Đề xuất cắt giảm ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp

- Thứ Năm, 14/11/2019, 08:15 - Chia sẻ
Tại Hội thảo “Diễn đàn chính sách tài khóa và phát triển Việt Nam 2019 - Hướng tới một hệ thống thuế công bằng” diễn ra ngày 13.11, đại diện tổ chức Oxfam cho biết, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam đã tạo ra những phí tổn tài khóa đáng kể và làm gia tăng khoảng cách thu nhập giữa các tầng lớp dân cư. Nếu cắt giảm các ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ giúp tăng thu ngân sách 20%, trong khi không có tác động tiêu cực đến kinh tế vĩ mô.

Thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp giảm mạnh

Theo đại diện Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), mặc dù, hiện nay Việt Nam đã có nhiều cải cách tích cực về hệ thống thuế, tuy nhiên vẫn còn phức tạp và chưa tương đồng với các nước trên thế giới. Một số sắc thuế còn khá cao, kém cạnh tranh, trong khi một số sắc thuế khác lại chưa có; cấu trúc thu ngân sách kém bền vững; tình trạng trốn và tránh thuế còn nhiều phức tạp; chu trình ngân sách kém hiệu quả; thực trạng phân chia nguồn thu giữa Trung ương và địa phương còn nhiều bất cập.

Đi vào cụ thể, bà Nguyễn Thu Hương, Quản lý Chương trình cấp cao về quản trị Oxfam tại Việt Nam cho biết, thu ngân sách từ thuế của Việt Nam giảm dần qua các năm. Thu ngân sách đã giảm từ mức 27,3% GDP (năm 2010), xuống 23,7% GDP (năm 2016). Một trong những lý do giảm thu ngân sách và thâm hụt ngân sách của Việt Nam trong những năm qua là do sụt giảm nguồn thu từ thuế và giảm sụt giá dầu thô. Thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp giảm mạnh từ năm 2006, từ 6,9% GDP năm 2010, xuống còn 4,3% GDP năm 2017. Điều này đặt ra những thách thức lớn cho Việt Nam.

Theo ông Johan Langerock, chuyên gia về chính sách thuế của Tổ chức Oxfam, trong nhiều năm qua, Việt Nam thực hiện nhiều chính sách ưu đãi thuế nhằm thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế. Và một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thu ngân sách từ thuế giảm xuống là do sự tập trung vào giảm thuế suất thu nhập doanh nghiệp và tăng ưu đãi thuế cho các nhà đầu tư nước ngoài. Ông dẫn số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), theo đó, ưu đãi thuế cho doanh nghiệp tại Việt Nam tương đương với 1% GDP, tương đương trên 50 nghìn tỷ đồng. Số tiền này có thể đầu tư xây dựng 25 bệnh viện mới với quy mô 1.000 giường tại Việt Nam.

 Cũng theo ông Johan Langerock, ưu đãi thuế đang được tập trung vào nhóm doanh nghiệp có quy mô lớn, thuộc ngành công nghiệp (nhất là ngành chế biến và chế tạo), có vốn đầu tư nước ngoài, nằm trong khu công nghiệp. Năm 2016, thuế suất phổ thông là 20% thì thuế suất thực nộp của các doanh nghiệp trong nhóm này chỉ khoảng 10%. Đáng chú ý, trong khi nguồn thu ngân sách từ thuế giảm thì chi tiêu qua thuế (nguồn thu mất đi do ưu đãi thuế) vẫn duy trì ở mức cao.

Phân tích và lượng hóa các chi phí và lợi ích ưu đãi thuế của Việt Nam, bà Hương cho hay, ước tính, giai đoạn 2012 - 2016, tổng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam bằng 7% tổng thu ngân sách nhà nước, tương ứng với 5% tổng chi ngân sách nhà nước và luôn cao hơn số ngân sách chi cho y tế, cao nhất là năm 2012 với con số bằng 1,4 lần chi cho y tế. Từ đó, Việt Nam đã mất đi một nguồn lớn ngân sách có thể đầu tư cho y tế, trong khi số tiền túi mà người dân Việt Nam bỏ ra để khám, chữa bệnh chiếm 44,6% (năm 2016) tổng chi tiêu cho ngành y tế. “Khi nguồn ngân sách thu từ thuế từ các công ty lớn giảm, áp lực đóng thuế VAT của người dân bình thường sẽ tăng lên hoặc dịch vụ công như y tế hay giáo dục cho người dân bị cắt giảm”, bà Hương nói.

Hơn nữa, nếu OECD thông qua áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu, mà Việt Nam vẫn tiếp tục ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp và mức đóng thuế thực tế của các doanh nghiệp thấp hơn mức thuế tối thiểu toàn cầu, thì Chính phủ các nước bản địa của các doanh nghiệp nước ngoài có quyền thu phần chênh lệch giữa thuế thực trả của doanh nghiệp tại Việt Nam và mức thuế tối thiểu toàn cầu. Điều này có nghĩa Việt Nam sẽ mất đi một phần nguồn thu lớn từ thuế thu nhập doanh nghiệp cho các nước phát triển.

Xem xét loại bỏ một số ưu đãi thuế

Nghiên cứu của Liên minh Công bằng thuế Việt Nam và Oxfarm cũng cho thấy, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam đã tạo ra những phí tổn tài khóa đáng kể và làm gia tăng hơn nữa khoảng cách thu nhập giữa các tầng lớp dân cư. Và nếu cắt giảm các ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ giúp tăng thu ngân sách 20%, trong khi không có tác động tiêu cực đến kinh tế vĩ mô. Đại diện Oxfam dẫn một khảo sát gần đây của Grant Thornton về triển vọng đầu tư tư nhân tại Việt Nam, trong đó, 69% số câu trả lời coi sự gia tăng của thu nhập khả dụng và tầng lớp trung lưu là yếu tố quan trọng nhất để đầu tư vào Việt Nam; 60% cân nhắc tăng trưởng kinh tế cao và ổn định; và chỉ 13% coi ưu đãi và trợ cấp của chính phủ là yếu tố quan trọng nhất.

Nhìn ở bình diện rộng hơn, Oxfam cho rằng, đây không chỉ là vấn đề ở cấp độ quốc gia mà là một cuộc đua xuống đáy khốc liệt về các sắc thuế cho doanh nghiệp giữa các quốc gia trong khối ASEAN. Các công ty trong khu vực ASEAN đã và đang trả mức thuế suất ngày càng thấp trong thập kỉ qua. Trong môi trường kinh doanh như vậy, các công ty lớn với các cổ đông giàu có ngày càng hưởng nhiều lợi ích, trong khi các dịch vụ công thiết yếu cho người dân thường chưa được đầu tư phát triển đúng mức.

Đại diện Oxfam đưa ra hai khuyến nghị. Một là, loại bỏ một số ưu đãi thuế sau khi thực hiện đánh giá tác động. Hai là, với vai trò là chủ tịch ASEAN trong năm 2020, Việt Nam nên bổ sung vấn đề về cạnh tranh thuế và ưu đãi thuế vào chương trình nghị sự của ASEAN nhằm nâng cao nhận thức và khởi xướng các thảo luận cấp khu vực về chủ đề này. “Cả hai hành động này đều nhắm tới việc tăng nguồn thu ngân sách từ thuế một cách công bằng và bình đẳng. Nếu thành công, bất bình đẳng trong xã hội sẽ giảm và Chính phủ sẽ có nhiều nguồn lực hơn để đầu tư cho y tế, giáo dục và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đang ngày càng khốc liệt hơn ở Việt Nam” đại diện Oxfam tin tưởng.

Bài và ảnh: An Thiện