Tên trang: Bầu cử Quốc hội Singapore 2020

Cuộc tổng tuyển cử có một không hai

- Chủ Nhật, 19/07/2020, 05:42 - Chia sẻ
Là quốc gia đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á tổ chức bầu cử kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, người dân Singapore năm nay chứng kiến một kỳ bầu cử đầy khác biệt với những diễn biến chưa từng có tiền lệ.
Cử tri đi bỏ phiếu phải đeo khẩu trang
Nguồn: NAR

Lần đầu tiên lùi ngày bầu cử

Yếu tố khác lạ đầu tiên cần phải kể đến chính là đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Lâu nay, Singapore luôn được đánh giá là quốc gia có hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe hàng đầu thế giới. Trên thực tế, trong thời gian đầu dịch bệnh bùng phát, các cơ quan chức năng Singapore đã làm rất tốt, được xem là “tiêu chuẩn vàng” trong đối phó đại dịch. Tuy nhiên, dịch bệnh bất ngờ tái bùng phát và tăng nhanh các ca lây nhiễm tại các khu ký túc xá của người lao động nước ngoài, bắt đầu từ tháng 3.2020 đã phá hỏng gần như hoàn toàn thành quả, thậm chí ảnh hưởng nặng nề tới uy tín của Chính phủ Singapore do đảng Hành động Nhân dân (PAP) lãnh đạo.

Nếu không có dịch, nhiều khả năng Singapore đã tổ chức tổng tuyển cử trong tháng 3 hoặc tháng 4 vừa qua sau khi Quốc hội nước này thông qua Dự thảo Ngân sách 2020, vốn có nhiều nội dung hỗ trợ người dân, được nhiều nhà quan sát cho rằng chủ yếu để lấy lòng cử tri đối với PAP.

Dịch Covid-19 đã làm thay đổi mọi khía cạnh đời sống chính trị tại Singapore, buộc Chính phủ phải kiến nghị Quốc hội thông qua các hành lang pháp lý tạm thời để có thể tổ chức bầu cử trong đại dịch. Ông Singh nhận định cuộc tổng tuyển cử này, mà ông gọi là “Tổng tuyển cử Covid-19”, có lẽ sẽ là cuộc bầu cử tốn kém nhất trong lịch sử Singapore do phải áp dụng các biện pháp giãn cách, bảo đảm an toàn trong toàn bộ quá trình bỏ phiếu.

Đảng đối lập giành được số phiếu cao nhất từ trước đến nay

Một điều gây nhiều ngạc nhiên ở kỳ bầu cử này là việc đảng Công nhân (WP), đảng có thực lực nhất trong các đảng đối lập hiện nay, đạt tới 10/93 ghế - mức cao nhất mà một đảng đối lập từng đạt được kể từ khi Đảo quốc sư tử giành độc lập. Năm nay WP cũng ghi nhận những thay đổi nhân sự đáng lưu ý khi không giới thiệu lãnh đạo kỳ cựu Low Thia Khiang tham gia tranh cử. Thay vào đó, Tổng Thư ký mới của WP là ông Pritam Singh, 43 tuổi, lần đầu tiên chịu trách nhiệm lèo lái con thuyền WP với nhiệm vụ ưu tiên nhất là giữ được các ghế tại khu vực bầu cử Aljunied GRC và Hougang SMC. Tương tự, đảng Nhân dân Singapore (SPP) cũng thiếu vắng nhà lãnh đạo kỳ cựu Chiam See Tong.

Ngoài những đảng đối lập lâu năm, tổng tuyển cử Singapore 2020 cũng ghi nhận những đảng chính trị mới thành lập là đảng Singapore Tiến bộ (PSP), đảng Tiếng nói Nhân dân (PV) và đảng Chấm đỏ Thống nhất (RDU). Trong số đó, đáng chú ý nhất là PSP của chính trị gia nổi tiếng Tan Cheng Bock, một cựu đảng viên PAP, dù mới thành lập hơn một năm nhưng lại là đảng đối lập có nhiều ứng cử viên nhất với 24 gương mặt. Ngoài sự nổi tiếng và uy tín của bản thân ông Tan Cheng Bock, PSP còn được ông Lý Hiển Dương, người em ruột vốn bất đồng cá nhân với Thủ tướng Lý Hiển Long, ủng hộ mạnh mẽ. Sự góp mặt của ông Lý Hiển Dương được cho cũng góp phần thu hút cử tri đối với PSP và ảnh hưởng nhất định đến Thủ tướng Lý Hiển Long.

