Để vận tải thủy nội địa khai thác lợi thế vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên

- Thứ Hai, 12/12/2016, 17:44 - Chia sẻ
Là một trong số ít quốc gia trên thế giới có hệ thống sông, kênh dày đặc, tạo thành mạng lưới giao thông đường thủy rất thuận lợi, liên thông giữa các địa phương và các vùng trong cả nước, vận tải đường thủy ở Việt Nam còn có nhiều tính chất ưu việt như giá thành rẻ, ô nhiễm môi trường ít, vận tải được nhiều loại hàng hóa siêu trường, siêu trọng, chi phí đầu tư ban đầu thấp. Tuy nhiên, có một thực tế vận tải thủy ở nước ta vẫn chưa khai thác hết được những lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của đất nước.

Hội nghị trực tuyến sơ kết 2 năm triển khai tuyến vận tải ven biển. (Ảnh Văn Thăng)

Hơn 900 đơn vị vận tải tham gia tuyến vận tải ven biển

Tính đến ngày 30.11.2016, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã cấp chứng chỉ cho 1.497 thuyền viên điều khiển phương tiện đi trên tuyến vận tải biển và đã hoàn thiện phần mềm cập nhật dữ liệu của 85.000 phương tiện và 160.000 thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa.

Nhằm phát huy hiệu quả lợi thế và khắc phục những hạn chế nêu trên, từ năm 2014, Bộ Giao thông Vận tải đã mở các tuyến vận tải ven biển dọc theo chiều dài của đất nước, từ Quảng Ninh đến Kiên Giang.

Nhờ đó, sau 2 năm, đã có hơn 900 doanh nghiệp tham gia tuyến vận tải ven biển Quảng Ninh-Kiên Giang dành cho tàu SB.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 2 năm triển khai tuyến vận tải ven biển Quảng Ninh - Quảng Bình - Bình Thuận - Kiên Giang dành cho tàu sông pha biển cấp VR- SB, được Bộ Giao thông Vận tải tổ chức sáng 12.12.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ yêu cầu các Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Hàng hải Việt Nam rà soát những quy định còn “vênh” giữa hàng hải và đường thủy để khẩn trương hợp nhất, tạo thuận lợi cho vận tải bằng tàu SB. Bên cạnh đó, hai Cục cần phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng như: Công an, Biên phòng, Hải quan... để giải quyết thủ tục nhanh gọn, thuận lợi cho doanh nghiệp, phương tiện vận tải; tổ chức hiệu quả công tác tìm kiếm cứu nạn khi có sự cố xảy ra.

Theo Vụ Vận tải,  sau 2 năm mở tuyến, từ tháng 7.2014 đến tháng 10.2016, đã có hơn 900 đơn vị vận tải tham gia tuyến, với hơn 1.000 phương tiện hiện đang hoạt động, vận chuyển hơn 23,7 triệu tấn hàng hóa. Trong đó 10 tháng đầu năm 2016, lượng hàng hóa được vận chuyển đạt hơn 15,2 triệu tấn, tăng hơn 9,2 triệu tấn (254%) so với cùng kỳ năm trước.

Các loại hàng hóa được vận chuyển trên tuyến khá đa dạng. Chặng: từ Quảng Ninh, Hải Phòng đi Thanh Hóa, Hà Tĩnh là vật liệu xây dựng, thiết bị máy móc, than... phục vụ dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn. Chiều ngược lại từ Nghệ An, Hà Tĩnh đi Hải Dương chủ yếu là vật liệu đá. Chặng từ nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đi các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế là nguyên liệu, phụ gia cho các nhà máy xi măng, xăng dầu và hàng hóa tổng hợp. Tuyến từ TP.Hồ Chí Minh đi Vũng Tàu, Kiên Giang và ngược lại gồm các mặt hàng tổng hợp như: gạo, phân bón, vật liệu xây dựng, gỗ, hàng tiêu dùng...

Về an toàn giao thông, thời gian qua xảy ra 10 vụ tai nạn, sự cố liên quan đến tàu VR-SB. Trong đó, 3 tàu bị đắm, 5 tàu bị mắc cạn và 2 tàu gặp sự cố. Các trường hợp tai nạn được Trung tâm cứu nạn hàng hải, lực lượng chức năng có liên quan và ngư dân cứu nạn kịp thời, không có thiệt hại về người. Nguyên nhân chính do phương tiện gặp sự cố kỹ thuật, ảnh hưởng của thời tiết xấu, một số phương tiện hoạt động không đúng luồng tuyến được công bố.

Để nâng cao hiệu quả vận tải ven biển

Từ khi công bố tuyến vận tải ven biển Quảng Ninh - Quảng Bình - Bình Thuận - Kiên Giang đến nay đã có 1.354 phương tiện đã thẩm định xong thiết kế và có 1.090 phương tiện đã được cấp hồ sơ đăng kiểm, trong đó có 1.002 phương tiện hiện đang hoạt động trên tuyến SB, với 32 phương tiện chở công – ten – nơ.

Để nâng cao hiệu quả vận tải ven biển, hội nghị đã đưa ra sáu giải pháp. Cụ thể, thứ nhất tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật về đường thủy nội địa, hàng hải và các quy định liên quan, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát quy định về phạm vi trách nhiệm của thuyền viên, người lái phương tiện và định biên an toàn tối thiểu trên phương tiện thủy nội địa; tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các phương tiện VR-SI chạy vượt tuyến; kiểm soát tải trọng hàng hóa chuyên chở của tàu tránh tính trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp vận tải. Thứ hai, tiếp tục nghiên cứu sửa đổi bổ sung quy định đảm bảo an toàn cho phương tiện VR-SB khi hoạt động trên tuyến vận tải ven biển; kịp thời hướng dẫn, giải quyết các vướng mắc cho các tổ chức, cá nhân có phương tiện tham gia tuyến vận tải ven biển. Thứ ba, nghiên cứu, ban hành các quy định cụ thể danh mục các tình huống khẩn cấp phải thực hiện huấn luyện, thực tập, chu kỳ và yêu cầu của việc huấn luyện thực tập để đưa vào nội dung giảng dạy. Thứ tư, tiếp tục đẩy nhanh quá trình cập nhật và hoàn thiện cơ sở dữ liệu về phương tiện và thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa và thực hiện nâng cấp hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý. Thứ năm, xem xét các điều kiện kinh doanh đối với các doanh nghiệp kinh doanh khai thác vận tải thủy để kiểm soát phát triển của phương tiện VR-SB. Thứ sáu, tiếp tục tổ chức các hội nghị tiếp xúc với doanh nghiệp vận tải có phương tiện VR-SB hoạt động trên tuyến ven biển nhằm nắm bắt khó khăn, bất cập trong hoạt động kinh doanh vận tải ven biển để có giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp nâng cao năng lực vận chuyển, năng lực cạnh tranh, đồng thời phối hợp với các địa phương rà soát các bên cảng thủy nội địa, luồng, cửa sông, năng suất bốc dỡ hàng hóa… để nâng cao năng lực khả năng tiếp nhận phương tiện VR-SB.

Văn Thăng