Đừng để doanh nghiệp phải “bội tín” bất đắc dĩ!

- Thứ Tư, 16/09/2020, 06:16 - Chia sẻ
Có nhiều doanh nghiệp bất động sản có năng lực về tài chính muốn được nộp tiền sử dụng đất để làm “sổ hồng” (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác khác với đất) cho cư dân nhưng vướng nhiều rào cản. Chỉ vì khó khăn trong nộp tiền sử dụng đất đã vô hình trung đẩy một số doanh nghiệp làm ăn chân chính rơi vào tình trạng “bội tín” với khách hàng một cách “bất đắc dĩ”.

Chia sẻ về những vướng mắc của doanh nghiệp trong đầu tư các dự án nhà chung cư, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh Trần Quốc Dũng cho biết, công ty ông có 13 dự án, tương đương 8.791 căn hộ chưa được Sở Tài nguyên - Môi trường TP Hồ Chí Minh cấp “sổ hồng”, hầu hết hồ sơ này bị vướng ở khâu xác định tiền sử dụng đất.

Quá trình thẩm định giá đất, xác định tiền sử dụng đất mất rất nhiều thời gian, doanh nghiệp phải từ 3 năm mới nộp được tiền sử dụng đất, thậm chí nếu nộp tiền sử dụng đất trước khi công nhận, chủ đầu tư cũng mất đến 5 - 7 năm vẫn chưa được thông qua phương án giá đất. Đây là một nút thắt mà một số doanh nghiệp đang vấp phải rất cần các cơ quan có thẩm quyền sớm nghiên cứu, xem xét, tháo gỡ.

Còn theo Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) tổng hợp số liệu từ 53 dự án được phê duyệt trong các năm 2015 - 2019, trên tổng số 490 dự án nhà ở tại TP Hồ Chí Minh thuộc 12 doanh nghiệp, có 25.631 căn nhà, chủ yếu là căn hộ chung cư đã bị chậm cấp sổ hồng. Sở Tài nguyên - Môi trường TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, hiện nay thành phố còn hơn 100 dự án đã nộp hồ sơ đề nghị tính tiền sử dụng đất nhưng chưa được giải quyết.

Số phận những căn hộ bị “treo” sổ hồng không còn là câu chuyện riêng ở TP Hồ Chí Minh. Cho đến thời điểm này, chưa có số liệu thống kê cụ thể trên phạm vi cả nước có bao nhiêu căn hộ chưa được ghi nhận về tính pháp lý “sổ hồng”. Nhưng nếu thống kê đầy đủ, số liệu của hàng trăm dự án đã bàn giao căn nhà cho khách hàng, nhưng chưa được tính tiền sử dụng đất, thì số lượng căn nhà bị chậm cấp sổ hồng là không nhỏ.

Việc chậm cấp sổ hồng để lại nhiều hệ lụy. Điều này ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người mua nhà và quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp. Bởi khi có sổ hồng thì doanh nghiệp mới thu được 5% còn lại sau khi bàn giao nhà ở cho cư dân, nếu chậm ngày nào doanh nghiệp khó khăn ngày đó, trong khi áp lực dòng vốn với doanh nghiệp rất lớn.

Việc chậm cấp sổ hồng cũng là nguyên nhân gây nên bức xúc của cư dân ở các khu chung cư đối với chủ đầu tư. Cư dân cho rằng, tiền đã trao nhưng “cháo” lại chưa được múc và cảm thấy mình bị chủ đầu tư lừa dối, dù rằng, trong trường hợp này, chủ đầu tư hoàn toàn bị rơi vào tình trạng bất khả kháng. Mâu thuẫn xảy ra giữa khách hàng và chủ đầu tư vì chậm cấp sổ hồng không chỉ ảnh hưởng đến an ninh trật tự mà còn ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp. Ngoài ra sự tắc nghẽn trong việc cấp sổ hồng còn ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách nhà nước.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Đó là do quy trình thủ tục liên quan đến quá trình cấp giấy chứng nhận còn quá nhiêu khê; quy định pháp luật chồng chéo gây lúng túng cho cán bộ thực thi. Tất nhiên, không loại trừ cán bộ có thẩm quyền sợ trách nhiệm, không ký duyệt để giải quyết các trường hợp này bởi quy trình tính tiền sử dụng đất trong triển khai dự án vẫn đang gặp những vướng mắc về mặt kỹ thuật, pháp lý.

Theo Nghị định số 91/2019/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, đơn vị kinh doanh bất động sản hoặc chuyển quyền sử dụng đất nếu không nộp hồ sơ, cung cấp đầy đủ giấy tờ cho người mua làm thủ tục cấp sổ đỏ sẽ bị xử phạt tùy vào mức độ vi phạm, mức phạt cao nhất đối với vi phạm này là trên 1 tỷ đồng. Chế tài này là cần thiết đối với đơn vị kinh doanh bất động sản. Câu hỏi đặt ra là, đối với những trường hợp không phải lỗi của chủ đầu tư, việc chậm cấp sổ đỏ, sổ hồng có nguyên nhân từ phía cơ quan nhà nước thì ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm?

Phải làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, cá nhân (nếu có) dẫn đến sự chậm trễ này, tránh tình trạng cứ “vin” vào lý do quy định pháp luật đất đai bất cập, cơ quan này đổ cho cơ quan kia để kéo dài quá trình cấp sổ đỏ, sổ hồng cho người dân. Cùng với đó, cần hoàn thiện hành lang pháp lý về đất đai bảo đảm tính thống nhất, thuận tiện cho việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người sử dụng. Không để bất cập của quy định pháp luật dẫn đến các doanh nghiệp phải “bội tín” với khách hàng.

Song Hà