Cung ứng đủ than cho sản xuất điện những tháng cuối năm

- Thứ Sáu, 18/09/2020, 08:42 - Chia sẻ
Đến thời điểm này tình hình cung cấp than của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho các nhà máy nhiệt điện than của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã cơ bản đạt khối lượng theo các hợp đồng đã ký, bảo đảm huy động ở mức cao các nhà máy nhiệt điện than, nhằm cung cấp đủ điện cho hệ thống điện quốc gia.

Cung cấp đủ khối lượng than

Theo đại diện EVN, sản lượng thủy điện đạt 39,03 tỷ kWh, giảm 12,75%, tương đương giảm 5,7 tỷ kWh so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, nguồn nhiệt điện than đạt khoảng 88,87 tỷ kWh, tăng 11,66% so với cùng kỳ. Trong bối cảnh sản lượng huy động từ các nhà máy thủy điện gặp nhiều khó khăn, do điều kiện thủy văn và lưu lượng nước về các hồ thấp hơn so với cùng kỳ nhiều năm thì từ đầu năm đến nay các nhà máy nhiệt điện than luôn được huy động ở mức cao để bù đắp cho sản lượng thủy điện thiếu hụt. Việc bảo đảm đủ nguồn nhiên liệu than cho các nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) vận hành là nhiệm vụ hết sức quan trọng.

Phó Trưởng ban Kỹ thuật - Sản xuất (EVN) Tạ Tuấn Anh cho biết, cuối năm 2019, các đơn vị của EVN đã thực hiện ký các hợp đồng than dài hạn và hợp đồng than 2020 với TKV và Tổng Công ty Đông Bắc. Tổng khối lượng than theo hợp đồng dài hạn TKV cấp là 19,2 triệu tấn than/năm. Tổng khối lượng than dài hạn Tổng Công ty Đông Bắc cấp là 5,75 triệu tấn/năm. Trong đó, tình hình cung cấp than của TKV cho các NMNĐ của EVN đạt khối lượng theo các hợp đồng đã ký. Khối lượng than đã cấp đến hết ngày 31.8.2020 đạt 13,06 triệu tấn, bằng 97,97% tổng khối lượng 8 tháng đầu năm theo hợp đồng. Tổng Công ty Đông Bắc đạt 4,95 triệu tấn, bằng 113,79% so với hợp đồng 8 tháng năm 2020.

Theo tính toán của EVN, tổng sản lượng điện 4 tháng cuối năm 2020 dự kiến của các NMNĐ đốt than antracite của EVN là 14,55 tỷ kWh, tương ứng với nhu cầu than cần dùng khoảng 7,2 triệu tấn than. Khối lượng theo hợp đồng còn lại của các nhà máy khoảng 8,2 triệu tấn, có thể đáp ứng được nhu cầu vận hành tại các nhà máy từ nay đến hết năm 2020 và tồn kho chuẩn bị cho năm 2021. Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải đánh giá cao sự phối hợp của TKV và Tổng Công ty Đông Bắc, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, qua đó đã bảo đảm được mục tiêu cung cấp điện an toàn, ổn định của EVN.

Kỹ sư vận hành Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn  

Bảo đảm chất lượng tốt nhất

Ban Kỹ thuật - Sản xuất (EVN) cho biết, ưu điểm của than pha trộn (do TKV cung cấp) là xu hướng tốt, tất yếu cho các NMNĐ tại thời điểm hiện tại cũng như trong các năm tiếp theo; tạo điều kiện cho các đơn vị cung cấp than chủ động trộn than theo các chỉ tiêu kỹ thuật tương đương than thiết kế tại các NMNĐ, giúp vận hành các tổ máy ổn định, kinh tế. Khi sử dụng than trộn, độ cứng trung bình của than giảm so với khi sử dụng than trong nước dẫn đến tiết kiệm được điện tự dùng tại hệ thống nghiền than. Ngoài ra, độ tro trong than trộn được cải thiện dẫn đến giảm thất thoát nhiệt do tro xỉ mang ra khỏi lò hơi, giảm tần suất thổi bụi, tiết kiệm hơi tự dùng, dẫn đến hiệu suất của lò hơi được tăng lên.

