Nữ sinh Bình Phước trúng tuyển ngành Triết học nhiều trường top đầu của Mỹ và Canada

- Thứ Sáu, 19/04/2024, 08:30 - Chia sẻ

Cao Hoàng Như Phúc, nữ sinh lớp 12E chuyên Anh của trường THPT chuyên Quang Trung, Bình Phước liên tiếp nhận được tin trúng tuyển ngành Triết học tại các trường Đại học top đầu Mỹ và Canada.

Đỗ đại học Top 6 thế giới nhờ đam mê Triết học

Mới đây, Cao Hoàng Như Phúc vui mừng nhận tin trúng tuyển ngành Triết học tại Đại học California, Berkeley (UC Berkeley). Đây là trường được bảng Xếp hạng đại học thế giới Times Higher Education đánh giá là một trong sáu trường đại học danh giá nhất thế giới. 

z5359354646922_bba09348b6750885aa281137b6ccf19f.jpg -0
Cao Hoàng Như Phúc, nữ sinh lớp 12E chuyên Anh, Trường THPT chuyên Quang Trung, tỉnh Bình Phước (Ảnh: NVCC)

Trước đó, nữ sinh cũng nhận được thư mời nhập học ngành Triết học của 11 trường khác, đều thuộc top 50 của Mỹ và Canada. Trong đó, nổi bật là Đại học Toronto (top 1 Canada), California Los Angeles (top 15 Mỹ), Florida, California San Diego và California Davis (đồng hạng 28 Mỹ). 

Từ năm lớp 11, Cao Hoàng Như Phúc bắt đầu chuẩn bị hồ sơ du học. Nữ sinh chọn các trường đại học ở Canada và Mỹ bởi đây là hai đất nước có nền giáo dục về Triết học phát triển mạnh mẽ. 

Nói về sự yêu thích với Triết học, Phúc cho biết ngày mời vào lớp 10 tình cờ đọc được các tài liệu Triết học và dần bị cuốn hút. Càng tìm hiểu sâu, em nhận thấy đây là bộ môn gần gũi với đời sống con người và có thể áp dụng để giải quyết các vấn đề xã hội. Triết học cũng giúp Phúc rèn luyện kỹ năng tư duy, phân tích và phản biện. 

"Em từng đọc về một người phụ nữ trở thành giáo sư Triết học sau ám ảnh bị xâm hại tình dục năm 13 tuổi. Cách cô vượt qua khó khăn cũng là một vấn đề triết học nhắc đến. Từ đó, em có thêm cảm hứng để theo đuổi bộ môn này", Như Phúc tâm sự. 

Bên cạnh Triết học, tiếng Anh cũng là bộ môn Như Phúc yêu thích và đạt nhiều thành tích ấn tượng. Nữ sinh hai năm liên tiếp đạt Giải Ba học sinh giỏi Quốc gia môn Anh; ba năm liên tiếp xếp hạng Nhất học sinh giỏi Anh tại kỳ thi của Tỉnh. 

Để đạt được kết quả này, Cao Hoàng Như Phúc tiết lộ em học 12 tiếng một ngày, chỉ nghỉ 15 - 20 phút vào giờ giải lao. Hàng ngày, Phúc sẽ vạch ra các mục tiêu cần hoàn thành và chia đều thời gian để thực hiện đúng lộ trình đó. 

"Đôi lúc, em vẫn bị áp lực khi lượng công việc và kiến thức cần học trở nên quá tải. Tuy nhiên, em luôn cố gắng giải quyết tình trạng này một cách nhanh gọn và cân bằng nhất", Như Phúc chia sẻ. 

Biến trải nghiệm thành động lực đấu tranh nạn miệt thị ngoại hình

Xinh đẹp và đa tài là vậy nhưng Cao Hoàng Như Phúc từng đối diện với những năm tháng bị miệt thị ngoại hình. Nữ sinh cho biết từng bị bạn bè kỳ thị, cô lập bởi thân hình quá cỡ và làn da ngăm đen. 

z5361566630346_160fc9b6df44e032e7055f016a86866e.jpg -0
Cao Hoàng Như Phúc từng bị cô lập vì ngoại hình có phần quá cỡ và làn da ngăm đen (Ảnh: NVCC)

"Khi nghe những lời chế giễu, em cảm thấy bị tổn thương và mặc cảm về ngoại hình của bản thân. Em cố gắng dùng kem dưỡng trắng để nâng cấp vẻ ngoài, nhưng do thiếu kiến thức trong việc lựa chọn sản phẩm nên càng khiến da nổi mụn nhọt, kích ứng" Như Phúc tâm sự. 

Rồi vào những năm cấp 2, Như Phúc có cơ hội xuống TP. Hồ Chí Minh để sinh sống và học tập. Tại đây, cô học trò cảm nhận rõ rệt niềm hạnh phúc khi được bạn bè đồng trang lứa chào đón. Phúc nói rằng bạn bè yêu quý em bởi chính con người của mình, chứ không phụ thuộc vào yếu tố ngoại hình. 

Cũng nhờ quãng thời gian này, Như Phúc đã thay đổi hẳn tư duy. Em trở nên mạnh dạn, hoạt bát và hay cười hơn; cũng biết cách chấp nhận và yêu thương những khuyết điểm chưa hoàn hảo của bản thân. Nữ sinh nhận ra, không ai hoàn hảo trên mọi phương diện. Mỗi người đều có những thế mạnh, ưu điểm riêng và ngoại hình cũng vậy. Một số người có hạn chế nhất định về ngoại hình nhưng điều đó sẽ không làm thay đổi giá trị của họ.

