Hội nghị Chính phủ và các địa phương đánh giá tình hình KT - XH 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm

- Thứ Năm, 02/07/2020, 12:57 - Chia sẻ
Ngày 2.7, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị.
Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại Hội nghị

Tham dự có: Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội…

Tăng trưởng thấp nhưng vẫn đáng ghi nhận

Trình bày Báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 84/NQ-CP, Chỉ thị số 11/CT-TTg và tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng năm 2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong 6 tháng đầu năm, nước ta cơ bản thực hiện thành công nhiệm vụ kép, vừa kiểm soát dịch thành công (đến nay đã 76 ngày không có ca nhiễm mới trong cộng đồng) và phục hồi nền kinh tế ở mức hợp lý, trạng thái bình thường mới dần được thiết lập trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội. Việc đạt được tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 1,81% tuy là thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua nhưng là đáng ghi nhận, nước ta nằm trong số ít các quốc gia có mức tăng trưởng dương. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lưu ý, việc tăng trưởng GDP của quý II chỉ đạt 0,36% là điều đáng quan tâm và nếu diễn biến dịch bệnh trên thế giới không có tín hiệu tích cực, việc đạt tốc độ tăng trưởng cao trong những quý cuối năm là rất khó khăn.

Trong 6 tháng vừa qua, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, điểm đáng chú ý là tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, là yếu tố quyết định để phục hồi và phát triển trong giai đoạn sau khi kết thúc dịch, một số chỉ tiêu chủ yếu dần phục hồi qua các tháng, tháng sau tích cực hơn tháng trước. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có xu hướng giảm dần, bình quân 6 tháng đầu năm tăng 4,19%, lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng tăng 2,81% so với cùng kỳ. Tiền tệ, ngân hàng cơ bản ổn định, thị trường ngoại hối hoạt động hiệu quả.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, thách thức trong 6 tháng cuối năm còn rất lớn, cần có những biện pháp mạnh mẽ, chính xác, kịp thời cùng sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cả hệ thống chính trị nhằm phục hồi và phát triển kinh tế nhanh hơn, giải quyết việc làm và an sinh xã hội cho nhân dân hiệu quả hơn.

Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến của Chính phủ và các địa phương

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, trong bối cảnh dịch Covid - 19 bùng phát, thị trường lao động có diễn biến phức tạp, lao động duy trì ở mức 52,1 triệu người, giảm hơn 2 triệu người so với trước dịch, tỷ lệ thất nghiệp là 2,26%, một số lĩnh vực du lịch hàng không, đi lao động ở nước ngoài không được triển khai trong quý II. Song, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho đến nay, thị trường lao động Việt Nam đang phục hồi nhanh chóng, khả quan, nhiều lĩnh vực cho thấy tín hiệu vui. Cụ thể, trong tháng 6 vừa qua có 120 nghìn lao động được giải quyết việc làm; các ngành nghề, lĩnh vực bị đứt chuỗi, ngừng việc nay đã trở lại thị trường. Riêng trong lĩnh vực chế biến nông lâm thủy sản, đã có 1.400 lao động trở lại làm việc bình thường thường.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho biết, các địa phương, các cấp, các ngành đã tích cực vào cuộc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch. Tính đến ngày 20.5.2020, các địa phương đã phê duyệt danh sách 15,8 triệu người thuộc các nhóm đối tượng sẽ được thụ hưởng. Tổng số tiền đã chi hỗ trợ cho các đối tượng là 17,5 nghìn tỷ đồng. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, đến nay cơ bản các đối tượng đều được chính quyền địa phương hỗ trợ, nhất là các nhóm có đối tượng đông, cơ bản nhất như người nghèo, cận nghèo, bảo trợ xã hội, người có công với cách mạng…

