Hồi sinh nét màu dân tộc

- Thứ Sáu, 01/02/2019, 18:22 - Chia sẻ
Có dòng tranh thất truyền, có dòng tranh chỉ còn 1 - 2 truyền nhân, mai một không còn là nguy cơ mà hiện hữu đối với các dòng tranh dân gian và tập quán chơi tranh Tết. Tuy nhiên, từ những nỗ lực của một vài cá nhân và sự hưởng ứng của cộng đồng, gần đây những hình nét, sắc màu của nghệ thuật dân gian đang dần trở lại.

Đưa tranh về Tết

Đón chào năm Kỷ Hợi 2019, dự án nghệ thuật “Cùng bé sáng tạo” tiếp tục ra mắt bộ phong bao lì xì với những bức tranh lợn từ các dòng tranh dân gian, mang tới cho trẻ thú vui ý nghĩa trong ngày Tết, vừa được nhận mừng tuổi vừa được thỏa thích tô vẽ, sáng tạo. Đây không phải là năm đầu tiên tranh dân gian được đưa lên phong bao lì xì. PGS. TS. Trang Thanh Hiền (Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam), người khởi xướng dự án cho biết, năm 2015, nhóm làm chương trình “Cùng sáng tạo mặt nạ Việt, vui Tết Trung thu” và thấy rằng, nhu cầu xã hội về trải nghiệm nghệ thuật truyền thống khá lớn. Ngay sau đó, mọi người bàn nhau làm tranh Tết. Ban đầu, cũng có người “bàn lùi”, vì giờ mấy ai còn chơi tranh dân gian, hơn nữa, làng tranh Đông Hồ cũng là nơi mọi người có thể tới trải nghiệm nếu thích. Tuy nhiên, “không phải trẻ nào cũng có điều kiện sang Đông Hồ. Vì thế, chúng tôi mang tranh Đông Hồ về Hà Nội và nhân đó giới thiệu luôn tranh Tết cùng các dòng tranh dân gian khác như Kim Hoàng, Hàng Trống... Khi giới thiệu chương trình này, ngay trong tuần đầu tiên đã có vài trăm người đăng ký và số lượng tham dự đông hơn dự kiến” - PGS. TS. Trang Thanh Hiền nhớ lại.

Từ sự hưởng ứng đó, dự án “Cùng bé sáng tạo” đã duy trì chương trình Khám phá tranh Tết hàng năm, tổ chức in tranh, tô tranh, dạy kỹ thuật làm tranh cho các em nhỏ. Năm 2018, Cùng bé sáng tạo tiếp tục tổ chức chương trình Sáng tạo từ tranh dân gian Kim Hoàng, hội tụ các tác phẩm tranh vẽ, thiết kế thời trang, bưu thiếp... cho thấy tranh dân gian Kim Hoàng, sau một thời gian khôi phục đã dần được biết đến. Nhiều trung tâm nghệ thuật ở Hà Nội cũng tổ chức các hoạt động trải nghiệm với tranh dân gian, qua đó, đưa nghệ thuật truyền thống tiếp cận đông đảo thế hệ trẻ.

Từng là nét đẹp không thể thiếu trong ngày Tết của người Việt, nhưng đã qua thời nhộn nhịp làng tranh in và quẩy đi bán khắp nẻo, mang sắc xuân tới từng mái nhà. Tập quán chơi tranh và sử dụng tranh Tết không còn, nhưng ánh mắt tò mò, háo hức của các em nhỏ khi thấy nét vẽ mộc mạc, màu sắc tươi sáng của tranh dân gian, cho thấy sáng tạo xưa vẫn hấp dẫn những lớp trẻ chưa từng trải qua thời tranh Tết.

Nguyên liệu cho nghệ thuật hiện đại

Tranh dân gian tồn tại nhiều tầng thức thẩm mỹ, chứa đựng những tinh hoa và vốn quý của dân tộc, đã được sàng lọc qua hàng trăm năm, tạo nên những giá trị riêng biệt. Theo PGS. TS. Trang Thanh Hiền, tranh dân gian Việt Nam, nếu xét về hình mẫu chủ đề, có thể thấy ảnh hưởng của nghệ thuật tranh dân gian Trung Quốc khá đậm nét. Tuy nhiên, ảnh hưởng đó không phải là sự rập khuôn, mà có chọn lọc, sáng tạo, phù hợp với cuộc sống, nhu cầu của người Việt. Chính khác biệt về quan niệm văn hóa, thẩm mỹ và phong tục giữa người Việt và người Hoa, đã khiến cho các tác phẩm tranh dân gian có thể có chung đề tài, mẫu hình, nhưng khác cơ bản về nội dung biểu hiện. Việc tiếp thu nghệ thuật tranh niên họa Trung Quốc để tiếp tục phát triển các dòng tranh dân gian Việt Nam theo tư duy, thẩm mỹ và phục vụ đời sống tinh thần phong phú và tinh tế của người Việt đã góp một tiếng nói không nhỏ vào sự phát triển chung của nghệ thuật dân gian châu Á.

