Góc nhìn mới về phụ nữ Việt Nam đương đại

- Thứ Năm, 05/11/2015, 08:20 - Chia sẻ
Vạt áo dài hờ hững, bàn tay bấm chặt, nụ cười kém tươi, đôi mắt đầy trăn trở… lẩn khuất sau những vệt màu sặc sỡ. Có thể nói, Lawrence D’Attilio đã đem đến cái nhìn vừa quen, vừa lạ về phụ nữ Việt Nam trong xã hội hiện đại.

Triển lãm Những phụ nữ toàn cầu mới của nghệ sĩ Mỹ Lawrence D’Attilio trưng bày 79 bức tranh gồm 32 bức đơn lẻ về phụ nữ, và tác phẩm sắp đặt mang tên Những thách thức có dạng hình nón, tạo từ 24 bức tranh về khuôn mặt và 23 bức trong suốt về áo dài treo xung quanh dải vải màu trắng ngà. 

Biểu thức trừu tượng

 Lawrence D’Attilio là một nghệ sĩ gốc New York. Ông nhận bằng cử nhân mỹ thuật từ trường Đại học Louisville và từng tiến hành nghiên cứu nghệ thuật và nhiếp ảnh. Năm 1970 đến nay, ông đã có hàng trăm triển lãm ở nhiều quốc gia như Mỹ, Italy, Malaysia, Việt Nam… Sau Những người phụ nữ toàn cầu mới (ngày 1 - 14.11 tại Heritage Space, 27 Trần Bình, Hà Nội), ông tiếp tục thực hiện triển lãm Tâm hồn của Việt Nam (từ ngày 19.11) cũng tại Hà Nội.

Lawrence luôn có hứng thú phá vỡ các xu hướng hiện nay về hình thức biểu hiện nghệ thuật. Theo ông, nghệ thuật hoàn toàn có thể diễn tả được cảm xúc, suy nghĩ, quyết định… nhưng không phải bằng hình ảnh đơn thuần. Ý tưởng của Lawrence là kết hợp các hình ảnh tạo từ camera để xây dựng biểu thức trừu tượng cũng như dùng nghệ thuật sắp đặt đa phương tiện để thách thức các khái niệm chính thống về trình diễn nhiếp ảnh. Từ đó, khai phá, truyền đạt nỗi lo lắng, sự căng thẳng của phụ nữ. “Có rất nhiều cách để tạo ra các bức tranh ở đây. Một số tôi chụp chân dung, chụp mặt, một số tôi chỉ chụp đôi chân hay chỉ là một bàn tay, có cả những bức tôi lấy ở trên facebook hoặc có khi tôi chèn ảnh chụp ở vị trí khác với thông thường. Từ những hình ảnh đó, tôi kết hợp, trộn lẫn với yếu tố môi trường như góc phố, con đường, cột điện, bức tường, biển quảng cáo… để tạo nên sự choáng ngợp, căng thẳng cần thiết trong mỗi bức tranh”.

Cùng một biểu thức nhưng mỗi bức tranh đem đến cho người xem cảm giác thú vị cùng nhiều cung bậc cảm xúc. Ông chọn áo dài thể hiện nét đẹp truyền thống của phụ nữ Việt nhưng lại sử dụng nghệ thuật âm bản trong suốt nhằm lột tả những góc cạnh khác nhau trong tâm hồn. Ông chọn gương mặt làm trung tâm nhưng lại đan xen đầy hình vẽ kỳ lạ nhằm diễn tả những trạng thái lẩn khuất trong nụ cười của của phụ nữ... Lawrence chia sẻ ông không có quy ước chung cho tất cả tranh, thậm chí tên gọi cũng chỉ là một đường hướng để dẫn nối cảm xúc người xem. Từ Người truyền tin, Yêu môi trường, Giấc mơ trở thành hiện thực, đến Nhiều thứ bên trong, Sức mạnh của cuộc sống, Đâu, đó?, Những căng thẳng… người xem có thể mặc sức đánh giá, phác họa chân dung và cảm nhận câu chuyện theo cách riêng. 


Những căng thẳng, mực in trên vải bố của Lawrence D’Attilio

Thách thức căng thẳng

Những phụ nữ xuất hiện trong tranh của Lawrence làm nhiều nghề, sống ở nhiều nơi, nhưng họ đều gặp phải căng thẳng, áp lực của cuộc sống. Lawrence cho rằng: “Phụ nữ Việt Nam hay ở bất cứ quốc gia nào dường như đều có khát vọng giống nhau và có khả năng dùng trí thông minh của mình để đạt được những điều quan trọng trong cuộc sống. Vấn đề là phong tục có cho phép họ đưa ra những quyết định đó một cách dễ dàng hay không? Nếu người đàn ông không hiểu và không chấp nhận rằng phụ nữ có thể làm mọi công việc thì chắc chắn phụ nữ sẽ cảm thấy rất khó khăn để đưa ra lựa chọn. Tôi muốn lột tả được tất cả điều đó trong tác phẩm của mình”.

Lawrence đã mất 7 năm để thực hiện triển lãm này, với sự tham gia của 35 phụ nữ Việt Nam, đa phần là nữ tri thức trẻ. Họ đã kể cho ông nghe về cuộc đời và chia sẻ về những quyết định khó khăn trong cuộc sống. Một số người chấp nhận căng thẳng như hệ quả của việc theo đuổi cuộc sống vượt ra ngoài các quan niệm truyền thống. Một số phụ nữ lại thích phong cách sống thoải mái, không bận tâm đến xu hướng toàn cầu. Có người lại tự bó hẹp mình trong khuôn khổ, chưa dám đưa ra những quyết định không dễ chấp nhận trong văn hóa đương thời. “Cách đây vài năm, tôi gặp một bạn sinh viên Trường Đại học Tài chính nhưng đó không phải ngôi trường bạn ấy thích học mà là do bố mẹ lựa chọn. Ước muốn của cô gái này là trở thành diễn viên sân khấu. Tôi rất ngạc nhiên khi cô ấy không lựa chọn nghiệp diễn xuất vì qua tiếp xúc, tôi biết cô có năng khiếu. Câu chuyện ở đây là cô ấy đứng trước rất nhiều lựa chọn nhưng không thể tự quyết định vì phải phụ thuộc vào tác động xung quanh. Tôi cảm nhận được tâm trạng căng thẳng, cảm xúc đầy mâu thuẫn nên đã thực hiện một bức tranh về cô gái này” - Lawrence kể.

Với Lawrence, yếu tố kỹ thuật góp phần quan trọng giúp truyền tải góc cạnh gồ ghề, phức tạp, chất chứa trong tâm hồn phụ nữ. Tuy nhiên, ông cho rằng, dù phải đối mặt với mệt mỏi, khó khăn nhưng phụ nữ Việt Nam dường như đang thách thức mọi căng thẳng, vươn lên để khẳng định bản thân, trở thành “Người phụ nữ toàn cầu mới”.

Lê Thư