Trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật

Thiết thực và sát quyền lợi

- Thứ Sáu, 19/04/2024, 07:43 - Chia sẻ

Nhằm bảo đảm quyền và phát huy vai trò của người khuyết tật trong xã hội, Đảng và Nhà nước đã dành nhiều sự quan tâm, chăm lo cho người khuyết tật với các chính sách, pháp luật nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật thực hiện bình đẳng về các quyền chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Trong đó, có hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL) cho người khuyết tật. 

Tăng cường hoạt động truyền thông

Theo Cục Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp), TGPL cho người khuyết tật là hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí và địa chỉ tin cậy cho người khuyết tật thuộc diện được TGPL khi họ cần được hỗ trợ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp về pháp luật. Thống kê từ khi triển khai Luật TGPL 2017 đến hết năm 2023, trên toàn quốc đã thực hiện hơn 176,6 nghìn lượt người thuộc diện được TGPL; trong đó có hơn 11,3 nghìn lượt người khuyết tật có khó khăn về tài chính.

Không chỉ tăng về số lượng mà chất lượng vụ việc TGPL ngày càng được nâng lên; nhiều vụ việc tham gia tố tụng có quan điểm bào chữa, bảo vệ của người thực hiện TGPL được các cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận theo hướng có lợi cho người khuyết tật. Đơn cử như được tăng mức bồi thường thiệt hại hay được tuyên mức án nhẹ hơn hoặc chuyển tội danh, thay đổi khung hình phạt thấp hơn so với mức đề nghị của Viện Kiểm sát...

Nhằm giúp người khuyết tật hiểu về hoạt động TGPL, xóa đi rào cản, sự tự ti; thời gian qua, Cục TGPL cũng tăng cường các hoạt động truyền thông để người khuyết tật có khó khăn về tài chính được tiếp cận, thụ hưởng dịch vụ TGPL miễn phí của Nhà nước một cách kịp thời, hiệu quả. Mặt khác, hoạt động truyền thông cho người khuyết tật cũng được đẩy mạnh tại các địa phương. Theo đó, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố đã chỉ đạo các Trung tâm TGPL nhà nước thực hiện nhiều biện pháp truyền thông về quyền TGPL cho người khuyết tật thông qua hoạt động cung cấp Bảng thông tin, tờ thông tin, hộp tin TGPL, tờ gấp pháp luật…

Việc thành lập đoàn công tác xuống tận xóm, xã tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật, tư vấn pháp lý miễn phí ngay tại cơ sở, giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người khuyết tật… là những hoạt động quan trọng của Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Thái Nguyên. 

Nâng cao chất lượng TGPL cho người khuyết tật. Nguồn: ITN
Nâng cao chất lượng trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật. Nguồn: ITN

Buổi tư vấn pháp luật do Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Thái Nguyên tổ chức tại UBND xã Thượng Đình (huyện Phú Bình) vào cuối tháng 3 vừa qua thu hút đông đảo người dân trong xã đến tham dự. Buổi tư vấn, truyền thông diễn ra trong không khí cởi mở, gần gũi; nội dung được cán bộ Trung tâm phổ biến đều thiết thực, sát với quyền lợi người dân, người khuyết tật. Đối với từng trường hợp cụ thể, người dân được tư vấn, trợ giúp riêng tại chỗ hoặc hướng dẫn các trình tự thủ tục để được TGPL theo quy định của pháp luật.

Để người khuyết tật nói chung và người khuyết tật là dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nói riêng, dễ dàng tiếp cận với dịch vụ TGPL; Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện các hoạt động truyền thông trực tiếp tại cơ sở, biên soạn tài liệu pháp luật, tờ gấp pháp luật về chính sách và quyền được TGPL của người khuyết tật, người khuyết tật có khó khăn về tài chính.

Đổi mới theo hướng tập trung vào vụ việc

Với Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Tây Ninh, những năm qua, Trung tâm có nhiều nỗ lực trong công tác tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, truyền thông TGPL, trở thành cầu nối pháp lý cho người khuyết tật. Hoạt động TGPL trên địa bàn tỉnh ngày càng đổi mới theo hướng tập trung vào các vụ việc, nhất là tham gia tố tụng. Từ các vụ việc như hình sự, dân sự… khi có yêu cầu được TGPL, Trung tâm luôn đáp ứng tốt các hình thức tư vấn, bào chữa, bảo vệ trong quá trình tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng.

Đội ngũ trợ giúp viên pháp lý khi được Trung tâm TGPL tỉnh Tây Ninh phân công thực hiện luôn tận tâm, nhiệt huyết, trách nhiệm với công việc. Bên cạnh đó, trợ giúp viên trong tham gia tố tụng hình sự không chỉ giúp đỡ người khuyết tật được TGPL về mặt pháp lý, mà còn động viên tinh thần giúp họ vượt qua khủng hoảng tâm lý. Nhiều vụ việc TGPL đã góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người khuyết tật, góp phần hạn chế thấp nhất các trường hợp oan sai, nâng cao chất lượng giải quyết vụ án của các cơ quan tiến hành tố tụng, nhiều trường hợp được giảm án nhờ có TGPL…

Với Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Tuyên Quang, để nâng cao chất lượng TGPL, Trung tâm luôn chú trọng tới việc nâng cao năng lực cho người thực hiện TGPL; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho người thực hiện TGPL về kiến thức, kỹ năng thực hiện TGPL cho người khuyết tật. Bên cạnh đó, Trung tâm tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng, trại tạm giam, UBND cấp xã bảo đảm 100% người khuyết tật được TGPL khi họ có yêu cầu.

Đại diện Trung tâm TGPL tỉnh Tuyên Quang cho biết, người khuyết tật thường tự ti nên họ chưa mạnh dạn trong việc thực hiện quyền được TGPL của mình khi có những vướng mắc, tranh chấp pháp luật. Mặt khác, đa phần người khuyết tật đi lại khó khăn nên đội ngũ trợ giúp viên pháp lý, luật sư ký hợp đồng TGPL đều tận tâm, chịu khó xuống địa bàn cơ sở để tiếp cận, tư vấn và thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan mà người khuyết tật còn vướng mắc; giúp họ tham gia tố tụng và bảo vệ quyền lợi cho họ. Các vụ việc tham gia đều thành công, hiệu quả, đạt chất lượng tốt và người được TGPL đều hài lòng với kết quả giải quyết vụ việc.

Theo các chuyên gia, để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác TGPL cho người khuyết tật, thời gian tới, cần bồi dưỡng, tập huấn nâng cao chất lượng, kỹ năng của người thực hiện TGPL, bảo đảm phù hợp với tâm lý, điều kiện của người khuyết tật; tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng để 100% người khuyết tật được TGPL khi họ có yêu cầu; bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của người khuyết tật.

Đỗ Quyên
#