Tuy nhiên, than pha trộn cũng có một số hạn chế như chất lượng than trộn không đồng đều, nguồn than trộn không ổn định, gây khó khăn cho việc hiệu chỉnh quá trình cháy lò hơi của các tổ máy phát điện, giảm độ tin cậy vận hành dẫn đến khả năng rủi ro xảy ra sự cố tắt lửa buồng đốt. Hàm lượng chất bốc của than trộn (trung bình 10%) cao hơn so với than trong nước (không lớn hơn 8%). Việc sử dụng than trộn có chất bốc cao có thể xảy ra hiện tượng hạt than bắt lửa sớm hơn, dễ gây đóng xỉ tại đai đốt hoặc tại vòi đốt, dễ bắt cháy sớm trong hệ thống nghiền. Hàm lượng hydro trong than trộn không đáp ứng theo thiết kế sẽ làm giảm hiệu suất của lò hơi, dẫn đến chi phí phát điện gia tăng…

Để bảo đảm cung cấp than chất lượng tốt cho sản xuất điện trong dài hạn, Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải đề nghị, TKV và Tổng Công ty Đông Bắc căn cứ vào khối lượng than trong các hợp đồng dài hạn đã ký có kế hoạch khai thác than trong nước và mua than nhập khẩu dài hạn với nguồn than ổn định để pha trộn, bảo đảm chất lượng và khối lượng. Bên cạnh đó, TKV và Tổng công ty Đông Bắc cần nâng cấp, cải tiến hệ thống trộn than, quản lý chặt chẽ khâu trộn than để chất lượng than trộn được đồng đều. Trong đó, có 6 chỉ số than hiện hữu trong hợp đồng mua bán than, TKV, Tổng Công ty Đông Bắc phải cam kết và duy trì ở mức trung bình như trong tiêu chuẩn Việt Nam như hiện nay. 

Đối với các hợp đồng mua bán than của từng nhà máy nhiệt điện từ năm 2021, cần bổ sung các chỉ số nhiệt độ nóng chảy của tro xỉ, hàm lượng Hydro, sắt oxit... TKV phối hợp với EVN thành lập 1 tổ công tác chung để cùng xây dựng, ban hành bộ chỉ tiêu chất lượng than cho các NMNĐ. Tăng cường kiểm soát chất lượng than, bảo đảm chất lượng đồng đều theo đúng yêu cầu của hợp đồng và phù hợp với công nghệ của các nhà máy nhiệt điện. 

Lãnh đạo TKV cho biết, thời gian qua, có một tỷ lệ nhất định than pha trộn không đều do công nghệ chưa bảo đảm. Do đó, Tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị áp dụng công nghệ mới để bảo đảm chất lượng trộn than tốt nhất cho các nhà máy điện của EVN.

Còn với Tổng Công ty Đông Bắc, đã xúc tiến với các đối tác nước ngoài đàm phán ký kết hợp đồng nhập khẩu than để nếu có tình huống xấu sẽ vẫn đủ than nhập khẩu để pha trộn, cung cấp than cho các nhà máy của EVN. Lãnh đạo Tổng Công ty Đông Bắc đề nghị, EVN chỉ đạo các nhà máy cần trữ than tối đa trong kho để đơn vị giải phóng lượng than đã trữ có mặt bằng nhập khẩu than, giúp chủ động nguồn cung than cho EVN trong năm 2021. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khả năng nhu cầu điện sản xuất giảm nên lãnh đạo TKV, Tổng Công ty Đông Bắc mong muốn, EVN cung cấp thông tin sớm về tình hình nhu cầu than từ nay đến cuối năm và năm 2021 để chủ động sản xuất.

Linh Cao