Quy định đặc biệt về bỏ phiếu

Trước ngày bỏ phiếu, Ủy ban bầu cử (ELD) đã ra thông báo yêu cầu những bệnh nhân viêm đường hô hấp cấp Covid-19 và những người được cách ly tập trung sẽ không được đi bỏ phiếu.

Những cử tri đang thực hiện cách ly 14 ngày tại nhà có thể đến những điểm bỏ phiếu dành riêng cho họ và trong khoảng thời gian 1 giờ. Vào thời điểm này, Singapore có khoảng 360 cử tri thuộc diện cách ly tại nhà. Những người cách ly tại khách sạn có thể bỏ phiếu tại phòng. Các nhân viên bầu cử sẽ đến từng phòng khách sạn để phát phiếu bầu cho cử tri.

Cử tri đi bỏ phiếu phải đứng cách nhau 1m, tạm thời bỏ khẩu trang và trình thẻ định dạng cá nhân hoặc hộ chiếu cho nhân viên bầu cử. Sau đó, nhân viên bầu cử sẽ đọc các quy định bầu cử, khu vực bầu cử và số seri của cử tri trước khi phát phiếu bầu. Cử tri sẽ đánh dấu ứng cử viên mà mình lựa chọn rồi bỏ phiếu vào hòm phiếu nhân viên bầu cử mang đến.

Ngoài ra, khung giờ bỏ phiếu đặc biệt, từ 7 - 8h tối, sẽ được dành riêng cho một số nhóm cử tri, bao gồm những người có chứng nhận y tế mắc bệnh về hô hấp và những người có thân nhiệt từ 37,5 độ trở lên khi đo tại các điểm bỏ phiếu vào ngày bầu cử. Việc sắp xếp này cho phép giảm tối thiểu sự tiếp xúc trong khi các cử tri này vẫn thực hiện được quyền bỏ phiếu.

Những cử tri này sẽ phải tuân thủ những quy định chặt chẽ như sử dụng phương tiện cá nhân, không được đi lại bằng phương tiện công cộng, trong trường hợp đặc biệt có thể đi taxi nhưng phải đặt từ danh sách đường dây nóng đặt xe theo quy định. Những người này trước khi đi bỏ phiếu phải gọi điện báo cho nhà chức trách và phải về nhà ngay sau khi bỏ phiếu.

Tại các điểm bỏ phiếu, công tác bảo đảm an toàn phòng dịch được siết chặt như tẩy trùng các trang thiết bị phục vụ bầu cử, bút và các bề mặt tiếp xúc sẽ được vệ sinh sau khi mỗi cử tri bỏ phiếu xong. Ngoài ra, các biện pháp giãn cách và đeo khẩu trang tiếp tục được áp dụng.

Lần đầu tiên kéo dài thời gian bỏ phiếu

Mặc dù số điểm bầu cử cũng đã được tăng thêm 220 điểm để giảm bớt áp lực tập trung đông người, song do tình trạng ùn tắc tại nhiều điểm, ELD quyết định kéo dài thời gian bỏ phiếu thêm 2 giờ, tới 22h ngày 10.7 để mọi cử tri đều có thể thực hiện quyền của mình. Tổng cộng hơn 2,5 triệu cử tri Singapore đã tham gia bỏ phiếu, tương đương 95,63% số cử tri hợp lệ.

Để khắc phục tình trạng ùn tắc do các biện pháp giãn cách, phòng ngừa đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, ELD cho biết đã bỏ yêu cầu phải sử dụng găng tay trước khi bỏ phiếu, đồng thời bổ sung nhân viên để đẩy nhanh quá trình bỏ phiếu từ đầu giờ chiều cùng ngày.

Quốc Đạt