Trường đại học mở ngành mới

Đón đầu và dẫn dắt thị trường

- Thứ Ba, 10/09/2019, 08:03 - Chia sẻ
Tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Tự chủ đại học: Nâng cao chất lượng đào tạo” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 9.9, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, PGS.TS. Hoàng Minh Sơn cho rằng, trong quá trình tự chủ đào tạo, việc mở ngành mới không chỉ để chạy theo nhu cầu thị trường, mà còn thể hiện trách nhiệm dẫn dắt sự phát triển của thị trường. “Các ngành học mới mở ra phải bảo đảm chất lượng, tạo ra định hướng mới về nhân lực cho tương lai”.

Cần cơ chế tự chủ tài chính linh hoạt

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (GDĐH) có hiệu lực từ ngày 1.7, những điều chỉnh, bổ sung trong Luật này được đánh giá là khá hiện đại, tháo gỡ các nút thắt đối với giáo dục Việt Nam. Tuy nhiên, trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học như thế nào và thực hiện quyền tự chủ ra sao để bảo đảm mục đích cuối cùng là nâng cao hiệu quả chất lượng của giáo dục đại học, đồng thời vẫn bảo đảm các vấn đề về an sinh xã hội như giá học phí và khả năng tiếp cận thị trường việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp là vấn đề được dư luận quan tâm.

Liên quan mức học phí của sinh viên sau tự chủ, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, PGS.TS. Hoàng Minh Sơn cho rằng, để nâng cao chất lượng đào tạo, đồng thời bảo đảm sự tiếp cận GDĐH của người học thì việc tăng học phí là điều tất yếu. Đến nay chính sách học phí của nhà trường đã ổn định, sinh viên cũng có nhiều lựa chọn các chương trình học khác nhau. Bên cạnh khung học phí nhà trường còn có học bổng bảo đảm khả năng tiếp cận cơ hội cho người học.

Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cũng là một trong những trường đầu tiên thực hiện cơ chế tự chủ. Đến nay nhà trường thực hiện đúng tinh thần Nghị định 86 của Chính phủ. Mức học phí tăng 5%/năm được công khai minh bạch, thực hiện công bố cho toàn khóa giúp sinh viên không bất ngờ. Đối với các đối tượng khó khăn, nhà trường cam kết có quỹ học bổng cho sinh viên nghèo. Nhiều học bổng tài năng được cấp cho cả khóa học, sinh viên có đủ khả năng chi trả trong suốt quá trình học tập. Tuy nhiên, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, PGS.TS. Phạm Hồng Chương cho rằng, nếu chỉ trông chờ vào học phí thì chúng ta sẽ không có những đột phá, về lâu dài các trường ĐH Việt Nam cần có bước thay đổi.

Để cung cấp chất lượng đào tạo tốt nhất, theo PGS.TS. Hoàng Minh Sơn, Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp. “Có nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư vào nhà trường nhưng chưa có quy trình thủ tục hướng dẫn nên quá trình đầu tư chậm trễ, vì vậy, Nhà nước cần có chính sách, cơ chế rõ ràng để khuyến khích doanh nghiệp tham gia”. Cùng với đó, PGS.TS. Phạm Hồng Chương cho rằng, cần cơ chế linh hoạt nhưng không nên dừng lại ở việc đóng góp từ các nhà hảo tâm, sự đầu tư của các doanh nghiệp mà điều quan trọng là cần làm rõ bản chất của học phí, làm rõ việc tự chủ tự chịu trách nhiệm về tài chính của các trường.

 Theo Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD - ĐT) PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy, một số trường ĐH mở ngành đào tạo mới không đúng với chuyên ngành đào tạo truyền thống nhằm thu hút sinh viên dẫn đến hiện tượng bão hòa, nhiều sinh viên tốt nghiệp không xin được việc làm đã bị Bộ GD - ĐT cảnh báo. Từ trước đến nay, Bộ đã đưa ra quy định để kiểm soát chất lượng đào tạo của các trường ĐH, trong đó đặt ra yêu cầu trách nhiệm đối với lãnh đạo các trường ĐH rất cao. Nếu trường ĐH nào mở ngành không đúng, không đảm bảo chất lượng thì trong một thời gian ngắn hạn sẽ bị thị trường “đào thải” và phải trả giá cho việc làm của mình. Trong tương lai lâu dài thì trường này cũng sẽ mất uy tín và không thể tồn tại.

Ngành học mới - định hướng mới về nhân lực tương lai

Đổi mới cơ chế quản lý theo hướng trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị giáo dục đại học công lập là phù hợp với chủ trương, đường lối mở cửa hội nhập của Đảng và Nhà nước. Trong thời gian tới, các trường ĐH thực hiện cơ chế tự chủ, trong đó có tự chủ về đào tạo thì việc mở ra các ngành học mới là tất yếu. Những năm gần đây, xuất hiện xu hướng các trường đại học thu hẹp ngành nghề đào tạo truyền thống và mở rộng đào tạo sang một số ngành nghề mới. Xu hướng này đặt ra câu hỏi, mở ngành chỉ để tạo ra lợi thế tuyển sinh hay là sự bắt tay với thị trường lao động của các trường đại học trong xu thế cạnh tranh để tồn tại hiện nay?

Theo PGS.TS. Hoàng Minh Sơn, mở ngành mới không chỉ để chạy theo nhu cầu thị trường, mà còn thể hiện trách nhiệm dẫn dắt sự phát triển của thị trường, nhiều ngành nghề phải đi trước. Từ năm học 2019, Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội đã mở một số  ngành mới như khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, công nghệ giáo dục. Theo ông Sơn, “khi mở ngành các nhà trường cần nhìn nhận thị trường ngắn hạn, dài hạn, có tầm nhìn dài hơi, mục tiêu lớn hơn. Các ngành học mới mở ra phải đảm bảo chất lượng, tạo ra định hướng mới về nhân lực cho tương lai”.

Trường ĐH Kinh tế Quốc dân năm học 2019 cũng mở rộng thêm 7 chương trình mới (học bằng tiếng Anh) như: Đầu tư tài chính, Công nghệ tài chính, Khoa học dữ liệu trong Kinh tế và Kinh doanh, Quản trị khách sạn quốc tế, Phân tích kinh doanh, Kinh doanh số, Quản trị chất lượng. Theo PGS.TS. Phạm Hồng Chương, quy trình mở ngành của nhà trường tuân thủ quy trình chặt chẽ, được xây dựng theo hướng liên thông quốc tế, tích hợp liên ngành và phù hợp với thời đại công nghệ số. “Những ngành kinh tế kinh doanh đòi hỏi sát sao thị trường nhiều hơn khối ngành công nghệ, do đó, việc mở ngành mới phải đáp ứng sự thay đổi của thị trường, đồng thời, tăng cường hàm lượng công nghệ để trong tương lai, sinh viên tốt nghiệp vừa có kiến thức công nghệ, vừa đáp ứng yêu cầu kinh doanh”. Đối với ý kiến cho rằng hiện nay, các trường đại học đang thu hẹp các ngành nghề đào tạo truyền thống do sinh viên ra trường không có việc làm, PGS.TS. Phạm Hồng Chương nhận định, những ngành truyền thống cần đổi mới, điều mấu chốt vẫn là chất lượng đào tạo.

Minh Vân