Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia:

Có “siết” quá chặt rượu sản xuất thủ công?

- Thứ Năm, 23/05/2019, 13:38 - Chia sẻ
Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia dành khoản 2 Điều 3, khoản 5, khoản 6 Điều 7, khoản 2, khoản 3, khoản 6 Điều 15, Điều 17, khoản 4 Điều 24 để quy định về việc quản lý rượu thủ công. Do đặc thù của việc sản xuất rượu thủ công truyền thống, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, dự thảo Luật đã có quy định riêng với từng trường hợp sản xuất, kinh doanh rượu thủ công; quy định về phòng ngừa và xử lý rượu, bia giả, không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, trong đó có rượu thủ công.

Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, một số ý kiến đề nghị phải chấm dứt việc sản xuất rượu thủ công với mục đích kinh doanh nhưng UBTVQH nhận thấy, trong điều kiện hiện nay, việc quy định như vậy là chưa hợp lý và khó khả thi bởi có thể ảnh hưởng theo hướng tiêu cực đến người dân và những làng nghề sản xuất rượu thủ công truyền thống. Do vậy, UBTVQH xin được giữ quy định như dự thảo Luật.


ĐBQH Phạm Văn Tuân (Thái Bình) phát biểu 
Ảnh: Lâm Hiển 

Nhấn mạnh, việc sản xuất rượu thủ công không bảo đảm chất lượng là một trong nguyên nhân chính gây ra các vụ ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, ĐBQH Phạm Văn Tuân (Thái Bình) cho biết, hiện nay, việc tiêu thụ rượu thủ công trên thị trường chiếm trên 70% lượng rượu tiêu thụ hàng năm. Việc không quản lý được rượu thủ công không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe con người mà còn ảnh hưởng đến thất thu nguồn ngân sách. Nếu quản lý tốt rượu thủ công sẽ có thêm nguồn thu cho ngân sách để có thêm nguồn kinh phí thực hiện các quy định về phòng chống tác hại của rượu, bia. Tuy vậy, trong dự thảo Luật chưa có biện pháp khả thi để quản lý sản xuất, kinh doanh rượu thủ công, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, trong khi lẽ ra đây là nội dung phải được quy định cụ thể nhất, ĐB Phạm Văn Tuân nói.

ĐBQH Quàng Thị Vân (Điện Biên) phát biểu  Ảnh: Lâm Hiển  

ĐBQH Quàng Thị Vân (Điện Biên) bày tỏ băn khoăn khi khoản 1, Điều 17 dự thảo Luật quy định: “hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh phải có bản tự kê khai gửi UBND cấp xã về sản lượng sản xuất rượu, phạm vi sử dụng, cam kết không bán rượu ra thị trường”. Thực tế có nhiều địa phương sản xuất rượu thủ công rất ngon, nếu theo quy định của dự thảo Luật thì rượu này không được bán ra thị trường. Vậy, rượu sản xuất thủ công nhưng đã được kiểm nghiệm chất lượng men và bảo đảm an toàn thực phẩm thì tại sao lại không được bán ra thị trường? Theo ĐB Quàng Thị Vân, với những trường hợp này thì không nên siết chặt như vậy.

Nêu thực tế thời gian qua, các cơ sở sản xuất bia thủ công không bị đánh thuế cao như các doanh nghiệp sản xuất bia công nghiệp, điều này dẫn đến thất thu thuế và cạnh tranh không lành mạnh, ĐBQH Phạm Như Hiệp (Thừa Thiên Huế) đề nghị, dự thảo Luật cần có quy định việc sản xuất bia thủ công.

Hà An