Dồn tổng lực ngăn chặn dịch bạch hầu lây lan

- Thứ Tư, 05/08/2020, 08:26 - Chia sẻ
Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, đã có hàng chục trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu, có trường hợp tử vong và phần lớn được phát hiện ở vùng sâu, vùng xa, vùng trũng trong triển khai Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia. Để chủ động kiểm soát, ngăn chặn kịp thời, không để lây lan dịch bạch hầu, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Khoảng trống trong phòng, chống dịch

Bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, lây lan nhanh qua đường hô hấp và có thể tử vong nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời. Bệnh có thể dự phòng bằng tiêm vaccine và điều trị khỏi bằng kháng sinh đặc hiệu. Mặc dù vậy, tại các tỉnh Tây Nguyên cũng gặp một số khó khăn trong công tác phòng, chống và khám, điều trị bệnh bạch hầu, đặc biệt là công tác tuyên truyền, tiêm phòng vaccine ở khu vực này.

Nguyên nhân do nhiều đồng bào dân tộc thiểu số không biết tiếng phổ thông; nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số có quan điểm phòng, chống dịch khác nhau nên không đưa con em mình đi tiêm vaccine phòng, chống bệnh bạch hầu. Bên cạnh đó, hiện nay các tỉnh đều thiếu thuốc phục vụ điều trị cho bệnh nhân bạch hầu, nhất là thuốc Serum anti diphterique (SAD), cơ sở vật chất còn nghèo nàn, cơ sở y tế còn thiếu nguồn nhân lực và vật lực để phòng, chống và khám, điều trị bệnh nhân bạch hầu…

Đa số các trường hợp bị mắc bệnh đều chưa được tiêm vaccine phòng ngừa bạch hầu hoặc không tiêm đúng lịch, không tiêm đầy đủ số mũi yêu cầu, trong đó chủ yếu là người trên bảy tuổi (chiếm 85%). Tuy nhiên, có trường hợp 50 - 60 tuổi cũng mắc bệnh. Có một điều đáng lo ngại, 50% ca dương tính với bạch hầu được phát hiện qua phương pháp xét nghiệm sàng lọc chứ hoàn toàn không xuất hiện các triệu chứng lâm sàng. Điều này khiến các nhà chuyên môn khẳng định, dịch bệnh đã lây lan trong cộng đồng, nguy cơ lây bệnh từ người này sang người khác qua tiếp xúc rất cao.

Theo Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia Dương Thị Hồng, một phần nguyên nhân bệnh bạch hầu bùng lên thời gian gần đây là do chương trình tiêm chủng có sự chuyển đổi từ vaccine “5 trong 1” Quinvaxem sang vaccine ComBe Five, bà con có tâm lý không thoải mái khi đưa con em đi tiêm phòng. Thêm vào đó, do dịch Covid-19, đặc biệt trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, bà con quên tiêm mũi nhắc lại hoặc bỏ hẳn.

Đánh giá mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, ngày 8.7, công điện khẩn của Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố xác định vùng và đối tượng nguy cơ, tổ chức tiêm vaccine phòng bệnh, bảo đảm đủ phương tiện, kinh phí, vật tư phòng dịch. Công điện chỉ rõ, Bộ Y tế bảo đảm cung ứng đủ vaccine phòng bệnh cho các tỉnh; Bộ Tài chính bảo đảm kinh phí phòng dịch theo yêu cầu của Bộ Y tế; Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai các hoạt động vệ sinh phòng bệnh tại cơ sở giáo dục, trường học, nhà trẻ; Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, chính quyền địa phương tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh bạch hầu để người dân tích cực, chủ động thực hiện, khi có dấu hiệu mắc bệnh đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

Người dân được thăm khám, kiểm tra sức khỏe để phát hiện trường hợp nghi nhiễm bạch hầu  

Nguồn: ITN 

Không để dịch bệnh lan rộng, kéo dài

Tại buổi làm việc mới đây với lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định quyết tâm trong thực hiện chiến dịch tiêm chủng trên quy mô rộng và cho tất cả người dân nhằm ngăn chặn dịch bệnh bạch hầu lây lan và tạo tiền đề vững chắc phòng, chống dịch các năm tiếp theo. Đồng thời nhấn mạnh, bệnh bạch hầu là bệnh cổ điển, tất cả cơ chế sinh bệnh học đều đã biết, tử vong chủ yếu do biến chứng. Bệnh này có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu, do đó, các cơ quan cần tập trung nỗ lực khống chế, quyết liệt ngăn chặn và kiểm soát tốt dịch bệnh này. Chỉ tính riêng 4 tỉnh Tây Nguyên, dự kiến 4,7 triệu người với hơn 10 triệu liều vaccine sẽ được cung ứng trong thời gian tới.

Được biết, kể từ khi phát hiện trường hợp mắc bệnh bạch hầu đầu tiên tại tỉnh Đắk Nông đến nay, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đã phối hợp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Kon Tum và Gia Lai điều tra, xử lý ổ dịch, nhận định các yếu tố nguy cơ để đưa ra các giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả lâu dài. Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng đã nhanh chóng tổ chức lớp tập huấn tăng cường công tác điều trị bệnh bạch hầu, sốt xuất huyết và dịch Covid-19 tại Đắk Lắk cho đội ngũ nhân viên y tế 4 tỉnh Tây Nguyên có dịch.

Không ít chuyên gia y tế cho rằng, để ngăn chặn được dịch bệnh lây lan, ngành y tế cần thực hiện tốt công tác chẩn đoán sớm, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, hạn chế đến mức thấp nhất số biến chứng nặng và tử vong. Bố trí khu vực riêng điều trị bạch hầu, thực hiện tốt công tác phòng chống nhiễm khuẩn tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, không để lây nhiễm chéo sang những người mắc bệnh khác.

Bên cạnh đó, tổ chức ngay các lớp tập huấn cho cán bộ y tế về công tác giám sát, phòng chống dịch bệnh, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người bệnh. Các Sở Y tế cũng cần rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vaccine phòng bệnh bạch hầu trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng để tổ chức tiêm bổ sung vaccine phòng bệnh bạch hầu, bảo đảm cho trẻ được tiêm đủ mũi, đạt tỷ lệ tiêm chủng trên 95% ở tất cả xã, phường, thị trấn đặc biệt tại các vùng núi, vùng sâu, vùng xa, nơi tiếp cận với dịch vụ y tế còn hạn chế. 

Linh Lan