GS.TS Hoàng Anh Tuấn:

Tránh bất lợi cho các nhà nghiên cứu “Chương sách quốc tế” phải được công nhận là “Bài báo khoa học quốc tế”

- Chủ Nhật, 28/04/2024, 11:32 - Chia sẻ

Trước thực tế hiện nay khái niệm “bài báo khoa học quốc tế” đang được hiểu đơn thuần là “bài tạp chí quốc tế”, GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng khái niệm này không đầy đủ, cần hiểu đúng nội hàm “bài báo khoa học” để tránh bất lợi cho các nhà nghiên cứu.

“Bài báo khoa học quốc tế” không chỉ là “bài tạp chí quốc tế”

Theo GS.TS Hoàng Anh Tuấn, việc đánh đồng “bài báo khoa học” với “bài tạp chí” là thiếu chính xác, gây bất lợi cho một số lĩnh vực khoa học, đặc biệt là khoa học xã hội và nhân văn.

“Bài báo khoa học" không chỉ là bài tạp chí. Bài báo khoa học có thể là bài tạp chí, cũng có thể là chương sách trong một chuyên khảo. Việc đánh đồng bài báo khoa học với bài tạp chí sẽ vừa thiếu sót, vừa bất công đối với nhiều nhà nghiên cứu trong hoạt động khoa học.

"Bài tạp chí quốc tế uy tín được phản biện chặt chẽ. Chương sách trong một chuyên khảo quốc tế được ấn hành bởi một nhà xuất bản uy tín cũng được phản biện rất nghiêm ngặt, nên chất lượng khoa học rất cao. Quá trình phản biện và hoàn thiện một bản thảo sách chuyên khảo quốc tế khá dài. Tôi từng là tác giả độc lập, cũng từng là đồng chủ biên sách chuyên khảo xuất bản tại Brill (Leiden) và Routlege (London), việc hiệu đính và chỉnh sửa trải qua khoảng 2,5 năm.

Trong suốt một thời gian dài, các nhà nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn đánh giá rất cao việc công bố bài viết dưới dạng chương sách (book chapter) trong các sách chuyên khảo (monograph) về một chủ đề nào đó. Với họ, việc công bố chương sách trong một chuyên khảo được ấn hành bởi một nhà xuất bản uy tín danh giá không kém so với đăng tải bài viết trên tạp chí chuyên ngành.

Đến nay, không ít nhà nghiên cứu đã lựa chọn công bố bài báo của họ dưới dạng chương sách trong một chuyên khảo viết chung với các nhà nghiên cứu uy tín, thay vì đăng tải trên tạp chí chuyên ngành. Thực tế này không chỉ phổ biến ở Việt Nam mà ở nhiều nền học thuật quốc tế cho đến hôm nay", GS.TS Hoàng Anh Tuấn chia sẻ.

Vì vậy, GS.TS Hoàng Anh Tuấn cho rằng sẽ vừa thiếu chính xác và thiếu công bằng nếu không công nhận chương sách quốc tế uy tín là bài báo khoa học quốc tế uy tín. Mức độ uy tín của chương sách được xác định thông qua mức độ uy tín của nhà xuất bản quốc tế đó, tương tự như cách chúng ta đang xác định mức độ uy tín của một tạp chí quốc tế.

Tránh bất lợi cho các nhà nghiên cứu “Chương sách quốc tế” phải được công nhận là “Bài báo khoa học quốc tế” -0
GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

Tạp chí quốc tế được xếp hạng theo WoS, nhà xuất bản quốc tế được xếp hạng bởi SENSE

Trên thế giới có một số hệ thống xếp hạng các tạp chí, phổ biến hiện nay là ISI và SCOPUS. Tương tự, các nhà xuất bản quốc tế cũng được xếp hạng bởi một số tổ chức khoa học, ví dụ như SENSE - GS.TS Hoàng Anh Tuấn nêu vấn đề.

SENSE xếp hạng các nhà xuất bản quốc tế (có phản biện) thành 4 nhóm, trong đó nhóm A chỉ bao gồm 10 nhà xuất bản thuộc các đại học danh tiếng (Cambridge, Columbia, Harvard, John’s Hopkins, MIT, Oxford, Princeton, Stanford, Chicago, Yale), nhóm B chỉ gồm khoảng 70 nhà xuất bản (trong đó có Routlege, Brill, Nomos…), nhóm C gồm khoảng 180 nhà xuất bản…

Bản thân SENSE cũng rất khách quan khi khuyến nghị “credit point” cho một chương sách được ấn hành bởi các nhà xuất bản tương ứng: nhà xuất bản nhóm A: 4 credit points, B: 3, C: 1 và D: 0.

Nghị định 27/2020/NĐ-CP không phủ nhận chương sách quốc tế

"Có một số lập luận rằng các văn bản pháp quy hiện hành về khoa học công nghệ định nghĩa “bài báo khoa học quốc tế” là “bài tạp chí quốc tế”. Tôi không nghĩ như vậy", GS.TS Hoàng Anh Tuấn chia sẻ.

Ông phân tích, Nghị định 27/2020/NĐ-CP (sửa đổi Nghị định 40/2014/NĐ-CP và Nghị định 87/2014/NĐ-CP) nhắc đến cụm từ “bài báo khoa học được đăng trên tạp chí khoa học quốc tế” 7 lần, nhưng hoàn toàn không hàm ý “định nghĩa” rằng bài báo khoa học chỉ là bài tạp chí như một số người đang nghĩ.

Bản thân Nghị định 40/2014/NĐ-CP cũng vậy, có 2 lần nhắc đến cụm từ “bài báo khoa học được đăng trên tạp chí khoa học chuyên ngành” nhưng cũng hoàn toàn không hàm ý định nghĩa để phủ nhận chương sách. Vấn đề là, nếu các văn bản chưa “phủ” hết nội hàm khái niệm thì chúng ta phải có trách nhiệm điều chỉnh trên cơ sở lý luận khoa học và thực tiễn công tác.

Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về công tác học hàm có một điểm chưa hợp lý khi quy định “bài báo khoa học là công trình khoa học của tác giả đã được công bố trên tạp chí khoa học có mã số chuẩn quốc tế ISSN” (Khoản 3, Điều 2). Khuôn bài báo khoa học chỉ là bài tạp chí là chưa đầy đủ vì nó loại bỏ chương sách.

"Theo tôi, Khoản 3, Điều 2 của Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg nên được điều chỉnh thành: “bài báo khoa học là công trình khoa học của tác giả đã được công bố trên tạp chí khoa học có mã số chuẩn quốc tế ISSN hoặc chương sách trong chuyên khảo có mã số chuẩn quốc tế ISBN”. Mức độ uy tín của chương sách - như đã nói ở trên - tùy thuộc vào mức độ uy tín của nhà xuất bản, tương tự như cách chúng ta đang xác định mức độ uy tín của tạp chí", GS.TS Hoàng Anh Tuấn nêu quan điểm.

GS.TS Hoàng Anh Tuấn cho rằng, đã đến lúc các cơ quan quản lý khoa học nên sớm bổ sung “chương sách quốc tế uy tín” và “chuyên khảo quốc tế uy tín” vào các văn bản pháp quy về khoa học và công tác học hàm, đặt nó song song với “bài tạp chí quốc tế”. Làm được như vậy sẽ vừa hoàn thiện nội dung của các quy định, vừa đảm bảo quyền lợi rất chính đáng cho các nhà khoa học ở các hội đồng chuyên môn, đặc biệt là tại Quỹ Khoa học và Công nghệ Quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) và Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước (Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Hồng Hạnh - Thùy Dung
#