Khe cửa hẹp

- Thứ Tư, 05/08/2020, 08:36 - Chia sẻ
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump xử lý chưa thỏa đáng cuộc khủng hoảng Covid-19 đang làm cạn kiệt sự ủng hộ của nhóm cử tri độc lập và ôn hòa - nhóm được cho là sẽ có tiếng nói quyết định trong cuộc bầu cử tháng 11 tới. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn ngoài tầm kiểm soát ở Mỹ, ông Donald Trump đang đứng trước một khe cửa hẹp.

Với khác biệt rõ rệt giữa Tổng thống Donald Trump và đối thủ phe Dân chủ Joe Biden, kết quả cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 sắp tới sẽ có ý nghĩa sâu rộng không chỉ đối với nước Mỹ, mà còn đối với phần còn lại của thế giới. Vì vậy, thế giới muốn biết, họ nên chuẩn bị cho một nhiệm kỳ 4 năm nữa của ông Donald Trump, hay là thay đổi.

Trong môi trường phân cực cao hiện nay, rất ít khả năng cử tri đã cam kết ủng hộ một trong hai bên có thể thay đổi quyết định của mình. Nhưng thực thế là số cử tri như vậy ở mỗi bên đều quá ít. Điều đó có nghĩa là cử tri ôn hòa và đặc biệt là những cử tri độc lập sẽ tạo ra khác biệt. Nếu như vậy, Tổng thống Donald Trump có nhiều lý do để lo lắng.

Từ ủng hộ tới phản đối

Thời điểm hiện nay đã khác xa so với 5 tháng trước, khi đại dịch Covid-19 mới bùng phát tại Mỹ. Vào thời điểm đó, Italy là “nhân vật” phủ sóng mọi phương tiện thông tin đại chúng trên toàn thế giới khi quốc gia này bỗng chốc thay thế Trung Quốc trở thành ổ dịch lớn nhất với số người tử vong không thể kiểm soát, bệnh viện quá tải, đất nước đóng cửa và nền kinh tế bị tàn phá. Còn nước Mỹ khi đó vẫn chưa phải áp dụng các biện pháp hạn chế và hệ thống y tế tỏ ra khá hiệu quả.

Điều này dường như đã tạo ấn tượng rằng Mỹ đang quản lý tốt cuộc khủng hoảng. Các cuộc thăm dò vào thời điểm đó cho thấy, tỷ lệ ủng hộ tổng thể đối với ông Donald Trump đã tăng trong tháng 3, không chỉ trong số cử tri của đảng Cộng hòa mà cả phía Dân chủ. Những cử tri độc lập cũng tán thành phản ứng của ông đối với dịch bệnh.

Tuy nhiên, kể từ đó, tỷ lệ lây nhiễm và tử vong do Covid-19 đã tăng vọt ở Mỹ. Chính quyền bị chỉ trích là đã không làm được gì để giải quyết vấn đề, một số người trong chính quyền chỉ tìm cách hạ bệ uy tín của ông Anthony Fauci, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu đất nước. Trong khi các nước châu Âu cũng đã nhận thấy sự cần thiết của khẩu trang, thì thời điểm đó, ông Donald Trump kiên quyết từ chối sử dụng, thậm chí còn chế giễu đối thủ Biden vì làm như vậy.

Tỷ lệ tất nghiệp tăng vọt ở Mỹ và bất chấp một số biện pháp nhằm hỗ trợ công nhân và doanh nghiệp đã được áp dụng, nhiều người vẫn lo ngại sẽ có làn sóng sa thải nhân công sau khi các biện pháp trên hết hạn. GDP của Mỹ giảm 9,5% trong quý II so với quý I, tương đương với mức giảm 32,9% trong cả năm theo số liệu do Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 30.7. Đây là mức giảm hằng năm sâu nhất được ghi nhận theo quý kể từ năm 1947. 

Không ngạc nhiên, thái độ của cử tri đã thay đổi đáng kể. Các cuộc thăm dò và thống kê cho thấy, từ cuối tháng 3 đến giữa tháng 7, tỷ lệ ủng hộ của cử tri đối với cá nhân Tổng thống Donald Trump nói chung và cách xử lý cuộc khủng hoảng Covid-19 của ông đã giảm trong tất cả các nhóm cử tri. Tỷ lệ ủng hộ của nhóm cử tri ôn hòa ở cả đảng Cộng hòa và Dân chủ đã giảm 13 - 15% trong khi ở nhóm cử tri độc lập - lực lượng sẽ quyết định đáng kể ở những bang còn dao động, mức độ sụt giảm sự ủng hộ lên đến 33%.