Trong khi tranh dân gian Việt Nam gần đây mới được một số cá nhân bảo tồn, thì việc ứng dụng tranh dân gian trong nghệ thuật hiện đại đã là xu hướng xuất hiện tại nhiều nước trên thế giới. “Nghệ sĩ nhiều quốc gia đã và đang sử dụng di sản dân gian để đưa vào nghệ thuật hiện đại. Họ dùng bản in, khắc, sáng tác lại từ dân gian, hay ứng dụng nghệ thuật dân gian ấy vào đời sống...”, PGS. TS. Trang Thanh Hiền chia sẻ.

Ở Trung Quốc có cả nghệ thuật dân gian đương đại, họa sĩ lấy nghệ thuật dân gian để làm ý tưởng sáng tạo, và có họa sĩ đương đại nổi tiếng lấy ý tưởng từ tranh cắt dán để sáng tác ra tác phẩm mới. Ở Hàn Quốc nghệ thuật dân gian phát triển phong phú, tranh dân gian cũng được vẽ theo mẫu hình xưa và sáng tạo mới. Nhờ kế thừa, phát triển, nghệ thuật dân gian vừa có sức sống trong văn hóa đương đại, vừa có sáng tạo mới, chứ không chỉ mãi trên “vốn” của ông cha.

Biến những sáng tạo dân gian trở thành nguyên liệu của nghệ thuật hiện đại, nhưng điều quan trọng là đời sống chấp nhận ngữ nghĩa hàm chứa trong đó, thì tranh dân gian sẽ tiếp tục sống. Ngược lại, loại hình này không thể tồn tại.

Truyền thống hồi sinh

Ở Việt Nam, việc đem những “hạt giống” nghệ thuật xưa để ươm trồng trong đời sống đương đại đang ở bước khởi đầu, nhưng đã có tín hiệu hồi sinh, hứa hẹn phát triển mạnh mẽ trong những năm tới, khi kho tàng nghệ thuật dân gian được nhận diện và trân quý trong thế giới hiện đại.  

Tình cờ lạc vào phòng trưng bày tranh dân gian của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Nguyễn Xuân Lam xúc động như gặp được một kho báu, và say mê với vẻ đẹp của những mảng màu, tạo hình xưa. Vì sức hút của các tác phẩm xưa cũ, nằm im lìm thời gian dài trong bảo tàng mà không được để ý, Lam đã tìm cách đưa nó trở về đời sống hiện đại bằng cách nghiên cứu và vẽ lại các tác phẩm này, giữ hầu hết phần tạo hình theo nguyên bản, chỉ thêm chi tiết nhỏ trang trí để hài hòa giữa nét cổ kính và hiện đại. Nhiều tác phẩm như “Cá đàn”, “Gà hoa hồng”, “Chim hạc”, “Ông hoàng cưỡi cá”, “Ngũ hổ”... được vẽ tay nhằm giữ sự mộc mạc, thô ráp của chất liệu chì; sau đó xử lý màu bằng đồ họa để mang tới những sắc độ độc đáo. Họa tiết tranh dân gian không chỉ được in lên các vật dụng dành cho giới trẻ, mà Nguyễn Xuân Lam còn đưa chúng lên phù điêu trang trí tại các mái vòm trên đường Phùng Hưng (Hà Nội) và Không gian nghệ thuật đương đại đường hầm Nhà Quốc hội, như một cách đưa đến gần hơn với mọi người.

Cũng tình cờ tiếp xúc với tranh Hàng Trống tại nhà nghệ nhân cuối cùng Lê Đình Nghiên, sau 4 năm sưu tập và hình thành dần ý tưởng, nhà thiết kế Trịnh Thu Trang và các cộng sự đã thực hiện dự án Họa sắc Việt. Lần đầu tiên tại Việt Nam có một dự án thực hiện phương pháp chắt lọc họa tiết và bảng màu đặc sắc của tranh Hàng Trống làm nguồn cảm hứng sáng tạo sản phẩm đồ họa kỹ thuật số hiện đại, dễ dàng áp dụng vào đời sống, lại vừa mang giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam. Đến nay, sau hơn một năm, Trịnh Thu Trang cho biết, từ tranh Hàng Trống, nhóm đang mở rộng ra với tranh Đông Hồ và ngày càng nhiều thiết kế đồ họa từ tranh Hàng Trống của Họa sắc Việt được sử dụng để in trên các sản phẩm thương mại, không chỉ tạo vẻ đẹp về thẩm mỹ, mang ý nghĩa phù hợp với hàng hóa mà còn mang câu chuyện về mỹ thuật truyền thống Việt Nam đi xa hơn.

Cuộc ngược dòng trở về với những giá trị từ ngàn đời rất có thể sẽ mang đến câu trả lời cho nghệ thuật hiện đại. Với những ý tưởng mới đang được “nảy mầm” từ cảm hứng dân gian, giới trẻ đã giúp truyền thống được sống lại bằng một hình thức mới và hấp dẫn.

Ngọc Phương