Góp ý sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương

Hướng dẫn cụ thể nội dung ủy quyền

- Thứ Hai, 03/06/2019, 07:27 - Chia sẻ
Nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cần hướng dẫn cụ thể lĩnh vực, nội dung chi tiết rõ ràng (nhằm tránh việc phát sinh đều là cấp bách cần giải quyết ngay cho kịp thời) quy định HĐND được ủy quyền cho Thường trực HĐND phối hợp với UBND thống nhất nội dung, cách giải quyết những vấn đề phát sinh giữa 2 kỳ họp và báo cáo lại tại kỳ họp HĐND gần nhất, để HĐND ban hành nghị quyết.

Quy chế hoạt động của HĐND được ban hành kèm theo Nghị quyết số 753/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 2.4.2005 của UBTVQH Khóa XI, tại Khoản 4 Điều 21 quy định: “Thường trực HĐND phối hợp với UBND giải quyết những vấn đề phát sinh khi thực hiện nghị quyết của HĐND trong thời gian giữa hai kỳ họp HĐND; xem xét, quyết định, điều chỉnh, bổ sung những biện pháp nhằm bảo đảm thực hiện nghị quyết của HĐND theo đề nghị của UBND, Ban của HĐND vào báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất”. Như vậy, Thường trực HĐND phối hợp với UBND giải quyết và có những biện pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện nghị quyết của HĐND.

Nghị quyết số 629/2019/UBTVQH14 ngày 30.1.2019 của UBTVQH có hiệu lực thi hành từ ngày 15.3.2019, tại Khoản 2 Điều 1 quy định: “Đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐND có tính cấp bách, cần quyết định ngay, phát sinh trong thời gian giữa 2 kỳ họp thường lệ của HĐND thì Thường trực HĐND… quyết định triệu tập kỳ họp bất thường…”. Quy định này phù hợp với thẩm quyền của HĐND theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Tuy nhiên, thực tiễn có rất nhiều vấn đề phát sinh mới, thực hiện quy định này phải triệu tập kỳ họp bất thường thì tính kịp thời và thời cơ, cơ hội sẽ qua (nhất là lĩnh vực kinh tế - đầu tư). Và dù là kỳ họp bất thường cũng phải chuẩn bị và tuân thủ theo quy định trình tự, thủ tục ban hành nghị quyết HĐND quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, mất nhiều thời gian chuẩn bị, tốn kém.

Ngược lại, Thường trực HĐND thỏa thuận với UBND cùng cấp giải quyết những vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp HĐND về nội dung, cách thức giải quyết và báo cáo tại kỳ họp HĐND gần nhất để HĐND ban hành nghị quyết về những vấn đề phát sinh là chưa phù hợp. Vì bỏ qua các quy định về trình tự, thủ tục soạn thảo, ban hành nghị quyết HĐND đã được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Tại Điều 2 quy định: “… văn bản quy phạm pháp luật nhưng được ban hành không đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong luật này thì không phải là văn bản quy phạm pháp luật”. Trên thực tế, hầu hết các nghị quyết HĐND là văn bản quy phạm pháp luật (trừ một số nghị quyết là văn bản cá biệt).

Hơn nữa, kết luận thỏa thuận về nội dung và cách thức giải quyết những vấn đề phát sinh giữa 2 kỳ họp HĐND được tổ chức thực thi chưa có ban hành nghị quyết HĐND điều chỉnh mà hậu quả pháp lý xảy ra, trách nhiệm thuộc về ai và xử lý như thế nào? Trong khi đó, không có quy định việc HĐND ủy quyền cho Thường trực HĐND giải quyết những vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp HĐND.

Từ thực tế tên, đối với những vấn đề phát sinh giữa 2 kỳ họp HĐND đã có nghị quyết HĐND điều chỉnh thì thực hiện theo Khoản 4 Điều 21 Nghị quyết số 753/2005/UBTVQH trước đây. Bên cạnh đó, nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, UBTVQH hướng dẫn cụ thể lĩnh vực, nội dung chi tiết rõ ràng (nhằm tránh việc phát sinh đều là cấp bách cần giải quyết ngay cho kịp thời) quy định HĐND được ủy quyền cho Thường trực HĐND phối hợp với UBND thống nhất nội dung, cách giải quyết những vấn đề phát sinh tại phiên họp Thường trực HĐND và báo cáo lại tại kỳ họp HĐND gần nhất, để HĐND ban hành nghị quyết. Nghị quyết HĐND trong trường hợp này có tính đặc thù nên cần bổ sung một số điểm của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 để phù hợp và đồng bộ.

Nguyễn Hiền Tuấn - Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Trà Vinh