lực rất lớn của người đứng đầu, vì vậy bộ máy chuyên trách không cần đông, không cần nhiều nhưng cơ cấu tổ chức phải đủ điều kiện thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của mình.

-  Tinh giản nhưng phải bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động, ông nghĩ sao nếu hướng vào giảm đại biểu kiêm nhiệm, nhất là đại biểu đang công tác tại các cơ quan quản lý nhà nước để bảo đảm cả 2 yêu cầu trên?

- Thực tế, HĐND các cấp hiện nay đang quan tâm nhiều đến cơ cấu đại biểu, chưa chú trọng đến tính hợp lý và chất lượng đại biểu, trong đó có tỷ lệ đại biểu hoạt động kiêm nhiệm so với chuyên trách, đại biểu công tác ở các cơ quan quản lý nhà nước so với các cơ quan, đơn vị, tổ chức khác. Luật quy định các đại biểu kiêm nhiệm ít nhất phải dành 1/3 thời gian cho hoạt động đại biểu, tuy nhiên thực tế cho thấy việc đó chưa bao giờ thực hiện được, các đại biểu kiêm nhiệm dành thời gian cho hoạt động dân cử còn hạn chế. Số lượng như tôi nói ở phần trên không làm tăng đại biểu chuyên trách, thậm chí còn giảm nhưng chắc chắn hoạt động của HĐND sẽ hiệu lực, hiệu quả hơn nhiều.

Đối với đại biểu công tác ở các cơ quan quản lý nhà nước, cần xác định rõ cơ cấu ở các chức danh nào và giảm tối đa về số lượng tham gia để dành cho cơ cấu khác vừa bảo đảm tính đại diện, khách quan, công tâm và tính thực chất trong hoạt động của HĐND. Thực tế hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước nhiệm vụ nhiều, đa dạng, phong phú, lại là đối tượng chấp hành, chịu sự giám sát nên thời gian dành cho hoạt động HĐND rất hạn chế và cũng không ai tự chất vấn, giám sát bản thân mình nên càng tạo ra tính hình thức trong hoạt động của HĐND.

NGUYẾN ÁNH thực hiện