Khai giảng năm học 2019 - 2020

Hướng đến học sinh

- Thứ Sáu, 06/09/2019, 08:10 - Chia sẻ
Sáng 5.9, hơn 23 triệu học sinh, sinh viên trên cả nước khai giảng năm học mới 2019 - 2020. Thực hiện chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo, lễ khai giảng ở các trường được tổ chức ngắn gọn, bảo đảm trang nghiêm và hướng đến học sinh.

Lễ khai giảng nhiều ý nghĩa

Khác với những năm trước, lễ khai giảng năm nay trên cả nước được tổ chức gọn nhẹ, không thả bóng bay, chú trọng việc tổ chức đón học sinh đầu cấp. Nhiều trường đã tổ chức các hoạt động tìm hiểu về biển đảo, khơi dậy tình yêu quê hương, tổ quốc, lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường… Từ lá thư kêu gọi không thả bóng bay trong lễ khai giảng nhằm bảo vệ môi trường của Nguyễn Nguyệt Linh, Trường Marie Curie (Hà Nội) - nơi em theo học, đã đặt tên cho lễ khai giảng năm học mới là “Lễ khai giảng không bóng bay mang tên Nguyệt Linh” để ghi nhận nguyện vọng đầy ý nghĩa của cô bé học sinh lớp 6 này. Trong buổi lễ kéo dài chừng 40 phút, Nguyệt Linh và Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Khang đứng trước toàn trường kêu gọi mọi người hành động bảo vệ môi trường với thông điệp chính là loại bỏ rác thải nhựa, nilon trong trường học.

Cùng với đó, nhà trường cũng nhận được nhiều lời đề nghị tích cực từ học sinh như: Phòng vận hành thay túi đựng rác nilon bằng túi sinh học tự phân hủy; nhà ăn sử dụng cốc giấy, ống hút giấy, túi giấy thay cho nhựa và nilon; học sinh không dùng bọc sách, vở bằng nilon; các gia đình giáo viên và học sinh không đốt vàng mã. Đồng thời, các bức tranh do học sinh nhà trường vẽ với chủ đề “Save the nature” (bảo vệ thiên nhiên) và “Save the ocean” (bảo vệ đại dương) cũng được trưng bày hai bên cổng chính nhằm lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường. Chia sẻ với học sinh và phụ huynh trong Lễ Khai giảng, thầy Nguyễn Xuân Khang cho biết: “Hàng năm cứ đến ngày khai giảng tôi thường có đôi lời phát biểu truyền cảm hứng đến học trò nhưng năm học này chính học trò đã truyền cảm hứng cho tôi và mọi người”.

Tại Trường THCS, THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), lễ khai giảng chứa đựng những cảm xúc thiêng liêng khi nhà trường tổ chức triển lãm ảnh về cuộc sống của người lính biển, giao lưu với CLB Tuổi trẻ vì Biển đảo quê hương và gửi thư, tặng quà cho các em nhỏ có bố là chiến sĩ hải quân. Năm nay, học sinh Lương Thế Vinh có mặt lễ khai giảng với ba màu áo: Màu cờ Tổ quốc, màu áo xanh của người lính, màu trắng đồng phục thủy thủ. Hiệu trưởng Trường THCS, THPT Lương Thế Vinh Văn Thùy Dương cho biết, những bộ trang phục này nhắc các em hiểu hơn về biển đảo quê hương, từ đó, biết yêu Tổ quốc mình, yêu nơi mình sống để học tập tốt, đóng góp nhiều hơn cho hòa bình của đất nước.

Không để “tiên học lễ, hậu học văn” là khẩu hiệu suông

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2019 - 2020 cả nước có hơn 23 triệu học sinh, sinh viên. Trong đó, giáo dục mầm non có 5,5 triệu trẻ, giáo dục phổ thông có 17 triệu học sinh và có 1,5 triệu sinh viên. Những năm qua, giáo dục và đào tạo luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Năm học qua, ngành giáo dục cả nước đã đạt nhiều thành tích tốt, tiếp tục đổi mới theo Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới giáo dục. Trong đó, ngành đã có nhiều đơn vị, nhiều thầy cô ở các cấp học có sự thay đổi về mô hình giáo dục, định hướng phát triển theo tinh thần Nghị quyết 29.


Tranh của học sinh Trường Marie Curie (Hà Nội) về chủ đề “Bảo vệ thiên nhiên” và “Bảo vệ đại dương” trưng bày tại lễ khai giảng

Nói chuyện với thầy và trò Trường PTTH Sơn Tây (Hà Nội) trong lễ khai giảng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, bên cạnh việc tiếp tục dạy học hiệu quả các môn văn hóa, các thầy cô cần quan tâm hơn nữa đến giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh. Qua đó các em học sinh phát triển toàn diện, phát huy năng lực sáng tạo. “Con người phải có đức, có tài thì mới đóng góp xây dựng đất nước, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Dạy chữ đã quan trọng, dạy người, dạy đức, dạy lối sống văn hóa càng quan trọng hơn”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, năm học 2019 - 2020, ngành giáo dục xác định việc dạy làm người, dạy đạo đức, lối sống, giá trị sống, kỹ năng sống cho học sinh là một trong những nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu và quyết tâm triển khai hiệu quả. Tuy nhiên, lãnh đạo ngành giáo dục cho rằng, để “tiên học lễ, hậu học văn” không chỉ là khẩu hiệu suông, rất cần sự nêu gương của đội ngũ thầy cô, sự chung tay của gia đình và xã hội. “Với học sinh, cha mẹ có vai trò như là “thầy cô” lúc ở nhà, còn xã hội chính là môi trường sống hằng ngày của học sinh”. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng khẳng định, sẽ chỉ đạo việc đổi mới phương pháp đánh giá đạo đức, khen thưởng, kỷ luật đối với học sinh theo hướng thuyết phục, thực chất và cụ thể hơn.

Khải Minh