Hoàn thiện Đề án “Đánh giá tiềm năng khoáng sản vùng Trung Trung Bộ” trong năm 2020

- Thứ Năm, 28/05/2020, 16:03 - Chia sẻ
Sáng 28.5, tại Hà Nội, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã tổ chức họp Hội đồng về Đề án “Đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản vùng Trung Trung Bộ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội”

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên nêu rõ: Vùng Trung Trung Bộ có vị trí chiến lược quan trọng đối với Việt Nam và khu vực, có tiềm năng tài nguyên khoáng sản lớn, việc đánh giá tổng thể, đầy đủ khoáng sản là cơ sở quản lý, nguồn lực để phát triển kinh tế, xã hội, là tiền đề đảm bảo an ninh - quốc phòng của khu vực, nên Tổng cục sớm trình Đề án để Chính phủ xem xét, phê duyệt trong năm 2020 và bố trí triển khai xây dựng trong năm 2021. Với những hiệu quả và lợi ích kinh tế - xã hội cao, việc đầu tư cho điều tra đánh giá tổng thể tài nguyên khoáng sản vùng Trung Trung Bộ rất cấp thiết, là một trong những nhiệm vụ quan trọng thuộc Chương trình hành động của Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1.1.2019 của Chính phủ, về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019.


Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

Để hoàn thiện Đề án, Tổng cục cần tiếp thu ý kiến đóng góp của Hội đồng thẩm định đề án, các chuyên gia, các nhà khoa học đánh giá Đề án về tổ chức, cách thức tiến hành nắm bắt kịp thời một cách tích cực. Đồng thời cần thực hiện những vấn đề chính như thống nhất về trình tự thời gian thực hiện trong 5 năm; tập trung  3 nhóm khoáng sản chính trong Đề án; các Liên đoàn Địa chất tích cực phối hợp với Liên đoàn Địa chất Trung Trung Bộ và Liên đoàn Vật lý Địa chất, Liên đoàn Địa chất Xạ- Hiếm…

Chủ nhiệm đề án Dương Ngọc Tình, Liên đoàn Địa chất Trung Trung Bộ (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam) cho biết: Trung Trung Bộ có mặt phong phú, đa dạng các biểu hiện khoáng chất công nghiệp có giá trị kinh tế cao và nhu cầu lớn, như kaolin, felspat, quarzit, thạch anh... Hiện có nhu cầu sử dụng rất lớn trong các ngành công nghiệp gốm sứ, xây dựng, luyện kim, kỹ thuật điện, xử lý môi trường, cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Hầu hết tài nguyên đá ốp lát granit Việt Nam đều tập trung trong vùng này với tiềm năng lớn, do đó cần sớm được điều tra, đánh giá để quy hoạch thăm dò, khai thác hợp lý.

Mục tiêu của Đề án là đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản, khoanh định các diện tích có triển vọng phát hiện mỏ, đánh giá tài nguyên, xác định chất lượng các loại khoáng sản, trọng tâm là nhóm khoáng sản kim loại, khoáng sản năng lượng, khoáng chất công nghiệp, đá khối làm đá ốp lát làm cơ sở phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, nhiệm vụ là điều tra, đánh giá tiềm năng khoáng sản kim loại ẩn, sâu ở các cấu trúc địa chất thuận lợi, có tiền đề, dấu hiệu chứa các khoáng sản đến độ sâu 1.000 m; chuẩn hóa các dữ liệu về địa chất, khoáng sản vùng Trung Trung Bộ đáp ứng yêu cầu xây dựng cơ sở dữ liệu địa chất, khoáng sản quốc gia.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam Nguyễn Văn Nguyên, Tổng cục sẽ đề ra nhiệm vụ cụ thể như hoàn thiện để quản lý cơ sở dữ liệu về địa chất, khoáng sản vùng Trung Trung Bộ bằng công nghệ số để tích hợp với cơ sở dữ liệu địa chất, khoáng sản quốc gia; xây dựng bản đồ phân vùng và dự báo triển vọng khoáng sản tỉ lệ 1:250.000 vùng Trung Trung Bộ để tiếp tục đánh giá khoáng sản kim loại cho 10 năm, 20 năm và những năm sau; nâng cao năng lực công tác điều tra địa chất, đánh giá tiềm năng khoáng sản, trình độ cán bộ kỹ thuật địa chất thông qua thực tiễn triển khai đề án. Diện tích đánh giá tiềm năng khoáng sản thuộc địa bàn các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lắk và vùng núi của thành phố Đà Nẵng.

Trong đó các khoáng sản sẽ điều tra, đánh giá trọng tâm là urani, than. Tuy vậy, hiện công tác điều tra, đánh giá thăm dò khoáng sản trong vùng vẫn còn có một số hạn chế. Hầu hết mới chỉ dừng ở trên địa hình, chưa có các công trình tìm kiếm quặng ở phần sâu; việc nghiên cứu cấu trúc, địa hóa quặng còn hạn chế nên khó định hướng được cho các công trình sâu và tìm kiếm quặng ẩn; chưa tổng hợp được cơ sở dữ liệu về tài nguyên khoáng sản trong vùng; việc đầu tư thăm dò khai thác quy mô lớn còn rất hạn chế, đa số là khai thác nỏ và nhiều điểm dân khai thác trái pháp (nhất là đối với vàng) dẫn tới không kiểm soát được tài nguyên khoáng sản….gây lãng phí, thất thoát tài nguyên và ảnh hưởng tới cảnh quan môi trường tự nhiên, môi trường xã hội.

Tại cuộc họp, Tiến sỹ Nguyễn Đắc Đồng, Hội Địa chất Việt Nam nhận định: Đây là đề án điều tra cơ bản quy mô lớn gồm 4 đề án thành phần. Các đề án thành phần đã được xây dựng trên cơ sở cập nhật, phân tích, tổng hợp các kết quả điều tra, nghiên cứu, thăm dò địa chất, khoáng sản hiện có ở vùng Trung Trung Bộ và các tài liệu khảo sát mới trong quá trình lập đề án, các kinh nghiệm điều tra địa chất, khoáng sản trong nước và nước ngoài, theo đúng các quy định kỹ thuật, kinh tế hiện hành trong điều tra cơ bản địa chất và khoáng sản. Vùng điều tra có cấu trúc địa chất rất phức tạp, bị biến cải đa kỳ trong lịch sử phát triển địa chất, các đới khoáng hóa, thân quặng phân bổ rải rác chưa rõ quy luật của chúng nên công tác điều tra cơ bản sẽ gặp không ít khó khăn và sẽ gặp các rủi ro địa chất nhất định. Công tác điều tra đòi hỏi phải có điều chỉnh phù hợp với thực tế địa chất về đối tượng, diện tích điều tra, phương pháp điều tra và số lượng công việc.

Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính cấp đủ kinh phí theo kế hoạch hằng năm để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án. Đề nghị Chính phủ cho phép các tổ chức cá nhân có nhu cầu tham gia đầu tư góp vốn toàn bộ, hoặc từng phần cho các đề án điều tra đánh giá tài nguyên các loại khoáng sản.

Theo TTXVN