Tỷ lệ ủng hộ đối với ông Donald Trump giảm đồng nghĩa với tỷ lệ những người có ý định bỏ phiếu cho ông Biden tăng. Thống kê cho thấy, từ cuối tháng 3 đến giữa tháng 7, số lượng người độc lập có ý định bỏ phiếu cho ông Biden đã tăng thêm 23%. Số lượng cử tri đảng Dân chủ tự nhận ủng hộ ông Biden cũng tăng khiêm tốn 4%, trong khi số người đảng Cộng hòa dự định bỏ phiếu cho ông Donald Trump giảm 3%.

Cuộc khủng hoảng Covid-19 không phải là yếu tố duy nhất khiến tỷ lệ ủng hộ ông Biden được cải thiện, nhưng đây là một trong những yếu tố mang tính chất quyết định trong thời điểm hiện nay khi cuộc khủng hoảng Covid-19 - bao gồm cả khía cạnh kinh tế và y tế - đã khiến tới 20% cử tri ​​thay đổi từ tháng 3 đến tháng 7.

Nguồn: Getty Image

3 tháng có đủ xoay chuyển?

Ông Donald Trump đang để mất những cử tri độc lập và ôn hòa do cách xử lý đại dịch của ông. Nhưng từ giờ đến khi bỏ phiếu còn 3 tháng và đó là khoảng thời gian đủ dài trong chính trị bầu cử. Ông Donald Trump dường như đang cố gắng xoay chuyển tình thế. Cuối tháng 7, ông đã nối lại các cuộc họp thường xuyên về Covid-19; lần đầu tiên xuất hiện với chiếc khẩu trang và quyết định hủy các sự kiện liên quan đến Hội nghị toàn quốc của Đảng Cộng hòa dự kiến ​​diễn ra vào tháng 8 tại Jacksonville, Florida.

Tuy nhiên, thời gian sẽ trả lời những biện pháp đó có đủ để giúp ông xoay chuyển tình thế hay không. Một trong những bài học quan trọng từ các nước khác trong phản ứng đối với Covid-19 đó là hành động khẩn trương để kiềm chế dịch bệnh lây lan cũng như giảm thiểu thiệt hại kinh tế. Nhưng thực tế có vẻ cho thấy, Chính quyền Donald Trump đang cố gắng làm mọi thứ, trừ việc tỏ ra khẩn trương.

Một kinh nghiệm quan trọng khác là việc áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại trong một quốc gia để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát. Khi miền Bắc Italy gần như bị tàn phá bởi Covid-19, chính phủ nước này đã tạm dừng tất cả các chuyến du lịch liên khu vực không thiết yếu để bảo vệ các khu vực khác. Thế nhưng ở Mỹ, các quyết định như vậy tùy thuộc vào thống đốc bang, chỉ một số ít bị áp đặt hạn chế đi lại.

Trong bối cảnh các hoạt động kinh tế chỉ có thể trở lại bình thường cho đến khi virus được kiểm soát, một điều chắc chắn rằng, tất cả các nhà lãnh đạo, trong đó có ông Donald Trump, phải đối mặt với lựa chọn khó khăn, bởi lựa chọn nào cũng có cái giá của nó. Quyết định đóng cửa đất nước và cách ly hoàn toàn sẽ tàn phá một nền kinh tế vốn đã ốm yếu. Nhưng từ chối áp đặt các biện pháp mạnh mẽ sẽ chỉ khiến tình hình dịch bệnh thêm trầm trọng.

Tổng thống Donald Trump có thể nói rằng, không giống với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, đại dịch Covid-19 là “thảm họa tự nhiên” không bắt nguồn tự sự yếu kém của chính sách trong nước. Nhưng người khác có thể nói rằng, sự yếu kém của các chính sách trong nước đang khiến khủng hoảng Covid-19 trở nên trầm trọng. Mỹ đang trở thành một trong những nước phát triển phản ứng tệ nhất với khủng hoảng và điều đó làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến vị thế của nước Mỹ. Mặc dù vị thế có thể không phải mối quan tâm lớn đối với hầu hết cử tri Mỹ, nhưng điều đó có thể thay đổi nếu những hạn chế quốc tế đối với du khách Mỹ vẫn tồn tại.

Trong mọi trường hợp, ông Donald Trump sẽ phải vật lộn để cải thiện trong các cuộc thăm dò từ nay đến tháng 11, và ông sẽ phải khẩn trương hơn khi có nhiều tin đồn cho rằng, giới lãnh đạo đảng Cộng hòa đang rục rịch tính tới một kịch bản hậu Donald Trump.

Quốc Đạt
Theo PS