"Nhờ tư duy này, em đã biết cách bỏ ngoài tai những lời chế giễu, miệt thị, học cách thấu hiểu và trân quý những gì mình có. Mỗi người sẽ có những tiêu chuẩn riêng về ngoại hình. Nên việc áp đặt một số tiêu chuẩn chung cho tất cả mọi người là điều không phù hợp", Cao Hoàng Như Phúc nhìn nhận. 

Với mong muốn truyền cảm hứng cho những người có chung trải nghiệm bị miệt thị ngoại hình, Cao Hoàng Như Phúc đã thực hiện các dự án cộng đồng, đăng nhiều bài viết trên mạng xã hội để đấu tranh với các hành động kỳ thị, phân biệt ngoại hình. Qua đó cũng lan tỏa thông điệp chính sự độc đáo và cá tính riêng mới là điều khiến bản thân trở nên xinh đẹp và có giá trị, chứ không phải màu da hay vẻ bề ngoài. 

4 bài luận thành công chinh phục hội đồng tuyển sinh

Khi nộp hồ sơ vào Đại học California, Berkeley, Phúc phải hoàn thành 4 bài luận. Với bài luận chính (650 từ), đề bài của trường đặt câu hỏi về sự đóng góp của cá nhân giúp cộng đồng xung quanh trở nên tốt đẹp hơn, bên cạnh bảng điểm và hoạt động ngoại khóa. Phúc kể lại cách vượt qua mặc cảm khi bị chế giễu ngoại hình, cũng như quá trình thay đổi nhận thức với tư duy triết học. Đây cũng là động lực thúc đẩy Phúc đóng góp và cống hiến cho các dự án, hoạt động phản đối miệt thị ngoại hình để nâng cao nhận thức xã hội. 

z5359354635358_90e6d38c6751190af91c1ec9aff9f44f.jpg -0
Như Phúc chinh phục hội đồng tuyển sinh Đại học California bằng 4 bài luận kể về cách thay đổi tư duy và hành trình trưởng thành (Ảnh: NVCC)

Tại bài luận thứ hai, trả lời về khả năng giải quyết vấn đề như một người lãnh đạo, Như Phúc đã kể lại quá trình xây dựng podcast, tổ chức diễn kịch về chủ đề tôn trọng phụ nữ. Các chương trình này ra đời khi Phúc chứng kiến phụ nữ ở quê phải chịu cảnh bạo lực gia đình và không được coi trọng. Đồng thời bất bình khi nhiều bạn nam cho mình quyền bàn luận khiếm nhã về cơ thể và nhân cách của phái nữ. 

"Do đó, em và các bạn trong nhóm đã xây dựng các chương trình phản đối các hành động, nhận thức thiếu tôn trọng phụ nữ; cũng như khuyến khích phụ nữ biết cách bảo vệ mình", Như Phúc nói. 

Bài luận thứ 3 yêu cầu nữ sinh trình bày về năng lực đặc biệt. Như Phúc chia sẻ về chuyến tình nguyện tại xã biên giới Đắk Ơ (một xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh Bình Phước). Qua chuyến đi, em đã học được khả năng lắng nghe sâu, biết đặt mình vào vị trí những người có hoàn cảnh khó khăn để thấu cảm. Từ đó, Phúc thêm trân quý cuộc sống hiện tại và biết cách cho đi những giá trị tốt đẹp.

Bài luận cuối hỏi về khó khăn lớn nhất từng đối mặt. Cô học trò kể về thử thách làm người hòa giải cuộc tranh cãi của người thân trong gia đình. Phúc chọn cách viết thư để mong mọi người hiểu những lời nói tổn thương lúc nóng giận có thể khiến tình cảm gia đình rạn nứt. 

Qua 4 bài luận nói về quá trình thay đổi nhận thức và hành trình trưởng thành của mình, Cao Hoàng Như Phúc đã thành công chinh phục hội đồng tuyển sinh của Đại học California. Em cho hay việc trình bày bài luận một cách dạn dĩ và mạch lạc để khẳng định tiếng nói của bản thân cũng là một điểm phù hợp với tinh thần Triết học.

"Học Triết giúp em mở mang thêm kiến thức, từ đó đưa ra những góc nhìn sâu sắc hơn về các quy luật trong cuộc sống để hoàn thiện 4 bài luận", Như Phúc nhấn mạnh. 

Cao Hoàng Như Phúc sẽ nhập học tại Đại học California vào tháng 8.2024. Cô học trò bày tỏ mong muốn trong tương lai sẽ học tiếp lên Thạc sĩ ngành Luật để phát triển bản thân toàn diện ở nhiều lĩnh vực. 

Là người cố vấn du học trực tiếp cho Cao Hoàng Như Phúc, anh Đinh Tiến Đạt (Arinet Education) nhận xét nữ sinh là người chăm chỉ và kỉ luật. Trong quá trình nộp hồ sơ, mặc dù bận việc ôn thi học sinh giỏi quốc gia tiếng Anh nhưng em luôn cố gắng cân bằng thời gian để sắp xếp cống hiến cho các hoạt động xã hội cùng câu lạc bộ tiếng anh mà em điều hành.

Anh Đạt đánh giá, điểm sáng nhất trong hồ sơ của Phúc chính là bài luận. Khi viết luận, Phúc biết cách xâu chuỗi những bài học trong cuộc sống và trải nghiệm có được từ các hoạt động đã tham gia để thể hiện bản ngã riêng của mình. Điều này đã tạo nên sự khác biệt của một ứng viên khi nộp hồ sơ du học Mỹ.

Trang Nhung
#