 Dồn lực cho 'tam mã' kéo cỗ xe tăng trưởng

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, ảnh hưởng của Covid-19 đến Việt Nam rõ hơn trong quý II, chỉ tăng trưởng 0,36%, thấp nhất trong 30 năm qua. Tính chung cả 6 tháng, tăng trưởng đạt 1,81%. Tiêu dùng giảm, xuất khẩu giảm, riêng số lượng khách quốc tế giảm đến 99,3%. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, giải thể tăng 10,8%. Tuy tăng trưởng thấp, nhưng trong bối cảnh quốc tế như vậy, Thủ tướng cho rằng, cần bình tĩnh, chủ động, vững tin trong nhận định, đánh giá tình hình, không chủ quan nhưng tuyệt đối không được bi quan. Mỗi khi gặp gian khó cũng chính là thời điểm để bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam và sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của dân tộc ta tỏa sáng. Đó là thời điểm “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, càng khó khăn, càng nỗ lực vượt khó vươn lên, càng nung nấu quyết tâm hơn, Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhắc lại “mục tiêu kép”, không để dịch bệnh trở lại, xóa đi thành quả mà chúng ta đã phấn đấu, không vì kinh tế mà dễ dãi để dịch bệnh ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm tăng trưởng, Thủ tướng nhấn mạnh, tinh thần đoàn kết, hợp tác, quyết tâm vượt lên khó khăn, sáng tạo, sát sao trong chỉ đạo điều hành.

Gợi mở một số vấn đề để các đại biểu tập trung thảo luận, Thủ tướng nhấn mạnh, dù kinh tế vĩ mô nhìn chung ổn định nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, đòi hỏi tất cả các cấp, các ngành cần nhận diện, xác định rõ các rủi ro bên ngoài và bên trong để có biện pháp điều hành đồng bộ, hiệu quả, kịp thời. Trong khó khăn của thế giới và trong nước, một lần nữa cần khẳng định rõ: Phải duy trì ổn định vĩ mô để nâng cao uy tín chỉ đạo điều hành, củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp, thu hút đầu tư, tạo nền tảng cho ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.

Ví "cỗ máy tăng trưởng" của Việt Nam như "cỗ xe tam mã" gồm 3 cấu phần quan trọng nhất, đó là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta phải dùng mọi biện pháp thúc đẩy cả "ba con ngựa kéo" để đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất. Các bộ, ngành, địa phương cần quán triệt tinh thần “không chỉ phòng thủ dịch bệnh mà phải tiến công để phát triển”. Thủ tướng cũng nhấn mạnh, khi dư địa tài khóa và tiền tệ của nước ta còn khá lớn, vấn đề đặt ra là trong bối cảnh khó khăn, việc duy trì chính sách tài khóa, tiền tệ chặt chẽ, thận trọng có phải là định hướng đúng, phù hợp không? Cân nhắc các biện pháp được nhiều quốc gia áp dụng thời gian qua như: giảm lãi suất xuống còn 0% hoặc âm, bơm tiền rất lớn vào thị trường…

Tại Hội nghị, nhiều tỉnh, thành phố đã báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm; đề xuất những kiến nghị cụ thể để tháo gỡ một số khó khăn cho địa phương, tạo điều kiện để quyết tâm thực hiện thành công các mục tiêu đã đề ra. Tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng đại diện lãnh đạo UBND các thành phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, các tỉnh Lào Cai, Bắc Giang, Thái Nguyên… đều khẳng định sẽ quyết tâm giữ nguyên các mục tiêu đã đề ra, nỗ lực thực hiện thành công “nhiệm vụ kép” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Để kích thích tăng trưởng, phục hồi nhanh và thúc đẩy phát triển kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, tiến hành nghiên cứu, đề xuất Chính phủ trình Ban Bí thư thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia chống suy thoái kinh tế sau đại dịch Covid-19 do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban, thành viên là đại diện từ các cơ quan trong hệ thống chính trị để quyết tâm sớm triển khai kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ và phục hồi tăng trưởng cho nền kinh tế. Khẩn trương tổ chức các Đoàn công tác của Chính phủ, đoàn công tác liên ngành và của từng bộ, ngành kiểm tra, làm việc cụ thể với các vùng động lực, địa phương lớn để trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, giải quyết các vấn đề hỗ trợ tăng trưởng. Kiến nghị này cũng được UBND thành phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác tán thành.

P.Thủy