Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi):

Đề xuất chính sách phù hợp với giáo viên các trường nội trú, bán trú đặc thù

- Thứ Ba, 15/01/2019, 20:35 - Chia sẻ
Theo cô Phạm Thu Thủy, giáo viên trường Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, nếu chưa thể giải quyết được bài toán về nhân lực thì Luật Giáo dục (sửa đổi) nên quy định tăng mức hưởng lương và phụ cấp đối với giáo viên các trường nội trú, bán trú đặc thù.

Bổ sung Bình đẳng giới vào Điều 14

Chiều 14.1, tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục xin ý kiến học sinh, sinh viên, giáo viên  về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), trong đó, chú trọng đến các vấn đề về bình đẳng giới như: Điều 7 về chương trình giáo dục, Điều 12 về quyền và nghĩa vụ học tập của công dân, Điều 30 về chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa.

Về nội dung này, học sinh Mai Phương Thảo, lớp 12A1 cho biết, vấn đề bình đẳng giới có thể bổ sung thêm vào khoản 1 và 2 điều 14 về giáo dục hòa nhập vì “bản thân chúng em thuộc dân tộc thiểu số nên bố mẹ không quan tâm tới chuyện giáo dục giới tính, đều phải tự tìm hiểu, đôi khi còn sai lệch. Chúng em rất cần các thầy, cô giáo quan tâm và có thể được đầu tư nhiều về tinh thần, vật chất giúp chúng em được phát triển toàn diện hơn về trí tuệ, hòa nhập như các bạn ở các trường bình thường khác".


Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên góp ý cho dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi)

Cùng với đó, học sinh Nguyễn Thị Xuyến (lớp 12A3) cho rằng, dự thảo có ghi giáo dục đáp ứng mục tiêu bình đẳng giới (mục 2, điều 7) là chưa được rõ ràng. Ngoài ra, cần có nhiều hơn các chương trình riêng dạy cho học sinh của 4 bậc học từ mầm non đến THPT về phòng tránh xâm hại, đảm bảo quyền được lên tiếng khi bị bắt nạt, quyền được bảo vệ và giáo dục giới tính thực tế hơn thay vì né tránh do e ngại hay coi nhẹ. Học sinh Nguyễn Thị Xuyến cũng chia sẻ, trong nội quy của nhà trường quy định các bạn nam, nữ không được ngồi cùng nhau, không được gặp riêng sau giờ học vậy là hơi khắt khe, cần cho chúng em được vui chơi, hòa nhập để chia sẻ, thấu hiểu cùng bạn bè trang lứa hơn giúp cải thiện vấn đề bình đẳng giới hơn là chỉ đọc trong sách vở.

Liên quan đến vấn đề bình đẳng giới, cô giáo Lê Thị Bằng Giang cho rằng tại Điều 12 về quyền và nghĩa vụ học tập của các em học sinh nên thay từ "nam nữ" bằng "giới tính", để nội hàm rộng hơn và tạo tính mở trong hội nhập với quốc tế. Đồng thời, theo cô Giang, vấn đề về giới cần được lồng ghép vào trong dạy học cụ thể. Cô Giang cũng chỉ ra bất cập, đó là chương trình sách giáo khoa Ngữ văn hiện tại có khoảng 2/3 các tác phẩm nói về nam giới, nói lên đàn ông phải có chí làm trai, còn nữ giới chỉ là sự hi sinh, cam chịu, tần tảo vì gia đình, như vậy là không phù hợp. Vì vậy, cô giáo đề nghị nên lựa chọn câu chuyện đảm bảo tính bình đẳng giới, đặc biệt là sự công bằng trong lựa chọn nghề nghiệp giữa các giới.

Nên quy định tăng mức hưởng lương và phụ cấp

Về chính sách cho giáo viên trường dân tộc nội trú, cô giáo Phạm Thu Thủy cho rằng, trường nội trú, bán trú cần có quy định chung để thống nhất giữa các địa phương và cần nâng tỉ lệ số giáo viên, số quản sinh, nhân viên thư viện trong trường nội trú. Ở trường nội trú, giáo viên vừa là thầy cô, cũng vừa là cha mẹ. Hiện nay 100% giáo viên vừa đứng lớp vừa phải thay phiên trực quản lý học sinh ngoài giờ lên lớp từ 19 giờ tối ngày hôm trước đến 7 giờ sáng ngày hôm sau, chưa kể nhiều đêm gần như thức trắng khi có học sinh bị ốm đau… Thế nhưng cả ngày vẫn phải đảm bảo số giờ dạy trên lớp, đủ số tiết/tuần, nhiều giáo viên đi dạy xa nhà vài chục cây số, như vậy rất vất vả.

Thầy Hoàng Trung Đông cho rằng, trong cả dự thảo luật sửa đổi và thông tư hiện nay, chúng ta đang bỏ ngỏ vấn đề quản lý học sinh dân tộc nội trú, các trường phổ thông dân tộc nội trú đều chưa có nhân viên quản lý ngoài giờ học. Trong khi, nhiều vụ việc đánh nhau, bắt nạt bạn bè, bỏ trốn… lại xảy ra trong thời gian này. Theo thầy Đông, trong Thông tư 01/2016 của Bộ GD-ĐT quy định thầy cô giáo sẽ cùng tham gia vào công tác quản lý học sinh nội trú nhưng thực chất giáo viên đang trực tiếp quản lý thay vì hỗ trợ hay tham gia. Lý do các trường đang trong quá trình tinh giảm biên chế, không có người quản sinh chuyên biệt nên giáo viên cần được đãi ngộ tốt hơn nữa trong Luật và các văn bản dưới luật.

Theo cô Phạm Thu Thủy, nếu chưa thể giải quyết được bài toán về nhân lực thì Luật Giáo dục (sửa đổi) nên quy định tăng mức hưởng lương và phụ cấp đối với giáo viên các trường nội trú, bán trú đặc thù. Hiện tại, hệ số lương của giáo viên đứng lớp là 2.4, giáo viên trường dân tộc nội trú mong muốn được nâng lên 2.6 hoặc 2.7 để đội ngũ giáo viên được yên tâm công tác và có sự chia sẻ nhất định từ xã hội.

Ghi nhận và chia sẻ những khó khăn của của giáo viên, học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Thái Nguyên, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD-ĐT) Bùi Văn Linh cho biết, trên toàn quốc có hơn 50 trường phổ thông dân tộc nội trú, một số ít tỉnh có 2 trường, do đó, các ý kiến sẽ được ghi nhận để Bộ GD-ĐT và Chính phủ có sự quan tâm ban hành những chính sách tốt hơn cho các trường dân tộc nội trú. Tất cả những ý kiến góp ý sẽ được gửi tới Ban soạn thảo Luật Giáo dục sửa đổi để xem xét trong quá trình xây dựng dự thảo luật này.

Minh Vân