Con giáp của tôi - Lợn sung túc

- Thứ Sáu, 01/02/2019, 08:35 - Chia sẻ
Xuất phát từ thú vui sưu tầm con vật mình cầm tinh, cũng do nhiều cơ duyên mà nhà sử học Dương Trung Quốc đã có cho mình bộ sưu tập ấn tượng gồm hơn 6.000 tác phẩm, đồ lưu niệm, đồ dùng hình lợn. Mỗi vật là một kỷ niệm, câu chuyện.

Giữa những tình cờ

10 năm qua, nghệ nhân gốm Nguyễn Văn Toán mỗi lần nổi lò thường vuốt, nặn một chú lợn và sử dụng nó để thử men. Khi mở lò, việc đầu tiên là gọi điện cho nhà sử học Dương Trung Quốc đến nhận về. Gần 100 chú lợn được “chào đời” trong hoàn cảnh như thế, giá trị và độc đáo là không có sự lặp lại về tạo hình, bắt dáng, giá trị nữa là nối dài thú sưu tập con giáp của bạn đồng niên. Thú vui của nhà sử học Dương Trung Quốc bắt đầu từ ý định nho nhỏ - sưu tầm con vật mình cầm tinh ứng với tuổi Hợi. Theo năm tháng, sưu tập trở thành một “đàn” đông đúc, không chỉ là con số cộng mà cả những giá trị gia tăng.


Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, từ cảm hứng sưu tầm, mỗi người sẽ tìm thấy niềm vui không những cho riêng mình

Mỗi thành viên trong đàn lợn gắn với kỷ niệm, câu chuyện riêng. “Chú lợn chạy” được ông phát hiện trong chuyến đi dự cuộc thi Hoa hậu quý bà tổ chức ở Kalinigrad, Nga. Chú lợn nằm trên kệ một gian hàng bán tạp hóa và đồ lưu niệm trong khu thương mại. Lợn thường được hình dung là ục ịch, chậm chạp, nhưng ai phải đuổi bắt lợn mới thấy không dễ chút nào. Riêng chú lợn Nga này lại có bước chạy nước kiệu điệu nghệ như một chú ngựa, chất men rạn thì đặc trưng của gốm xứ lạnh.

“Những chú lợn ở Québec” có được trong chuyến đi cùng Thủ tướng thăm Canada (2005), ông tranh thủ thời gian dạo phố với một nhà ngoại giao nữ kỳ cựu. Đang đi trên hè đường bên này, bỗng nhiên như linh tính mách bảo, ông phóng qua đường để sang bên kia, nơi có một cửa hàng bán đồ lưu niệm. Y như rằng, trong đó có những món đồ thật đẹp với hai màu xanh và hồng… Chị bạn đồng hành ngạc nhiên: Làm sao mà đang đi bên này đường lại phát hiện những chú lợn mong ước ở bên kia đường? Một câu hỏi không dễ trả lời!

Những “chú lợn cổ quái” lại mang câu chuyện khác. Có lần, vô tình đi trên con đường ven hồ Trúc Bạch, Hà Nội, chợt bắt gặp cửa hàng nhỏ, thấy treo biển “Gốm”. Vào xem, ông giật mình thấy có nhiều chú lợn đất nung hình thù có vẻ cổ quái nhưng đẹp cả hình và chất. Ông mua tạm hai sản phẩm với ý định quay lại vét sạch. Bẵng đi đến khi trở lại, cửa hàng biến mất, tìm mãi không ra. Ông rút ra bài học nhớ đời trong sưu tầm: Có cơ hội là phải chớp liền!

Còn về “hai chú gấu Bắc cực” sưu tầm giữa lúc đang thẫn thờ khi dạo quanh cửa hàng đồ thủ công nhỏ trên khu phố cũ của thành phố San Francisco, đi cùng hai cậu em họ con bà dì sống ở San Jose, Mỹ. Chủ cửa hàng là người tạo tác sản phẩm chủ yếu bằng gỗ và chất liệu tự nhiên, khi thấy ông hỏi thứ mình đang tìm kiếm, đã mau mắn giải thích rằng đây là con lợn chứ không phải… gấu Bắc cực. Nó làm từ vỏ một loại cây thân gỗ mọc trên nguồn bị nước cuốn theo các dòng sông trôi ra đến cửa biển, bị ngâm nước, phơi nắng rồi nở bung thành rất nhiều hình thù khác nhau. Dựa vào hình dáng ấy mà người thợ đẽo gọt ra các món đồ lưu niệm. Cửa hàng có hai món, ông khách tuổi Đinh Hợi mua cả. “Giờ nhìn vật kỳ niệm này, tôi luôn nhớ đến bà dì, vì đấy là lần gặp mặt cuối cùng…”.


Hàng nghìn đồ dùng, tác phẩm hình lợn gây thích thú với người xem

Không chỉ là sở thích

Ngày trước, người ta làm chiếc ống tre cưa theo từng đốt có hai đầu bịt kín, rồi khoét một khe nhỏ đủ để đút lọt đồng tiền kim loại hay đồng tiền giấy. Thi thoảng “bỏ ống” một khoản tiền nhỏ, đến lúc cần đến thì bổ ống. Trẻ nhỏ cũng tích cóp quanh năm, từ tiền mừng tuổi đến tiền nhịn quà sáng… để đến Tết có món tiền sắm áo mới hay món đồ ao ước… Cùng một việc, thay ống tre bằng con lợn đất dễ gây cảm xúc nuôi đến ngày “lợn béo” đem ngả cỗ. Con lợn đất dân gian vì thế, biểu tượng cho ý thức tiết kiệm. Hay là lợn đất ngày xưa đã cho vào thì không lấy ra được nữa, phải lựa chọn việc đập vỡ hay để nguyên. Cái lưỡng lự ấy cũng thể hiện sự thận trọng khi sử dụng đồng tiền của người Việt. Bây giờ người ta dùng máy làm hàng loạt lợn bằng nhựa, đã rẻ, nhiều mẫu mã lại bền, kiếm được con lợn đất dân gian không dễ…

Chính ý nghĩa nằm ngoài thú sưu tầm cá nhân khiến cho triển lãm “Con giáp của tôi - Lợn sung túc” tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (23.1 - 19.2) thêm hấp dẫn. Hàng nghìn sản phẩm là gợi ý đa dạng về sức sáng tạo đối với nhu cầu làm phong phú cuộc sống cho con người qua hình tượng một con vật. Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ: “Tết Kỷ Hợi này, tôi mang bộ sưu tập trưng ở Bảo tàng chỉ nhằm góp vui, nhất là cho con trẻ ngày Tết. Nhưng mong muốn hơn là có nhiều bạn trẻ nhận ra quanh mình có rất nhiều cái để sưu tập, và hãy chọn một món đồ đầu tiên, bạn sẽ thấy cảm hứng để rồi một khi nó đã thành một bộ sưu tập, bạn sẽ có niềm vui không những cho riêng mình”.

Niềm vui không của riêng ai khi những điều trân quý cá nhân trở thành giá trị chia sẻ cho cộng đồng. Theo họa sĩ Thành Chương, từ một con giáp phù hợp với tuổi của người sưu tầm, bây giờ những người khác tuổi khác lại có bộ sưu tập, nhiều thú chơi khác nữa… Cứ mở ra như thế sẽ nuôi dưỡng sở thích, hướng người ta tới những điều tích cực. Vì vậy, trong chủ đề của triển lãm, sự sung túc không chỉ về nghĩa bóng mà còn theo đúng nghĩa đen, sung túc về văn hóa.

Thái Minh