Kỳ họp thứ Tám, QH Khóa XIV:

Để chính sách dân tộc thực sự phát huy hiệu quả

- Thứ Sáu, 01/11/2019, 13:12 - Chia sẻ
Cần có giải pháp tổng thể, khắc phục những tồn tại, hạn chế của giai đoạn vừa qua, tập trung nguồn lực đầu tư phát triển toàn diện vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đây là yêu cầu mà các ĐBQH đặt ra với Đề án tổng thể phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn tại phiên thảo luận tại hội trường sáng nay, 1.11.

Chính sách cần phù hợp với từng đối tượng

Mặc dù được Đảng, Nhà nước quan tâm nhất, được thụ hưởng nhiều chính sách hỗ trợ nhất, song vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hiện vẫn nắm giữ nhiều cái “nhất” nhất trên cả nước như: vùng khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, kinh tế xã hội phát triển chậm nhất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất. Theo các ĐBQH, các chính sách dân tộc ban hành nhiều nhưng thiếu tính hệ thống, đồng bộ; chính sách còn dàn trải, manh mún, chồng chéo; một số chương trình, chính sách quan trọng nhưng thực hiện chậm, không đạt mục tiêu đề ra; đa số chính sách chưa được bố trí đủ nguồn lực, định mức hỗ trợ thấp; cơ chế thực thi một số chính sách chưa phù hợp, thiếu đồng bộ... 


Đại biểu Quốc hội Đinh Thị Bình (Phú Thọ) phát biểu

Đa số ĐBQH nhất trí với 11 chính sách lớn cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung để thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2030; không tiếp tục thực hiện 4 chính sách đang thực hiện ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi hiện nay. Tuy nhiên, các ĐBQH cũng đề nghị, Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ hơn về những chính sách phù hợp, đang phát huy hiệu quả để tiếp tục duy trì và phát triển. Đồng thời chỉ ra những hạn chế, yếu kém, bất hợp lý, khó khăn trong tổ chức thực hiện của các chính sách cụ thể để điều chỉnh, thay thế cho phù hợp.

Nêu quan điểm về vấn đề này, ĐBQH Đinh Thị Bình (Phú Thọ) cho rằng, nội dung một số chính sách chưa phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng, từng dân tộc, nên hiệu quả chính sách còn hạn chế. ĐB đưa ra ví dụ cụ thể: theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ, học sinh dân tộc miền núi thiểu số khi đáp ứng một số điều kiện thì được hỗ trợ gạo để bảo đảm duy trì việc học tập. Tuy nhiên, trên thực tế chỉ có một số học sinh mà gia đình không có đất trồng lúa nên cần cấp gạo, còn một phần không nhỏ học sinh sống ở vùng thuận lợi cho việc trồng lúa nên gạo các em dẫu có được cấp cũng không ăn mà sử dụng vào mục đích khác, làm mất đi ý nghĩa của chính sách này. 

ĐB Đinh Thị Bình đề nghị, Chính phủ nghiên cứu để bổ sung thêm một quan điểm Đề án là: Đầu tư phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc và miền núi phải dựa trên nghiên cứu cụ thể về nhu cầu, đặc điểm cụ thể của từng vùng, từng cộng đồng dân tộc thiểu số, không có chính sách đồng nhất cho mọi đối tượng, vùng miền hay nói cách khác. Chính phủ chỉ nên quy định chính sách khung, còn những chính sách cụ thể thì giao địa phương tự chủ nhằm có chính sách phù hợp với từng đối tượng khác nhau.

Có chính sách thu hút đầu tư vào vùng đặc biệt khó khăn 

Đồng tình với các nhiệm vụ, giải pháp nêu ra để phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện khó khăn, ĐBQH Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An) nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước ta phải đánh thức được tiềm năng, phát huy được lợi thế so sánh của vùng, giúp đồng bào khơi dậy được nội lực làm giàu, làm chủ trên chính mảnh đất của mình. Trong số các nhiệm vụ được nêu trong dự thảo Đề án, phát triển hạ tầng thiết yếu, nhất là giao thông kết nối, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh là quan trọng nhất.

Từ thực tế tại địa phương, ĐB Hoàng Thị Thu Trang cho rằng, để bảo đảm sinh kế và thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ bà con xây dựng các mô hình kinh tế hộ gia đình gắn với đặc thù của vùng miền núi như chăn nuôi, trồng trọt các cây, con chủ lực; cải tạo vườn tạp... Mô hình kinh tế này không cần phải đầu tư lớn, có thể tận dụng sức lao động của bà con dân tộc thiểu số, lấy công làm lãi, giúp xóa đi có khu vườn tạp, vườn bỏ hoang ở một số vùng núi, góp phần làm thay đổi bộ mặt cảnh quan nông thôn miền núi và mang lại giá trị kinh tế thường xuyên cho các hộ gia đình ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Bên cạnh đó, cần có chính sách thu hút doanh nghiệp sử dụng lao động địa phương và hỗ trợ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp. 

Tổng kết của Chính phủ trong ba năm 2016 -2018 cho thấy, chúng ta thu hút được 4.699 dự án đầu tư với tổng số vốn đầu tư đăng ký khoảng 365 tỷ đồng, nhưng những dự án này chỉ tập trung ở những vùng đô thị, ven đô thị còn ở những địa bàn xã, khu vực 2, khu vực 3 thì hầu như không có hoặc nếu có thì quy mô nhỏ, ít tác động đến phát triển kinh tế địa phương. Để có được những dự án lớn cho khu vực này thì cần rất nhiều vốn, vì vậy, ngoài các chính sách hỗ trợ như dự thảo Đề án đề ra, cần có chính sách tạo được kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn vay nước ngoài, nhằm thu hút các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư phát triển kinh tế cho những vùng đặc biệt khó khăn. "Đặc biệt, chúng ta phải cam kết bảo đảm tính bền vững, ổn định của chính sách cho các dự án lớn này để họ yên tâm đầu tư cho vùng khó khăn", ĐB Hoàng Thị Thu Trang nhấn mạnh.

Mục tiêu cần sát thực tế hơn 

Đề án đã đưa ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 nên các chỉ tiêu cơ bản phù hợp với Nghị quyết của Đảng, mục tiêu thiên niên kỷ mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Tuy nhiên, ĐB Đinh Thị Bình vẫn còn chưa yên tâm, băn khoăn với các mục tiêu cụ thể. Ví dụ, đề án đề ra mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt khoảng 50%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ từ 10 - 15%. Theo ĐB, hiện tỷ lệ này trung bình mới đạt 6,2%, một số nhóm dân tộc thiểu số có tỷ lệ dưới 2%, một số khác có tới 100% lao động chưa qua đào tạo. ĐB nêu lên thực tế, mặc dù chính sách đào tạo cho lao động, trong đó có lao động dân tộc thiểu số đã được thực hiện hàng chục năm qua nhưng chúng ta mới chỉ đạt được kết quả khiêm tốn. Liệu sau 6 năm nữa chúng ta có đạt được tỷ lệ như dự thảo Đề án đề ra không? Do đó, đề nghị Chính phủ cần đề ra các mục tiêu sát với thực tế hơn nhằm bảo đảm tính khả thi cao. 

Tin: Thanh Chi
Ảnh: Quang Khánh