Kỷ niệm ngày Giải phóng thủ đô Hà Nội:

Đội ngũ nữ trí thức Thủ đô góp phần quan trọng cho lĩnh vực giáo dục đào tạo

- Thứ Tư, 09/10/2019, 18:15 - Chia sẻ
Đây là nhận định của PGS.TS Bùi Thị An, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội (HUSTA); Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội khi đánh giá về đội ngũ nữ tri thức Thủ đô nhân dịp Kỷ niệm 65 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10.10.1954-10.10.2019). Vận động đội ngũ nữ trí thức không thể chỉ ở kêu gọi bằng các khẩu hiệu mà phải đi vào thực chất, có chiều sâu gắn với công việc và quyền lợi của từng người.

Trong lịch sử phát triển đất nước nói chung và TP Hà Nội nói riêng, sự đóng góp của đội ngũ Nữ trí thức Việt Nam trong đó có Nữ trí thức thủ đô đã được đánh giá cao. Tên tuổi và những dấu ấn của các chị đã đi cùng năm tháng trên mọi lĩnh vực như: chính trị, kinh tế - xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục- đào tạo.

Với thiên chức là những người bà, người mẹ, người vợ nhân đức trước hết đã trực tiếp nuôi nấng, dạy dỗ con thơ từ thuở lọt lòng đến khi trưởng thành. Chính tình mẫu tử giúp các em khôn lớn và hướng thiện, tăng “miễn dịch” với các thói hư tật xấu và các tiêu cực của xã hội, đặc biệt hơn nữa, chính từ những ngôi nhà, những người bà, người mẹ đã xây dựng giá trị sống, nhân cách sống cho các em.


Trong ngành giáo dục của cả nước có trên 60% là nữ, riêng với TP Hà Nội thì tỷ lệ đó còn lớn hơn nhiều với khoảng 80% là nữ, trong số đó có 93.000 nữ giáo viên/110.000 giáo viên từ mầm non trở lên trong các cơ sở giáo dục thuộc các loại hình công lập, ngoài công lập. Đội ngũ nữ giáo viên này, về cơ bản và nhất là từ cấp tiểu học trở lên trên địa bàn thành phố đã được đào tạo rất cơ bản, được cập nhật thường xuyên các thông tin mới nên họ có đầy đủ khả năng tiếp cận và vận dụng các kiến thức và phương pháp sư phạm hiện đại, hiệu quả đến học sinh, tạo động lực và khí thế mới  trong “dạy tốt, học tốt” tại các trường.

Từ sau ngày giải phóng Thủ đô, cùng với sự phát triển của đất nước, đội ngũ nữ trí thức của TP Hà Nội đã tăng lên đáng kể. Các chị có mặt ở tất cả các lĩnh vực: từ lãnh đạo, quản lý, giảng dậy, nghiên cứu, quản lý doanh nghiệp… Nhiều chị đã và đang đảm nhận các cương vị trọng trách trong thành phố như (Phó bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thu Hằng, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương, Trưởng ban dân vận Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến… Cùng với đó, rất nhiều chị đã đảm nhiệm những vị trí như: giám đốc sở, bí thư quận ủy, hiệu trưởng, hiệu phó các trường từ mầm non lên tới các trường trung học cơ sở, phổ thông, đại học.

Tính từ năm 1980 đến nay, đã có rất nhiều chị đã được công nhận giáo sư, phó giáo sư qua 26 đợt xét duyệt, 59 nữ giáo sư trên tổng 1.798 giáo sư của cả nước (chiếm 3,2%)  và  2.039 nữ phó giáo sư trên tổng số 11.655 (chiếm 17,5% ); 68% số giáo sư, phó giáo sư cả nam và nữ đang sống và làm việc tại Thủ đô Hà Nội. Nhiều chị được công nhận là Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú, Thày thuốc nhân dân, Thầy thuốc ưu tú, Anh hùng lao động thời đổi mới, đặc biệt là những giám đốc điều hành (CEO) tài ba, mà tên tuổi doanh nghiệp của họ được ghi dấu trên bản đồ thế giới…. Đây là những người có vị trí quan trọng trong việc thiết kế, hoạch định và quyết định các nội dung, phương thức cũng như các cơ chế chính sách về giáo dục đào tạo của thủ đô một cách hiệu quả và hợp lý. Nói một cách tổng quát, dù tác động trực tiếp hay gián tiếp đến giáo dục đào tạo, thì đội ngũ nữ trí thức Thủ đô góp phần quan trọng làm tăng động lực, tạo môi trường cho lĩnh vực giáo dục đào tạo của Thủ đô phát triển.

Đất nước chỉ có thể phát triển bền vững trên nền giáo dục tốt đẹp, vì vậy giáo dục cần phải được đầu tư đủ ngưỡng. Đầu tư cho giáo dục là sự đầu tư khôn ngoan nhất. Chính vì vậy, một mặt cần tạo điều kiện thuận lợi để chị em được tiếp cận với văn minh của các nước phát triển, có cơ hội giao lưu (hoặc trực tiếp hoặc qua mạng), học tập các thành quả nghiên cứu, các kinh nghiệm của các nhà khoa học hàng đầu của các quốc gia. Trên cơ sở đó chọn lọc, vận dụng sáng tạo phù hợp với hoàn cảnh của đất nước và của Thủ đô. Mặt khác, cần tạo môi trường, cơ chế thuận lợi, đáp ứng những nhu cầu thiết yếu, phù hợp với đặc điểm tính cách, tâm lý của đội ngũ nữ trí thức. Vận động đội ngũ nữ trí thức không thể chỉ ở kêu gọi bằng các khẩu hiệu mà phải đi vào thực chất, có chiều sâu gắn với công việc và quyền lợi của từng người.  

Liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Hội, cần lấy hiệu quả công việc là tiêu chí xuyên suốt; trên cơ sở thu thập các thông tin, các nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ; nghiên cứu, lựa chọn cho đúng vấn đề vừa góp phần giải quyết những bức xúc của Thủ đô, vừa phù hợp với thế mạnh của Hội. Riêng với lĩnh vực giáo dục đào tạo, Hội cần phải nghiên cứu, quán triệt sâu sắc NQ 29 của TƯ Đảng về “Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Trên cơ sở đó, hướng các hoạt động của hội viên, trước hết là các chị công tác trong ngành hoặc liên quan nhiều đến lĩnh vực giáo dục đào tạo sao cho thật hiệu quả, có như vậy mới đáp ứng yêu cầu sự nghiệp trồng người của Thủ đô trong giai đoạn mới.

Xuân Tùng ghi