Hội thảo giải pháp công nghệ cho dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam

- Thứ Sáu, 19/07/2019, 15:31 - Chia sẻ
Sáng 19.7, tại VPQH, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã tổ chức Hội thảo giải pháp công nghệ cho đường sắt cao tốc Bắc - Nam.

Theo đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, từ năm 2017, Bộ đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án đường sắt thuê Liên doanh tư vấn trong nước phối hợp với tư vấn hỗ trợ kỹ thuật phía JICA (Nhật Bản) tiến hành nghiên cứu, cập nhập bổ sung để hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi tiền dự án. Đến nay, theo đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước để thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Ngày 20.2.2019, Ban Kinh tế Trung ương cũng đã ban hành kế hoạch thẩm định kế hoạch Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án làm cơ sở tham mưu cho Bộ Chính trị về chủ trương đầu tư dự án. Ban Kinh tế Trung ương đã nghe Bộ Giao thông Vận tải báo cáo về dự án vào ngày 4.4.2019. Theo kế hoạch, dự án sẽ được báo cáo Bộ Chính trị vào tháng 9.2019 và trình QH vào Kỳ họp thứ Tám (tháng 10.2019).

Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam có điểm đầu là ga Hà Nội, điểm cuối là ga Thủ Thiêm (TP Hồ Chí Minh), qua địa bàn 20 tỉnh, TP, chiều dài toàn tuyến khoảng 1.559km, đường đôi - khổ 1.435mm - điện khí hóa; bao gồm 24 ga, 3 ga quy hoạch tiềm năng, 5 depot, 42 cơ sở bảo trì hạ tầng. Kịch bản phát triển đường sắt trên trục Bắc - Nam là đối với đường sắt hiện có là nâng cấp tối ưu năng lực đường đơn của tuyến đường sắt hiện tại để khai thác vận tải hàng hóa và hành khách địa phương; xây dựng đường sắt mới phục vụ tàu khách với định hướng về lâu dài khai thác với tốc độ tối đa 320km/h (tốc độ thiết kế 350 km/h).

Dự kiến, tổng mức đầu tư khoảng 58,71 tỷ USD, trong đó vốn nhà nước khoảng 80%, vốn tư nhân khoảng 20%. Nghiên cứu cũng dự tính giá trị đầu tư bình quân hàng năm trong giai đoạn 1 chiếm 0,7% GDP và giai đoạn 2 chiếm 0,55% GDP. Với tình hình sử dụng và mức trả nợ công hiện nay của Chính phủ, dự án không làm vượt trần nợ công 65% GDP theo quy định trong suốt cả hai giai đoạn đầu tư.

Đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải khẳng định, đây là dự án có tính lan tỏa, phục vụ phát triển KT - XH, góp phần tái cấu trúc đô thị, lao động trên hành lang Bắc - Nam, hướng tới mô hình giao thông tiên tiến, hiện đại. Vì vậy, để bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ về công nghệ áp dụng của dự án, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường xem xét thống nhất phương án trình QH thông qua chủ trương đầu tư toàn tuyến, giao Chính phủ chủ động phê duyệt các dự án thành phần của từng đoạn theo thứ tự ưu tiên, bảo đảm phù hợp với nhu cầu vận tải và nguồn lực đầu tư.

Phát biểu tại Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nêu rõ, giao thông đường sắt đóng vai trò rất quan trọng trong hệ thống giao thông vận tải nước ta. Đường sắt nước ta có từ rất sớm, tuy nhiên đến nay, trải qua khoảng 130 năm, đường sắt nước ta đã trở nên lạc hậu so với thế giới, với tốc độ chỉ 50 - 70km/h. Do vậy, việc xây dựng đường sắt mới là cấp thiết, không thể chậm trễ hơn nữa.

Từ Kỳ họp thứ Bảy, QH Khóa XII, Chính phủ đã trình ra dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, nhưng chưa được thông qua. Hiện nay, Chính phủ đang rất tích cực trình QH về dự án này. Song ,vẫn còn nhiều ý kiến xoay quanh dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam như vận chuyển người với vận tốc 300 - 350km/h hay vận chuyển cả người và hàng hóa với tốc độ 200 km/h.

Một số đại biểu tham dự Hội thảo cho rằng, việc sử dụng đường sắt cao tốc 300 - 350km/h chưa quá thông dụng trên thế giới, thậm chí ở CHLB Đức còn đang có phương án quay trở lại sử dụng đường sắt cao tốc với vận tốc 249 km/h. Chủ nhiệm UB Phan Xuân Dũng đề nghị, Chính phủ cần tiếp tục cân nhắc nhiều mặt hiệu quả kinh tế, mức độ hội nhập, khả năng chịu đựng của nền kinh tế trước khi trình QH xem xét cho ý kiến về dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.

Hoàng Ngọc