Thảo luận về kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Cao Bằng Khóa XVI

Gỡ khó cho nông nghiệp, nâng tầm du lịch

- Thứ Ba, 16/07/2019, 07:31 - Chia sẻ
Phiên thảo luận tại kỳ họp đã diễn ra trong không khí sôi nổi, với tinh thần tập trung, các đại biểu tham gia đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trên các lĩnh vực phát triển của tỉnh. Trong đó, đề xuất biện pháp nâng cao giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, nhất là phục hồi ngành chăn nuôi; đồng thời, đề nghị tỉnh cần quy hoạch phát triển du lịch bài bản, có chiều sâu…

Cần chính sách khoanh, giãn nợ

Theo đánh giá của các đại biểu, thời gian qua, ngành nông nghiệp Cao Bằng đã có nhiều chuyển biến tích cực, bước đầu hình thành một số mô hình nông nghiệp hữu cơ cho giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, phải thắng thắn nhìn nhận, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở Cao Bằng vẫn còn nhiều khó khăn. Ngay từ đầu năm, điều kiện thời tiết rét đậm, rét hại, thêm vào đó là dịch tả lợn châu Phi bùng phát đã làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh. Nhiều hộ chăn nuôi lợn gần như đã kiệt quệ.


Đại biểu tham gia ý kiến tại phiên thảo luận

Đại biểu Bế Thanh Tịnh (huyện Hòa An) trăn trở: Hiện nay, có nhiều hộ nông dân vay vốn để đầu tư sản xuất, chăn nuôi. Tuy nhiên, do yếu tố khách quan, doanh thu đem lại không bù được so với số vốn đã bỏ ra khiến người dân không mấy mặn mà với các chính sách hỗ trợ; thậm chí một số hộ dân chỉ loay hoay tìm cách trả nợ. Bởi vậy, tỉnh cần có các biện pháp khoanh, giãn nợ để người dân phục hồi sản xuất.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Hoàng Văn Đội (huyện Trùng Khánh) cho rằng: Sự bùng phát dịch tả lợn châu Phi thời gian qua là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tồn lượng lương thực phục vụ chăn nuôi. Vì vậy, đề nghị tỉnh cần quan tâm, sớm có giải pháp khắc phục. Mặt khác, một số cây trồng, vật nuôi hiện nay giá trị sản xuất rất thấp, do đó, cần nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, cơ chế hỗ trợ khuyến khích chuyển đổi cây trồng, vật nuôi khác có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên, lợi thế của từng vùng, từng địa phương.

Ở góc độ khác, nhiều đại biểu cho rằng, việc hướng dẫn triển khai Đề án Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số còn chung chung, đơn cử như: Tại khoản a, mục 3.2, quy định “Hỗ trợ giống cây trồng 500 triệu đồng/xóm/giai đoạn” vẫn chưa có định mức cụ thể cho từng hộ dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện. Các đại biểu đề nghị ngành chuyên môn tham mưu cho UBND tỉnh hướng dẫn cụ thể hơn để đề án sớm phát huy hiệu quả, người dân sớm được hưởng lợi.

Xoay quanh câu chuyện phát triển kinh tế rừng, các đại biểu cho biết: Hiện nay, diện tích đất rừng của nhiều xã đã được giao cho doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp đầu tư không có hiệu quả, trong khi đó người dân lại thiếu đất sản xuất. Bởi vậy, tỉnh cần rà soát lại, nếu doanh nghiệp sử dụng không hiệu quả thì tổ chức giao lại cho huyện để có quỹ đất phát triển sản xuất. Thời gian tới, để tạo đà phát triển ngành nông, lâm nghiệp, tỉnh cần tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất. Chú trọng thực hiện tốt chương trình mỗi xã một sản phẩm, gia tăng giá trị thương hiệu, giá trị khoa học - công nghệ, nâng tầm sản phẩm của địa phương. Đồng thời, tăng cường xã hội hóa, huy động nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, dịch vụ; đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Quan tâm đầu tư hạ tầng du lịch

Tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, nhiều vấn đề quan trọng đã được các đại biểu hiến kế tháo gỡ như: Công tác giải ngân vốn đầu tư công; tình hình rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt ở khu vực nông thôn; các giải pháp phát triển kinh tế biên mậu. Đồng thời, các đại biểu cho rằng, khi cấp giấy chứng nhận, cấp phép xây dựng cho các nhà máy thủy điện cần thực hiện cam kết về môi trường; quan tâm tạo sinh kế cho người dân vùng bị ảnh hưởng…

Liên quan đến vấn đề du lịch - một trong 3 đột phá chiến lược của Cao Bằng, nhiều đại biểu đánh giá, phát triển du lịch ở Cao Bằng mới chỉ manh nha, chưa tương xứng với tiềm năng và chưa đem lại hiệu quả như mong đợi. Yếu tố đầu tiên tác động mạnh đến sự phát triển của du lịch Cao Bằng đó chính là tình trạng yếu kém về cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch. Hiện nay, tỉnh vẫn chưa có đường cao tốc, sân bay, hệ thống giao thông nội vùng từ trung tâm tỉnh đến các điểm du lịch chưa được đầu tư đồng bộ. Vì vậy, HĐND tỉnh cần có nghị quyết hỗ trợ phát triển hạ tầng phục vụ cho du lịch để phá vỡ bế tắc về giao thông; đồng thời tỉnh cần nghiên cứu đưa ra các biện pháp khắc phục tính mùa vụ trong phát triển du lịch.

Mặt khác, theo đại biểu Dương Thủy Tiên (huyện Bảo Lâm), việc thúc đẩy phát triển du lịch còn bộc lộ một số khó khăn, cụ thể: Sản phẩm du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, hoạt động thông tin xúc tiến quảng bá du lịch còn hạn chế. Những thông tin về vị trí địa lý, cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa dân tộc chưa được nghiên cứu, khai thác. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở lưu trú, nhà hàng xây dựng tự phát, quy mô nhỏ và chưa theo định hướng quy hoạch cụ thể; nguồn nhân lực phục vụ du lịch còn thiếu tính chuyên nghiệp. Vì vậy, tỉnh cần quan tâm xây dựng và quảng bá thương hiệu du lịch. Đồng thời, đánh giá các giá trị nhân văn có thể khai thác phục vụ phát triển du lịch; tăng cường giới thiệu, quảng bá hình ảnh Cao Bằng; chú trọng đào tạo phát triển nguồn nhân lực có trình độ, chuyên môn. Đặc biệt, cần có kế hoạch sàng lọc khoa học, thứ tự ưu tiên trong việc đầu tư, cải tạo thành sản phẩm du lịch.

Hiến kế cho sự phát triển ngành công nghiệp không khói, các đại biểu cho rằng: Thực hiện xã hội hóa rộng rãi đối với các khâu dịch vụ du lịch là xu hướng quan trọng nhằm huy động các nguồn lực xã hội tham gia xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại các di tích, danh lam thắng cảnh, hệ thống giao thông thuận... Cùng với đó, cần tạo điều kiện để cộng đồng dân cư tham gia vào các hoạt động du lịch. Qua đó, vừa bảo tồn, phát huy được di sản, góp phần tăng thu nhập và tạo việc làm ổn định cho người dân, từng bước giảm nghèo bền vững tại địa phương. Ngoài ra, tỉnh phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, kêu gọi và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng, du lịch; nhanh chóng đề xuất Chính phủ cho cơ chế đặc thù để hợp tác phát triển du lịch với các doanh nghiệp nước ngoài, tạo thuận lợi hơn nữa cho du khách quốc tế đến tham quan du lịch các khu vực biên giới…

TRỌNG HIẾU